Tỷ phú giàu có Ấn Độ Narayana Murthy khiến giới kinh doanh ngưỡng mộ không chỉ bởi tài năng làm giàu thiên phú mà còn vì nhân cách tuyệt vời. Nhắc đến Narayana Murthy là nhắc đến một tấm gương vượt khó, gây dựng sự nghiệp từ thuở hàn vi với nỗ lực và đam mê hết mình.
Khởi nghiệp từ 250 USD vay của vợ
|
Tỷ phú Ấn Độ Narayan Murthy. Ảnh: Successstory. |
Sinh ngày 20/8/1946 tại Karnataka, Ấn Độ,
tỷ phú Narayan Murthy sinh trưởng trong một gia đình có bố là thầy giáo dạy toán. Ngay từ khi còn nhỏ, Murthy nổi tiếng là người thông minh, chăm chỉ và đam mê toán học cùng với một số môn tự nhiên khác. Khi học trung học, ông luôn là học sinh đứng đầu trong lớp với thành tích ấn tượng.
Năm 1967, ông Murthy học ngành điện tử tại Đại học Tổng hợp Mysore. Kế đến, ông học tiếp về công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Kanpur.
Vào năm 1981, ông Murthy cùng 6 kỹ sư, trong đó có Giám đốc điều hành Nandan Nilekani đã xây dựng Tập đoàn Infosys từ 250 USD vay mượn của những người vợ.
Từ số tiền vay khiêm tốn dùng để khởi nghiệp trên, ông Murthy cùng các cộng sự từng bước gây dựng sự nghiệp, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đưa Infosys trở thành tập đoàn phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ. Tập đoàn của ông cũng trở thành một trong 10 tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực phần mềm.
Tập đoàn ngày càng ăn lên làm ra, ông Murthy nắm trong tay lượng lớn cổ phiếu và trở thành một trong những tỷ phú thành đạt vang danh thế giới.
Công thức thành công: chăm chỉ và đạo đức công việc
|
Tỷ phú Narayan Murthy (bên trái ảnh). Ảnh: Successstory. |
Để trở thành một tỷ phú, nhà lãnh đạo thành công, ông
Narayan Murthy đã cho thấy bản thân là người thông minh, có tài và vô cùng cần mẫn, tận tụy hết mình vì công việc. Kể từ khi tập đoàn Infosys thành lập, ông luôn làm việc không dưới 12 tiếng/ngày. Ông thường chia sẻ với nhân viên rằng, để có được thành công cần phải siêng năng và có quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Tỷ phú Murthy đã đưa tập đoàn Infosys vươn tầm quốc tế nhờ tư duy kinh doanh mang tính toàn cầu. Không chỉ tập trung phát triển thị trường trong nước, ông còn chú trọng đến thị trường quốc tế, trong đó có Mỹ. Để thu hút khách nước ngoài, ông Murthy cùng các nhân viên tập trung phát triển phần mềm chất lượng với chi phí hợp lý và hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn.
Một trong những bí quyết thành công của tỷ phú Murthy tiếp theo đó là "kinh doanh phải có đạo đức".
“Hệ thống các giá trị mà tôi theo đuổi khi thành lập công ty là của cha mẹ tôi trao lại. Cha tôi có những quan niệm rất rõ ràng về sự trung thực, khí khái và đạo đức công việc. Còn mẹ tôi dạy tôi hi sinh (thời gian và tiền bạc) cho mọi người”, tỷ phú Murthy nói.
Sự nghiệp có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào khách hàng. Nắm bắt được điều này, ông Murthy luôn đặt mục tiêu phải giành được niềm tin của khách hàng để từ đó sản phẩm của tập đoàn đến gần hơn với người tiêu dùng. Luôn đặt khách hàng ở vị trí ưu tiên nên vào trước mỗi bữa ăn, ông đều cầu nguyện cho họ.
“Tại sao chúng ta lại không phát triển công ty để cho cả xã hội phải kính trọng, không chỉ trong lĩnh vực phần mềm mà còn trong các lĩnh vực khác. Muốn làm được điều đó thì doanh nghiệp không bao giờ lừa dối khách hàng, tuân thủ những quy tắc quản trị một cách nghiêm chỉnh, không vi phạm luật pháp, đối xử tốt với nhân viên. Nếu doanh nghiệp làm được những việc này thì lợi nhuận sẽ tự tìm đến”, bài học kinh doanh của ông Murthy về khách hàng khiến nhiều người ngưỡng mộ và học hỏi.
Đối với bất cứ doanh nghiệp nào cũng luôn phải đối mặt với những tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, tỷ phú Murthy luôn chủ động ứng phó, giải quyết những tình huống xấu theo 2 nguyên tắc: Một là, cần nói ngay những điều mà cảm thấy nghi ngờ; Hai là “Tin tốt thì có thể báo cáo từ từ, nhưng tin xấu thì phải báo cáo ngay lập tức”.
