Đó là câu chuyện vào mùa Đông năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Khi đó, có viên quan Hộ khoa Cấp sự trung là Lê Bá Đôn vào bái mạng nhà vua, vì mưa trơn, trượt chân ngã, đánh rơi cái hốt. Viện Đô sát hặc tâu việc này, cho là Bá Đôn phạm lỗi bất kính với vua.
Vua Minh Mạng cho rằng, việc trượt ngã là vô tình, nên đặc cách tha cho Bá Đôn; nhân bảo thị thần rằng: "Ta xem tập Kinh sao, thấy triều Thanh có người được dẫn yết kiến nhà vua, vì mưa trượt ngã; vài hôm sau, khoa đạo mới đem việc ra tâu hặc, vua Thanh đều truyền chỉ ban quở. Việc ấy mà người ta nêu ra, kể cũng cay nghiệt. Duy khoa đạo bên ta ngay hôm ấy, tham hặc liền Bá Đôn, thì lại nhanh hơn khoa đạo nhà Thanh".
Nhà vua cũng hỏi thêm: "Ta thấy triều Thanh, kỳ thi Hội, có một người bị tàn tật mà đỗ tiến sĩ, quan trường bị quở trách. Không biết nước ta từ xưa đến nay, mở khoa thi, kén kẻ sĩ, từng có hạng người như thế không?". Quan Nội các là Hà Tông Quyền thưa rằng: "Thần nghe, khoa thi các đời trước, có người mặt mũi xấu xí mà đỗ trạng nguyên, có người 70 tuổi mà đỗ tiến sĩ, chưa nghe nói có ai bị tàn tật". Vua nói rằng: "Mặt xấu mà văn hay, có hại gì đến việc kinh bang tế thế; 70 tuổi mà đỗ, thế gọi là đầu rồng thuộc bậc lão thánh, chứ đâu có như hạng người tàn tật! (thời xưa coi thường người tàn tật, xếp cùng hạng người mồ cút, bệnh dịch).
Vả lại, nhà Thanh có đủ sách vở, học giả dễ tu tiến. Sĩ tử nước ta sở học dẫu chưa rộng lắm, nhưng lời văn đẹp đẽ cũng đủ khả quan. Từ nay về sau, thế đạo ngày một lên, nhân văn ngày một thịnh, người nhà Thanh chưa chắc đã hơn được ta".
Người mà Hà Tông Quyền đề cập "mặt mũi xấu xí" mà đỗ trạng nguyên ở nước ta, có lẽ là nói đến Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, đỗ đầu kỳ thi Đình năm 1304, đời vua Trần Anh Tông.
Dã sử mô tả ông dung mạo xấu xí, còn trong "Đại Việt sử ký toàn thư" chỉ chép rằng khi ông đi sứ sang nước Nguyên "thấy ông người thấp bé, người Nguyên khinh ông", nhưng sau khi Mạc Đĩnh Chi trổ tài thơ văn, thì vua quan nhà Nguyên đều thán phục.
Trước đó, năm 1835, trong kỳ thi Đình, vua Minh Mạng cho lấy Nguyễn Hữu Cơ, Phạm Huy, Bạch Đông Ôn đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, Lưu Quỹ, Nguyễn Thố, Nguyễn Hoàng Nghĩa, Bùi Đình Bảo, Hoàng Thu, Nguyễn Đức Hoan, Lê Chân, Nguyễn Thế Trị đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Trong đó, vua xem danh sách thấy Lê Chân mới có 19 tuổi, muốn cho vị tân tiến sĩ này ở nhà Giám để học thêm, bèn sắc các quan sai hỏi lại. Lê Chân đem sự thực trình bày rằng thực ra ông đã 23 tuổi, mà danh sách ghi là 19 tuổi, vì từ trước do Lý trưởng làng ông khai lầm, chưa kịp cải chính.
