Niềm vui nhất là được tiếp bước các thầy, đem lại tri thức
PGS.TS Phạm Chiến Thắng vốn là học sinh chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Chiến Thắng theo học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khoa Hóa học, hệ Cử nhân tài năng.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học, Phạm Chiến Thắng ở lại Trường, công tác tại Khoa Hóa học, đồng thời theo học sau đại học tại Trường. Hoàn thành bậc học thạc sĩ năm 2012, Phạm Chiến Thắng tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại CHLB Đức, bảo vệ luận án tiến sĩ thành công tại Đại học Freie năm 2016.
|
PGS.TS Phạm Chiến Thắng, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Trở về nước, Phạm Chiến Thắng tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Cho đến nay, PGS.TS Phạm Chiến Thắng đã có 42 bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước, trong đó có 16 bài anh là tác giả chính. Kết quả này là sự nỗ lực miệt mài của anh, từ những ngày còn sinh viên. Anh bắt đầu làm nghiên cứu khoa học từ năm học thứ 3 đại học. Đến năm thứ 4, anh có bài được đăng báo đầu tiên.
Tình yêu đối với môn Hóa học của anh được nhen lên từ khi anh học lớp 8 khi nhìn thấy những hiện tượng biến đổi màu sắc “kỳ diệu”. Tình yêu ấy tiếp tục được nuôi dưỡng và ngày càng mạnh mẽ hơn khi anh theo học khối chuyên Hóa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, được các thầy truyền ngọn lửa đam mê.
“Thế hệ tôi may mắn được học các thầy rất tuyệt vời. Ví dụ như thầy chủ nhiệm của tôi, công tác tại Bộ môn Vô cơ. Thầy là một trong những nhà Hóa học hàng đầu, những bài giảng của thầy đã đem tới cho tôi nhiều cảm hứng với môn Hóa học. Và cả rất nhiều những thầy cô khác.
Tôi vào trường từ năm 16 tuổi, cho đến hôm nay, cũng đã gần 20 năm. Có thể nói cả tuổi thanh xuân tôi đã gắn bó với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Và điều vui nhất, có ý nghĩa nhất đối với tôi, đó là tôi đã tiếp bước được các thầy, lại đem những tri thức và niềm đam mê của mình truyền lại cho các thế hệ sau”, PGS.TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ.
Năm 2020, Phạm Chiến Thắng trở thành 1 trong 4 Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Chia sẻ về điều này, anh Thắng chia sẻ đã thấy mình may mắn so với nhiều những đồng nghiệp khác trong đợt xét Phó Giáo sư lần này. Bởi vì anh được giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Từ trang thiết bị cho tới điều kiện nghiên cứu đều rất tốt. Điều đó đã giúp anh đạt được những “tiêu chuẩn cứng” trong việc xét duyệt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư.
Trăn trở lớn nhất là không phải "chân trong chân ngoài"
PGS.TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ, khi ra trường, anh cũng đã từng băn khoăn trước lựa chọn là nên đi dạy phổ thông hay dạy đại học. Nhưng rồi, anh đã quyết định chọn đại học bởi sẽ thỏa được hai sở thích, đó là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học.
Cũng như với quy định “tiêu chuẩn cứng” dành cho chức danh Phó Giáo sư của Nhà nước, một Phó Giáo sư sẽ phải đảm bảo điều kiện song song, đó là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, theo PGS.TS Phạm Chiến Thắng, hai công việc này đều quan trọng đối với một giảng viên.
|
PGS.TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ, nỗi trăn trở lớn nhất của anh và cũng của nhiều giảng viên khác, đó là làm sao để đảm bảo vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học. |
Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất của anh, cũng của nhiều giảng viên khác, đó là làm sao để đảm bảo được điều đó. Điều này cũng liên quan đến thu nhập. Hiện nay, lương giáo viên nói chung, và ngạch giảng viên vẫn còn thấp. Không ít người đã phải “chân trong, chân ngoài”, từ đó không đảm bảo được chất lượng đối với công việc chính.
“Tôi không rõ sắp tới điều chỉnh lương đối với giáo viên thế nào, nhưng tôi mong sẽ có những thay đổi tích cực để đời sống giáo viên được tốt hơn. Trong hệ thống giáo dục, đào tạo đại học ở phần “ngọn” phía trên, nên sẽ không có được kết quả tốt nếu như không có sự phát triển từ các bậc học “gốc” ở dưới.
Mà muốn nâng cao chất lượng đào tạo, thì người giáo viên, ở các bậc học cần được đảm bảo đời sống để toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy. Nhiều giảng viên, để đạt được “tiêu chuẩn cứng” của Phó Giáo sư, Giáo sư, thì lại rất áp lực, chật vật về “tiêu chuẩn mềm”, đó là lo cho cuộc sống, gia đình, vợ con… Bản thân tôi, cũng may là chưa lựa chọn làm thêm bên ngoài, nếu không chưa chắc đã đạt được “tiêu chuẩn cứng””, PGS.TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ.
Mong muốn thứ hai, theo PGS.TS Phạm Chiến Thắng là về kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, sẽ có nhiều nguồn đầu tư hơn.
Hiện nay, những tài trợ cho nghiên cứu cơ bản chủ yếu đến từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc một số quỹ của các đơn vị tư nhân. Nhưng số lượng có hạn. Nếu được đầu tư hơn nữa thì nhiều giảng viên sẽ có được cơ hội nâng cao nghiên cứu, từ đó đẩy chất lượng giảng dạy lên tốt hơn.
Thực tế, hiện nay, nhiều giảng viên không có được đề tài bắt buộc phải giảng dạy rất nhiều. Như vậy, sẽ thiếu hụt về mặt nghiên cứu. Trong khi đó, nghiên cứu cũng rất quan trọng với giảng viên. Từ đó, dẫn đến tình trạng, một số giảng viên, số giờ giảng dạy thừa nhưng lại thiếu nghiên cứu khoa học.
“Đặc biệt là đầu tư cho khoa học cơ bản hạn hẹp, do đầu tư không sinh lời nhiều và không có kết quả ngay lập tức. Rất mong muốn, trong tương lai, sẽ có được nhiều nguồn đầu tư hơn để nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản của giảng viên”, PGS.TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ.
PGS.TS Phạm Chiến Thắng cho biết, danh hiệu Phó Giáo sư là sự đánh giá một bước đường cố gắng phát triển của anh từ sau giai đoạn tiến sĩ. "Tôi sẽ vẫn tiếp tục con đường của mình, đó là giảng dạy và nghiên cứu. Tôi mong muốn cũng như những người thầy của mình, sẽ truyền lại được sự đam mê cho thế hệ sau”, PGS.TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ.