Việc xử Thiêm Bình tội lăng trì là thông điệp ngoại giao mạnh mẽ của nhà Hồ. Nhà Hồ muốn cho nhà Minh thấy họ không công nhận danh phận của Thiêm Bình mà chỉ coi y là một kẻ phản loạn. Đồng thời, việc xử lăng trì tàn khốc như vậy cũng để cảnh báo những kẻ muốn cõng rắn cắn gà nhà.
Trong thời điểm ngoại giao giữa nhà Hồ và nhà Minh căng thẳng, chuẩn bị đứng bên bờ vực chiến tranh, nhà Minh đã đi một nước cờ từng lặp lại rất nhiều trong lịch sử của phương Bắc: dựng vua bù nhìn.
Để tạo cớ cho việc đưa quân vào nước ta, chúng tìm kiếm một người gọi là hậu duệ của tiền triều để dựng lên làm vua bù nhìn. "Vừa khéo" lại xuất hiện kẻ tự xưng là Trần Thiêm Bình, lại mạo xưng là con vua Trần Nghệ Tông, chạy sang Yên Kinh cầu viện nhà Minh xin giúp binh đánh nhà Hồ báo thù. Thiêm Bình khẩn khoản nói với Minh Thành Tổ ra quân, chỉ cần vài ngàn người có thể thắng lợi, vì đi tới đâu sẽ có người hưởng ứng.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thiêm Bình có tên là Nguyễn Khang, Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi Thiêm Bình vốn có tên là Trần Khang. Ông vốn là gia nô của Trần Tông, một thổ hào ở vùng biên cương giữa Đại Việt và Chiêm Thành
|
Ảnh minh họa quân Minh hộ tống Trần Thiêm Bình - Ảnh: Internet.
|
Cuối thế kỷ 14, cuộc chiến Việt-Chiêm bùng nổ ác liệt. Sau khi chiến tranh tạm lắng, nhà Trần hạ lệnh bắt trị tội nhiều thổ hào ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và các tướng từng theo Chiêm Thành, trong số đó có Trần Tông, chủ của Khang. Sau khi Trần Tông bị bắt, Khang đổi tên là Trần Thiêm Bình và bỏ trốn sang Ai Lao, rồi đi theo đường Vân Nam chạy sang Trung Quốc.
Đến khi Bá Kỳ (người Phù Nội, Hạ Hồng) vốn là phe Trần Khát Chân, tự xưng là bề tôi trung nghĩa của Nam triều, trốn sang nước Minh, vừa gặp tên Trần vương nguỵ là Thiêm Bình đến trước, người Minh hỏi có biết không, Bá Kỳ trả lời là không biết.
Có thể thấy kẻ tên Thiêm Bình này có nguồn gốc bất minh nhưng chắc chắn một điều là y không phải người của hoàng thất. Một tên gia nô liệu có gan dám mạo xưng là con cháu của hoàng thất rồi ra nước ngoài đòi mượn quân về không? Một kẻ cáo già như Minh Thành Tổ Chu Đệ liệu có bao giờ dễ tin người đến mức nghe qua lời của Thiêm Bình mà phát binh không?
Chúng tôi cho rằng Thiêm Bình không có gan mạo xưng và Chu Đệ không phải kẻ hồ đồ đến mức tin một kẻ không rõ lai lịch. Vấn đề ở đây chỉ là một vở kịch. Như đã nói ở trên, nhà Minh cần dựng một vua bù nhìn nhà Trần để tạo cớ đưa quân vào nước ta. Nếu không có ai là con cháu hoàng thất nhà Trần sang xin cõng rắn cắn gà nhà thì chúng có thể tạo ra một kẻ mạo xưng cũng đâu khó gì.
Khi có được quân bài trong tay, nhà Minh ra chiêu trước. Năm 1404, nhà Minh sai Lý Ỷ sang hỏi nhà Hồ về việc Trần Thiêm Bình. Lý Ỷ đến công quán sai người do thám tình hình Đại Ngu. Cha con nhà Hồ Quý Ly đứng trước 2 lựa chọn: Một thuận để cho vua bù nhìn về nước và hai là phản đối.
Nhà Hồ chọn phương án 1 để thực hiện phương án 2 với toan tính trước thuận, sau chống. Sau khi Lý Ỷ về, vua mới nước Đại Ngu là Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng biểu tạ tội và xin rước Trần Thiêm Bình về nước để tôn làm chúa. Thực ra cha con Hồ Quý Ly đâu thực lòng đón Thiêm Bình về làm chúa mà chỉ dụ rắn rời hang để đánh dập đầu.
Tháng 4/1406, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, nhà Minh sai Chinh Nam tướng quân Hữu quân đô đốc đồng tri là Hàn Quan và Tham tướng đô đốc đồng tri là Hàn Quan và Tham tướng đô đốc đồng tri là Hoàng Trung đem 10 vạn quân (Minh sử thì chép là 5.000) ở Quảng Tây sang xâm lược.
