Hai bàn tay trắng gây dựng cơ đồ
|
Tỷ phú Lý Gia Thành. Ảnh: Nextshark. |
Sinh ngày 29/7/1928 tại Triều Châu, Trung Quốc, tỷ phú Lý Gia Thành sinh raa trong một gia đình có cha là hiệu trưởng một trường tiểu học. Tuy nhiên, tuổi thơ của ông có nhiều sóng gió và biến cố. Khi lên 12 tuổi, gia đình di cư sang Hong Kong và cha ông qua đời vì bệnh lao 3 năm sau đó.
Sự ra đi của người cha khiến kinh tế gia đình Lý Gia Thành gặp khó khăn. Để giúp đỡ gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ông đã bỏ học giữa chừng năm 15 tuổi và bắt đầu công việc kiếm tiền bằng cách bán dây đồng hồ đeo tay và thắt lưng dạo.
Chính hoàn cảnh khó khăn đó đã khiến chàng trai trẻ Lý Gia Thành có ý chí và quyết tâm lớn vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vì vậy, ông bắt đầu trở thành công nhân trong tiệm đồng hồ. Kế đến, ông làm công trong xưởng sản xuất đồ nhựa.
Nhờ làm việc chăm chỉ, thật thà và cầu thị, Lý Gia Thành nhận được tín nhiệm và được đề bạt làm giám đốc xưởng sản xuất đồ nhựa khi 20 tuổi.
Đến năm 1950, ông Lý Gia Thành thành lập nhà máy nhựa mang tên Trường Giang tại Hong Kong. Năm 1958, ông khiến nhiều người ngưỡng mộ khi cho ra đời công ty Cheung Kong Industries chuyên sản xuất hoa nhựa, đồ chơi.
Vào năm 1971, Cheung Kong Industries đổi tên thành Cheung Kong Holdings. Tiếp nối thành công, ông phát cổ phiếu lần đầu vào năm 1972.
Năm 1979, ông mua lại công ty đầu tư Hutchison Whampoa của Anh. Đến những năm 1980, ông Lý Gia Thành chuyển hướng Hutchison Whampoa phát triển sang cả mảng viễn thông và đạt được những thành tựu lớn.
Thành công nối tiếp thành công, năm 1985, ông Lý Gia Thành cho ra mắt dịch vụ điện thoại di động Hutchison Telecommunications. Với những thành tựu đã đạt được, Lý Gia Thành hiện là người giàu nhất Hong Kong (Trung Quốc) với tổng tài sản lên tới 28,8 tỷ USD (tính đến tháng 7/2016). Đặc biệt, năm 2001, ông Lý được tạp chí Asiaweek chọn là người đàn ông quyền lực nhất châu Á.
Triết lý kinh doanh chạm đến thành công
|
Ảnh: Forbes. |
Để trở thành tỷ phú giàu nhất Hong Kong, có trong tay cả danh vọng lẫn tiền tài, ông Lý Gia Thành đã chia sẻ triết lý kinh doanh mà bản thân đúc kết được trong những năm lập nghiệp. Triết lý kinh doanh của tỷ phú này có 4 tư tưởng chính: Lấy tư tưởng của người theo đạo Nho để quản lý doanh nghiệp; Lấy lòng từ thiện của người theo đạo Phật để đối xử với nhân tài; Lấy trạng thái tâm lý ổn định để phát triển sự nghiệp; Lấy tâm hồn gần gũi đối xử với đối thủ.
Từ triết lý kinh doanh này, tỷ phú họ Lý thường mời những người giàu có và thành công hơn mình đi ăn. Theo chia sẻ của tỷ phú Lý Gia Thành, những người thành công hơn mình sẽ mang lại giá trị to lớn cho bạn. Không những danh tiếng và tầm ảnh hưởng được nâng tầm mà bạn còn xây dựng cho mình hình ảnh tốt bụng và hào phóng.
Để có thể đạt đến thành công như ngày hôm nay, ông Lý Gia Thành cho hay công việc bán hàng sẽ giúp những người khởi nghiệp lĩnh hội nghệ thuật bán hàng một cách nhanh nhất.
Trong quá trình làm việc, hãy học hỏi bằng cách giúp đỡ bởi không chỉ người bình thường mà cả doanh nhân cũng cần giúp đỡ. Học hỏi thông qua việc giúp đỡ người khác sẽ giúp bạn rèn luyện ý chí và khả năng hùng biện.
Tỷ phú Lý Gia Thành còn tiết lộ để chạm đến thành công, bạn không nên để cái tôi điều khiển, học cách khiến người khác tốt với mình và tự đối xử tốt với bản thân hơn. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết tiết kiệm tiền. Đừng lãng phí tiền bạc mua sắm những thứ đắt tiền mà thay vào đó, hãy dùng số tiền tiết kiệm mua quà cho những người bạn yêu thương. Khi đã trở thành người giàu có, bạn có thể thoái mái mua những món đồ đắt tiền để tự thưởng cho bản thân.
