“Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý” mở đầu bằng câu chuyện về bệnh nhân John - người luôn cảm thấy căng thẳng cực độ, gặp vấn đề về giấc ngủ, việc chung sống hòa hợp với vợ. Anh cũng luôn cảm thấy những đồng nghiệp xung quanh mình là “những thằng ngu”. Còn tác giả - một bà mẹ đơn thân thì bị suy sụp một cách trầm trọng khi bị hủy hôn ở tuổi 40.
Với câu chuyện của John và của chính mình, tác giả kiêm nhà trị liệu Lori Gottlieb đã khiến độc giả bị thu hút ngay từ những trang đầu tiên.
|
Cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" của tác giả Lori Gottlieb thu hút độc giả từ những trang đầu tiên. |
Đặc biệt, với cách kể chuyện hài hước có nghề của một nhà trị liệu tâm lý từng gặt hái thành công đáng kể trong mảng viết kịch bản – biên kịch của một số chương trình ăn khách của NBC (như loạt phim truyền hình y khoa ER và phim hài tình huống Friends) – tác giả Lori Gottlieb khiến độc giả một khi đã cầm lên cuốn sách để đọc thì đều không muốn đặt xuống.
Các nhân vật cùng quá trình khám phá nội tâm và trị liệu của mỗi người được đan cài với nhau, khiến độc giả muốn nắm bắt câu chuyện buộc phải lật giở cuốn sách liên tục; hoặc lật giở nhiều chương khác để tìm được câu chuyện tiếp theo và kết quả trị liệu cuối cùng của nhân vật.
Ngoài John và tác giả, trong cuốn sách còn có câu chuyện trị liệu của một người phụ nữ trẻ vừa kết hôn, mang thai và nhận chẩn đoán bị căn bệnh ung thư di căn chết người; câu chuyện của một người phụ nữ sắp bước sang tuổi 70, đã ly hôn, không được con cái thừa nhận, không có bạn bè, có dấu hiệu trầm cảm khi dự định tự tử ở sinh nhật 70 tuổi.
Những sang chấn tâm lý, bất ổn trong sức khỏe tâm thần, trầm cảm… khiến nhiều bệnh nhân thậm chí quyết định tìm đến cái chết để được giải thoát… Đó đều là những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội hiện nay, kể cả ở các nước tiên tiến cũng như các nước đang phát triển như Việt Nam.
Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong ba năm qua, khi dịch bệnh Covid khiến nhiều cá nhân, gia đình phải hạn chế giao tiếp xã hội để bảo vệ sức khỏe.
Theo WHO, tính trên toàn cầu cứ 4 người thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở thời điểm hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gia tăng các rối loạn tâm thần. Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng đáng kể như: rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%), rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Điều đáng nói ở các quốc gia phát triển, việc gặp gỡ và điều trị bất ổn tâm lý với các bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu đã trở thành nhận thức và thói quen của nhiều bộ phận dân chúng. Nhưng ở các nước còn đang nước phát triển như Việt Nam, bất ổn về sức khỏe tâm thần vẫn là vấn đề chưa được coi trọng đúng mức.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng ngại tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý do quan điểm kỳ thị của xã hội với căn bệnh này. Nhiều bệnh nhân chỉ được người nhà đưa đến gặp bác sĩ khi bệnh đã tiến triển nặng, điều trị kéo dài, vừa tốn kém, vừa gặp nhiều khó khăn.
Từ hành trình trị liệu của chính bản thân, cũng như quá trình trị liệu cho nhiều bệnh nhân khác, tác giả kiêm nhà trị liệu tâm lý Lori Gottlieb đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa tới độc giả, đặc biệt với các độc giả Việt Nam.
Cuốn sách cho thấy, những bất ổn về tâm lý, sức khỏe tinh thần là căn bệnh làm bào mòn cuộc sống của mỗi người. Khi ở trong tình trạng này, người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ của các nhà trị liệu, gặp các bác sĩ tâm lý để có thể được can thiệp, hỗ trợ, cải thiện sớm tình trạng sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của mình.
Người có bất ổn về tâm lý thường không mấy khi chia sẻ, dốc hết gan ruột mọi suy nghĩ, câu chuyện của mình cho bác sĩ, nhà trị liệu. Điều này có thể là do tâm lý đề phòng hoặc sự rối bời khiến bệnh nhân không thể nhân ra nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng của mình. Lời khuyên của tác giả là hãy thành thật với bác sĩ tâm lý/nhà trị liệu của mình, càng thành thật thì bác sĩ càng nhanh tìm ra căn nguyên và có thể hướng dẫn bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bất ổn.
Hiểu rõ hơn về quá trình trị liệu và đánh giá được nhà trị liệu/bác sĩ tâm lý tốt nhất cho mình. Thậm chí từ hướng dẫn điều trị hiệu quả của các bác sĩ, nhà trị liệu trong cuốn sách, nhiều người có thể rút ra những kiến thức kinh nghiệm, bài học cuộc sống hữu ích, chữa trị tổn thương cho chính mình.
“Trị liệu là một công việc khó khăn, không chỉ với các nhà trị liệu, bởi trách nhiệm thay đổi hoàn toàn nằm ở phía bệnh nhân. Nếu bạn đến gặp nhà trị liệu và mong đợi cái gật đầu cảm thông, vậy bạn đã đến nhầm chỗ. Các nhà trị liệu sẽ ủng hộ bạn, nhưng là ủng hộ sự phát triển của bạn, chứ không phải cho việc bạn đánh giá thấp người khác (như người yêu hay bạn đời của mình). Vai trò của nhà trị liệu là hiểu quan điểm của bạn, nhưng không nhất thiết phải xác nhận nó.
Thay vì lái mọi người đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, chúng tôi huých để họ tự đi đến đó. Bởi vì chân lý mạnh nhất – mà họ cho là quan trọng nhất – chính là những thứ họ tự mình giác ngộ, từng chút một. Ẩn sau một thỏa thuận trị liệu là bệnh nhân sẵn sàng chịu đựng những điều không thoải mái, bởi một vài sự khó chịu chính là điều không thể tránh khỏi nếu muốn tiến trình này có hiệu quả… nó đòi hỏi mọi người phải nhìn nhận bản thân không theo những cách thông thường”, tác giả Lori Gottlieb viết.
Với hành trình trị liệu kép: vừa là một nhà trị liệu, cũng vừa là một người đi trị liệu được tác giả kể lại chi tiết trong cuốn sách, khiến “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý” có thêm được sự thuyết phục hấp dẫn không chỉ với các bệnh nhân, mà cả với các bác sĩ tâm lý, trị liệu tại Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia trị liệu có tiếng tại Mỹ.
Tác giả Lori Gottlieb viết: “Có câu ngạn ngữ rằng: các nhà trị liệu chỉ có thể dẫn dắt bệnh nhân đi tới chặng đường họ từng trải qua trong cuộc sống nội tâm của chính họ. Có nhiều tranh luận về ý kiến này… Tuy nhiên không có gì ngạc nhiên khi nội tâm được chữa lành, tôi cũng trở nên lão luyện hơn khi chữa lành cho người khác”.