Chờ giặc vào đất Việt, vua tôi Hồ Quý Ly tổ chức chống cự. Thời điểm đó, nhân dân ta cũng không dễ bị mê hoặc bởi chiêu bài vua bù nhìn của nhà Minh. Bằng chứng là khi quân Minh mới vào cõi, nhà Hồ ra lệnh cho nhân dân đều phá bỏ hết lúa má, thì các xứ Lạng Châu, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Tam Đái, đều nghiêm chỉnh làm vườn không nhà trống.
Sau vài lần giao tranh, quân Minh bị bao vây, chặn đường về, buộc phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa hàng thư, đề nghị mở đường cho về nước:
"Quan tổng binh Hoàng sai tiểu nhân tới đây trình bày ngài biết việc này: Trước vì Thiêm Bình chạy sang triều đình tâu rằng hắn chính là con của quốc vương An Nam, vì thế mới sai đại binh sang chiêu dụ. Không ngờ trăm họ xứ này đều không phục, rõ ràng là hắn nói bậy. Nay lui quan quân về tâu với triều đình thì bị quan ải dọc đường ngăn giữ, nghẽn lối không qua được. Nay đem Thiêm Bình tới nộp, xin thả cho đi thì may lắm".
Tướng nhà Hồ là Hồ Xạ nhận hàng thư bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho quân Minh rút lui. Trần Thiêm Bình bị quân Đại Ngu bắt mang về. Khi bị tra hỏi gốc tích quê quán thuộc tổng nào, Trần Thiêm Bình im lặng không chịu nói. Kết quả Thiêm Bình bị nhà Hồ xử tội lăng trì. Những thuộc hạ đi cùng Thiêm Bình được xá tội và đưa vào Nghệ An cho làm ruộng.
Việc xử Thiêm Bình tội lăng trì là thông điệp ngoại giao mạnh mẽ của nhà Hồ. Thời xưa, cách một người có xuất thân cao quý bị xử tội chết cũng phải giữ thể diện bằng việc dùng gươm tự sát, treo cổ hay uống thuốc độc trong phòng kín. Còn việc lăng trì (xẻo từng miếng thịt) trước sự chứng kiến của nhiều người là cách hành hình mang tính làm nhục (bị lột trần), gây đau đớn.
Nhà Hồ muốn cho nhà Minh thấy họ không công nhận danh phận của Thiêm Bình mà chỉ coi y là một kẻ phản loạn. Đồng thời, việc xử lăng trì tàn khốc như vậy cũng để cảnh báo những kẻ muốn cõng rắn cắn gà nhà.
Điều khó hiểu nhất là sau đó Hán Thương sai An phủ sứ Tam Giang là Trần Cung Túc sang nhà Minh cầu hòa và giải thích sự việc Thiêm Bình, Thông phán Ái Châu là Mai Tú Phu làm phó sứ, Thiêm phán Tưởng Tư làm tòng sự. Nhà Minh đâu có cần nghe thanh minh gì mà giam sứ luôn.
Ngay trong năm đó, nhà Minh động binh: Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9, nhà Minh sai Chinh di hữu phó tướng quân đeo ấn Chinh di phó tướng quân Tân Thành hầu Trương Phụ, Tham tướng Huỳnh Dương Bá Trần Húc, đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Lũy. Chinh di tả phó tướng quân Tây Bình hầu Mộc Thạnh, Tham tướng hữu quân đô đốc đồng tri Phong Thành hầu Lý Bân cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh, xẻ núi, chặt cây, mở đường tiến quân. Hai đạo quân tổng cộng là 80 vạn".
Điều động đạo quân lớn như vậy trong thời gian ngắn thì rõ ràng đã có sự chuẩn bị từ trước rất lâu. Do vậy, dù Thiêm Bình có là vua bù nhìn hay không thì nhà Minh nhất định sẽ đưa quân vào khi nhận thấy nội bộ Đại Việt bất ổn. Giả sử Trần Thiêm Bình được làm vua bù nhìn thì y đâu dám chống lại ý định nhà Minh đưa quân vào đất Việt với cớ "đánh Chiêm Thành" chẳng hạn.
Nếu như cha con Hồ Quý Ly khi ấy có thể lãnh đạo quân dân cả nước đánh thắng giặc Minh xâm lược thì lịch sử sẽ nhìn họ với ánh mắt khác. Hay dù thua mà tử tiết thì đời sau vẫn ca ngợi tinh thần chống ngoại xâm. Tiếc rằng khi thua thì lại họ để bị bắt sống và nhiều thuyết nói cha con Hồ Quý Ly chấp nhận đầu hàng nhà Minh.