Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, hầu hết mọi hôn nhân đều dựa trên nền tảng địa vị và môn đăng hộ đối, bởi vì người xưa nghĩ rằng có như thế thì cuộc sống lứa đôi mới hạnh phúc viên mãn. Tuyên phi Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị của Hoàng đế Khang Hi là một trong những phi tần có nền tảng gia thế quyền quý, bà tiến cung và trở thành phi tần của Hoàng đế là dựa vào gia thế của mình.
Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị đến từ Mông Cổ, xuất thân từ dòng dõi cao quý của bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ, là dòng dõi có nhiều Hoàng hậu Đại Thanh xuất thân từ đây. Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị còn là cháu gái của Hiếu Trang Văn Hoàng hậu (Hoàng hậu của Hoàng Thái Cực). Chính vì vậy, nữ nhân này từ khi sinh ra đã có một thân phận cao quý.
Bà bước chân vào hậu cung của Hoàng đế Khang Hi từ khi còn nhỏ tuổi. Năm Khang Hi thứ 9, Tuệ phi Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị không may mất sớm, để lấp chỗ trống vị trí của Tuệ phi, Hoàng đế đã chọn một nữ nhân xuất thân từ gia tộc Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị vào cung. Và người được chọn là Tuyên phi Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị.
Nhưng sau khi vào cung, bà không được sủng ái. Lúc đó, bà chỉ là một Thứ phi không có phong hiệu.
Năm Khang Hi thứ 57, Hoàng đế tiến hành đại tấn phong hậu cung, lúc đó Thứ phi Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị may mắn được phong thành Tuyên phi dù chưa sinh con cái. Trong số các phi tần được tấn phong vào thời điểm đó, chỉ có Tuyên phi Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị là không có con, từ đó có thể thấy, bà được phong Phi hoàn toàn là do xuất thân chứ không phải là được sủng ái. Lúc đó, bà khoảng 50 tuổi.
Sau khi Hoàng đế Khang Hi băng hà, Hoàng đế Ung Chính nối ngôi và cho phép các phi tần của Tiên đế được xuất cung sống cùng con trai, chỉ có mỗi Tuyên phi Bát Nhĩ Tể Cát Đặc thị sống cô độc ở hậu cung. Bà đã trải qua một cuộc sống bình thường, vô vị ở hậu cung đến khi qua đời vào năm Càn Long nguyên niên, hưởng thọ 70 tuổi.