Nhà vua nghe vậy, mới dụ Nội các rằng: "Khoa mục là bước đầu để tiến thân, nên lấy thành, tín làm gốc, thế mà lại có sự rút tuổi như thế, thì đã là tự dối mình trước, sau này ra làm quan, còn mong gì giữ được công bình trung thực! Điều đó ta thực không ưa. Vậy hãy cho Lê Chân cải chính theo tuổi thực".
Rồi vua ra lệnh tiếp cho bộ Lễ truyền dụ: "Từ nay về sau, những người đi thi, họ, tên, tuổi và quê quán cần khai cho đích thực. Nếu vì Lý trưởng trót đã khai lầm thì mình là người biết chữ sao lại có thể làm ngơ như hạng người mù điếc. Vậy lúc nhận quyển phải nên trình bày rõ ràng để chữa lại, nếu một niềm im lặng, thì khi phát giác sẽ có tội, lại truất luôn cả khoa danh đã đỗ để sửa thói học trò cho đúng và giữ trường quy cho nghiêm túc".
Nếu thời Lê, các tiến sĩ được vinh danh với những nghi thức như yết bảng vàng ở cửa Đông Hoa hoặc ở nhà Thái học, ban yến, cấp ngựa tốt để vinh quy về nhà, thì thời Nguyễn, từ năm 1838, vua Minh Mạng cũng bắt đầu ban yến cho các tân tiến sĩ.
Theo bộ sử "Đại Nam thực lục", thì sau kì thi Đình vào tháng 5 năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (1838), bắt đầu định lệ cho tiến sĩ mới dự yến ở vườn Thư Quang.
Nhà vua dụ rằng: "Xưa nay đỗ Tiến sĩ, theo lệ có ban yến, triều nhà Tống ban yến ở vườn Quỳnh Lâm, đến nhà Minh, nhà Thanh ban yến ở bộ Lễ, sự thể như một, Nhà nước ta văn vận tốt sáng, từ khi trẫm đặt ra các khoa thi Hội, thi Điện (tức thi Đình), vốn muốn chấn hưng văn giáo, từ trước đến nay người dự trúng cách thì chiểu theo điển lệ nhà Minh, nhà Thanh ban yến ở bộ Lễ. Nay nghĩ đã qua đình đối trúng tuyển, tất phải ban yến ở vườn Thượng uyển cho nhiều ơn hậu, chuẩn cho lấy khoa này làm đầu, cho Tiến sĩ mới ăn yến ở vườn Thư Quang, sánh với việc cũ ở vườn Quỳnh Lâm đời xưa, tức gọi là ban yến ở vườn Thư Quang, so với ban yến ở bộ Lễ, ơn vinh biết là nhường nào?".
Vào ngày lễ ấy, Tiến sĩ mới lĩnh yến xong, trước hết đi xem vườn hoa của vua, lại cấp cho mỗi người một con ngựa thượng tứ, bộ Lễ mặc phẩm phục dẫn đi trước, có binh lính che lọng đi theo, từ cửa Đông đi ra, đi khắp các đường phố xem hoa, người đi xem đứng đông kín như bức tường. Việc Tiến sĩ cưỡi ngựa xem hoa, bắt đầu từ năm đấy.
Vua Minh Mạng nhân đó bảo Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực rằng: "Trẫm nay ban yến cho Tiến sĩ ở vườn Thư Quang là theo nghĩa phát triển tài năng, mở mang văn trị rực rỡ, Tiến sĩ triều cố Lê ân điển thế nào? Thực thưa rằng: "Khoa Tiến sĩ triều cố Lê đời bấy giờ quý lắm, cho nên sĩ phu chưa trúng Tiến sĩ, dù đã làm quan to, vẫn vào thi Hội". Nhà vua nghe vậy, bảo rằng: "Danh nên mộ, lòng người cũng như thế, nhưng đặt khoa thi chọn học trò, chỉ là thu lượm nhân tài để giúp Nhà nước, nếu đã làm quan, lại thi làm gì?".