Một khi đã giàu có, bạn không nên khoe khoang và để người khác biết mình tiêu xài hoang phí. Tỷ phú Lý Gia Thành cũng khuyên những người trẻ lập nghiệp cần xác định rõ điều gì là quan trọng và đáng đầu tư vào. Khi đã có kế hoạch phát triển sự nghiệp thì nên bắt tay càng sớm càng tốt.
Để trở thành một nhà quản lý thành công, ông Lý Gia Thành chia sẻ thái độ và năng lực là điều kiện không thể thiếu. Một nhà lãnh đạo thành công là người biết truyền cảm hứng cho người khác hướng đến những điều tốt đẹp hơn.
Người quản lý cũng phải là người nhìn thấy được tài năng của người khác. Hãy tuyển dụng những người thông minh hơn mình để làm việc cùng. Nghệ thuật của quản lý nằm ở khả năng chấp nhận thay đổi và khả năng làm cho những đổi mới hòa hợp được với những suy nghĩ truyền thống.
Với triết lý kinh doanh và những bí quyết khởi nghiệp trên, ông Lý Gia Thành từng bước trở thành người thành đạt, nắm trong tay khối tài sản khổng lồ và trở thành tấm gương khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ trên thế giới.
Triết lý sống: đừng bao giờ giẫm đạp lên hai chữ "thành tín"
|
Ông Lý Gia Thành (bên phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được đăng trên trang web của quỹ Li Kashing Foundation, do ông Lý Gia Thành sáng lập. Ảnh: Li Ka Shing Foundation. |
Đối với những người làm kinh doanh, chân thành và tín nghĩa luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với ông Lý Gia Thành cũng vậy. Ông từng nói: "Cả đời tôi làm kinh doanh, cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao ngoài việc làm bất cứ việc gì cũng phải giữ chữ tín... Khi bạn làm quá sức thì chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khoẻ lại, khi bạn chi tiêu quá tay thì chỉ cần kiếm thêm và tiết kiệm là sẽ bù lại được, nhưng khi bạn để mất chữ tín và danh dự của mình thì cho dù có đánh đổi bao nhiêu công sức và tiền bạc cũng chẳng thể lấy lại được".
Cách sống trên của tỷ phú Lý Gia Thành còn được biết đến qua câu chuyện nổi tiếng mà ông từng chia sẻ:
"- Điều khó nhất là gì? Là vay tiền.
Người sẵn sàng cho bạn vay tiền, là quý nhân của bạn.
Không những cho bạn vay tiền, họ còn không đặt ra bất kì điều kiện gì cho bạn. Chắc chắn là quí nhân của các quí nhân.
Ngày nay, người như vậy không còn nhiều. Nếu gặp được, nhất định bạn phải trân trọng.
Người cho bạn vay tiền khi bạn gặp khó khăn, không phải vì người ta lắm tiền. Mà vì người ta muốn Giúp Bạn Một Tay.
Thứ người ta cho bạn vay, không phải là tiền, mà là Lòng tin, sự khích lệ, sự tin tưởng, là đánh cược vào con người bạn của-ngày-mai.
Mong mọi người quanh tôi đừng bao giờ giẫm đạp lên hai chữ "thành tín". Thất tín chính là phá sản lớn nhất của đời người. Hãy nhớ lấy.
Sống trung thực, thành tín, là tài phúc của kiếp này.
Người mà khi làm việc, chủ động làm phần nhiều, không phải người ta dại, mà vì người ta ý thức được 2 từ trách nhiệm
Người khi cãi nhau luôn chủ động xin lỗi trước, không phải vì người ta sai, mà do hiểu được thứ gì mới đáng để trân trọng.
Người tự nguyện giúp bạn cái gì, không phải do họ nợ bạn, mà do họ thực sự coi bạn như bạn bè".
Chân thành và chữ tín luôn được tỷ phú Lý Gia Thành đặt lên hàng đầu. Đây chính là một trong những triết lý sống giúp ông trở thành người giàu có và đáng kính trọng trong mắt mọi người.
Tỷ phú chung tình, sống giản dị hết mức
|
Tỷ phú Lý "khoe" chiếc đồng hồ trị giá 500 USD mà ông đã gắn bó trong nhiều năm. Ảnh: B.I. |
Dù là người đàn ông giàu có nhất Hong Kong nhưng tỷ phú Lý Gia Thành không giống như nhiều người khác có cuộc sống buông thả sau khi chạm đến thành công. Ông vẫn giữ nếp sống giản dị đến bất ngờ. Cụ thể, trong nhiều năm, ông thường đi những đôi giày đen đơn giản và luôn đeo một chiếc đồng hồ trị giá 500 USD. Điều thú vị hơn nữa là đồng hồ của ông luôn chạy nhanh 30 phút để tránh trễ giờ.