Theo tỷ phú Murthy, thành công của ông ngày hôm nay không thể thiếu việc nhà quản lý doanh nghiệp phải hiểu được giá trị mà công ty mang đến cho thị trường và cần thể hiện và truyền tài những giá trị này bằng ngôn ngữ đơn giản nhưng rõ ràng nhất. Doanh nghiệp cũng cần tuyển dụng những nhân viên có chung mục tiêu và có tính cam kết với giá trị của tổ chức. Người quản lý không chỉ tập hợp những con người có những điểm chung mà còn cần có những kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau.
Từ những bí quyết kinh doanh được đúc kết trong nhiều năm, tỷ phú Murthy đã dẫn dắt đưa tập đoàn Infosys trở thành một đế chế phần mềm lớn mạnh như hiện nay.
Lối sống giản dị, quan tâm đến lợi ích của nhân viên
|
Ảnh: Successstory. |
Không giống như nhiều tỷ phú trên thế giới ăn mặc hàng hiệu, đi xe đắt tiền, tỷ phú giàu có Ấn Độ Narayana Murthy vẫn luôn giữ lối sống giản dị ngay cả khi đã trở thành người giàu có. Nắm trong tay khối tài sản hàng tỷ USD, vị tỷ phú này vẫn giữ thói quen ăn mặc giản dị và tự lái ô tô có mức giá trung bình.
Hàng tuần, ông Murthy đi xe bus đến thăm các cơ sở của tập đoàn và trao đổi công việc, thăm hỏi nhân viên. Thỉnh thoảng, ông cũng xếp hàng cùng nhân viên trong các nhà ăn tập thể để gần gũi, hiểu hơn về những nhân viên cống hiến cho tập đoàn.
Tỷ phú Murthy còn khiến nhiều người ngưỡng mộ và không khỏi bất ngờ khi vẫn giữ thói quen đến văn phòng làm việc từ 6h20 phút sáng cho đến khi rút lui khỏi tập đoàn năm 60 tuổi. Sự cần mẫn, chăm chỉ của ông đã truyền cảm hứng cho mọi người.
Nhân viên là tài sản quý của tập đoàn nên ông Murthy tạo ra môi trường làm việc thoải mái để họ thỏa sức thể hiện tài năng và niềm đam mê với công việc. Để làm được điều đó, ông cho phép nhân viên đến phòng thể thao hay đi ăn tại nhà hàng ngoài trời mà không bó buộc vào những quy tắc cứng nhắc.
Một trong những bí quyết giúp tỷ phú Murthy thu hút và giữ được nhân tài là do ông quan tâm đến quyền lợi của nhân viên. Tất cả mọi nhân viên làm việc cho tập đoàn từ lái xe hay bảo vệ được trả công một phần bằng cổ phiếu. Do vậy, mỗi khi cổ phiếu của Infosys Technologies tăng giá thì điều đó đồng nghĩa với việc họ gián tiếp được tăng lương.
Những câu nói mang đậm dấu ấn Narayana Murthy
|
Ảnh: Successstory. |
Là một người thành đạt, nắm trong tay khối tài sản khổng lồ, tỷ phú Narayana Murthy đã có một số câu nói nổi tiếng, truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Dưới đây là một số câu nói gắn liền với tên tuổi tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy - thành viên sáng lập và là Chủ tịch danh dự Công ty TNHH Infosys:
- Tại sao chúng ta lại không phát triển công ty để cho cả xã hội phải kính trọng, không chỉ trong lĩnh vực phần mềm mà còn trong các lĩnh vực khác. Muốn làm được điều đó thì doanh nghiệp không bao giờ lừa dối khách hàng, tuân thủ những quy tắc quản trị một cách nghiêm chỉnh, không vi phạm luật pháp, đối xử tốt với nhân viên. Nếu doanh nghiệp làm được những việc này thì lợi nhuận sẽ tự tìm đến.
- Có thể lần trước ý tưởng của họ bị bác bỏ vì nó chưa đủ tốt, nhưng lần sau họ vẫn có thể chắc chắn rằng nó sẽ có cơ hội thành công
- Chúng ta đã trải qua một chặng đường 9 năm dài khó khăn và tôi tin chúng ta sẽ thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm. Tôi không muốn bán Công ty, nếu các anh muốn bán thì tôi sẽ mua lại cổ phần của các anh.
- Khi các sinh viên thấy 7 người chúng tôi giải quyết các bài toán một cách nhanh chóng, họ đã nghĩ rằng chúng tôi là những người tài giỏi và vì thế họ có hứng thú với công ty của chúng tôi.
- Hãy chỉ cho tôi một doanh nghiệp thành công, và tôi sẽ chỉ cho bạn một tập thể hạnh phúc, tràn trề hy vọng, tự tin, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, từ chủ tịch đến lao công.
- Đóng góp lớn nhất của Infosys cho Ấn độ là gì? Là tăng được sự tự tin của những người khởi nghiệp trẻ tuổi ở đất nước này.
- Kết quả công việc dẫn đến sự ghi nhận, sự ghi nhận đem đến sự kính trọng và sự kính trọng đem đến quyền lực.