"Giả sử đồng hồ này có giá vài trăm nghìn USD, tôi sẽ phải rất cẩn trọng. Nhưng khi nó có giá vài trăm USD, tôi có thể chơi golf, bơi lội hay tập thể dục mà không cần phải quá cẩn thận", tỷ phú họ Lý chia sẻ.
Tỷ phú Lý Gia Thành còn được biết đến là người chồng hết mực chung tình. Người vợ đồng cam cộng khổ của ông là bà Trang Nguyệt Minh. Hai người đã ở bên nhau ngay từ những ngày đầu ông lập nghiệp. Khi bà qua đời năm 1990, tỷ phú Lý Gia Thành không tái hôn và một mình nuôi dạy hai con trai từ đó cho đến nay.
Là một người thành công từ trong gian khó nên tỷ phú Lý Gia Thành cũng dạy con khá nghiêm khắc. Ông luôn căn dặn con không được sống buông thả, trong kinh doanh luôn trọng chữ tín và phải thật thành tâm. Hai con của ông sau khi tốt nghiệp ĐH Stanford (California, Mỹ) đã từng ngỏ ý muốn về Hong Kong làm việc cùng cha nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông đưa hai con trai sang Canada lập nghiệp, để các con tự rèn luyện bản thân vươn lên từ trong gian khó.
Tuổi thơ sóng gió luôn hằn sâu trong tâm trí tỷ phú Lý Gia Thành. Chính điều này đã luôn thôi thúc ông làm nhiều việc thiện nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông thành lập nhiều quỹ từ thiện trong đó nổi bật nhất là Quỹ từ thiện mang tên Lý Gia Thành đã có nhiều hoạt động nhân đạo không chỉ ở Hong Kong mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy, ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt, một người chồng chung thủy, người cha mẫu mực mà còn là một mạnh thường quân đáng ngưỡng mộ.
Câu nói nổi tiếng của tỷ phú Lý Gia Thành
|
Ảnh: Business Insider. |
Trải qua đủ đầy những thăng trầm của cuộc sống, những ngọt bùi đắng cay trên con đường lập nghiệp, tỷ phú Lý Gia Thành đã đúc kết những bài học đáng giá về cuộc sống, về làm giàu truyền cảm hứng cho hàng triệu người:
- Chỉ khi nào bản thân nhận thức rõ việc kiếm tiền không phải là chuyện dễ, lúc đó chúng ta mới trở thành một người có trí tuệ, mới thực sự thành công trong lao động. Danh lợi không phải là điều quan trọng nhất; làm kinh tế không có chữ tín sẽ không thành; Sống lương thiện mới là nguồn tài nguyên dồi dào; Bền bỉ là pháp bảo của giàu sang.
- Ký ức thời thơ ấu đau buồn nhất của tôi là khi chứng kiến cảnh cha đau đớn và chết vì bệnh lao. Chính tôi cũng bị lây bệnh. Gánh nặng của nghèo đói và tủi nhục khi bị cô lập bởi những người xung quanh mãi in lên trái tim tôi những câu hỏi: Liệu tôi có thể thay đổi số phận? Liệu tôi có thể vươn lên bằng những kế hoạch vạch ra cho cuộc đời thật tỉ mỉ?.
- Tôi cho rằng việc bạn có là một tỷ phú hay không không quan trọng. Quan trọng hơn cả là cuộc sống của bạn có ý nghĩa và mọi người có tin tưởng, ngưỡng mộ bạn hay không.
- Làm kinh doanh cũng giống như chơi golf vậy, nếu ở trận đầu đi chưa tốt, thì đến trận thứ hai bạn càng phải tĩnh tâm và lập chiến lược, như vậy nhất định bóng sẽ không trật ra khỏi lỗ. Kể cả làm người cũng vậy, có sướng có khổ, khi không may vấp phải thất bại, việc đầu tiên là bạn cần trấn tĩnh cân nhắc xem nên dùng thái độ nào để đối mặt với nghịch cảnh.
- Sức khỏe của con người được ví như chăm sóc đê đập, nếu phát hiện ngay từ đầu có vết nứt thì chỉ cần bỏ ra chút ít sức lực cũng có thể khắc phục được, song nếu chúng ta không quan tâm đến cơ thể mình, đến khi vỡ đê mới chạy chữa, lúc đó sẽ tiêu hao không ít sinh lực của cải mà chưa chắc đã đổi lại được.