Mặc dù bãi bỏ tam cung lục viện, thực hiện chế độ một vợ một chồng nhưng thực tế Bảo Đại chưa bao giờ trung thành với Hoàng hậu Nam Phương.
Rất nhiều tình nhân ngoại quốc
Từ khi là một thanh niên mới lớn cho đến lúc già nua, dù ở vị trí hoàng đế hay cố vấn, quốc trưởng hay chỉ đơn giản là một ông lão lưu vong, xung quanh Bảo Đại không bao giờ vắng các bóng hồng.
Trong cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam, tác giả người Pháp Daniel Grandclément viết, cựu hoàng từng thẳng thắn bộc bạch rằng ông “luôn có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người”.
Một người gần gũi với vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam từng nói: “Ông đã dan díu với đủ hạng người, từ cô hầu phòng bình thường, vợ của các gia nhân đày tớ, hoa hậu Đông Dương đến gái nhảy, thậm chí gái điếm".
Bảo Đại trên trang bìa tạp chí Pháp Paris Match, số ra tháng 9/1953.
Có rất nhiều bóng hồng ngoại quốc trong số những tình nhân đi qua đời Bảo Đại, gồm người Pháp, người Trung Quốc, Nhật Bản, Zaire… Được nhắc đến nhiều nhất là các bà Jenny Woong, bà Vicky, bà Clement, bà Christiane Bloch-Carcenac, Monique Marie Eugene Baudot.
Bà Jenny Woong (Hoàng Tiểu Lan) là vũ nữ người Trung Quốc lai Pháp, sống với Bảo Đại thời cựu hoàng ở Hong Kong. Sau này khi về nước làm Quốc trưởng, ông đưa bà Hoàng Tiểu Lan về theo, mua cho người đẹp căn biệt thự ở Đà Lạt như với các “thứ phi” Mộng Điệp, Phi Ánh. Họ có một con gái chung là Nguyễn Phúc Phương An (sinh năm 1955, sau này sống ở Hawaii, Mỹ).
Bà Hoàng Tiểu Lan, tình nhân người Trung Quốc lai Pháp của Bảo Đại.
Cựu hoàng quen bà Vicky tại Pháp trong thời gian sống lưu vong ở đây. Họ sống cùng nhau trong một trang trại ở Alsace và chia tay sau vài băm. Người phụ nữ này sinh cho Bảo Đại một con gái là Nguyễn Phúc Phương Từ.
Người tình tiếp theo của ông là Clément, được cho là một vũ nữ của Le Moulin Rouge – nhà hát nằm trong khu đèn đỏ" của Paris, nổi tiếng với hình ảnh cối xay gió đỏ và các vũ nữ chân dài gợi tình. Một tình nhân người Pháp khác của ông là quý bà Christiane Bloch-Carcenac (1922 – 2009). Họ gặp nhau trong một bữa tiệc săn bắn ở vùng Alsace và giữ quan hệ đến tận năm 1970. Năm 1958, bà Christiane sinh cho cựu hoàng một con trai là Patrick-Edouard Bloch-Carcenac. Đây là đứa con cuối cùng của Bảo Đại.
Người phụ nữ Pháp gắn bó nhất với Bảo Đại là Monique Baudot, sinh năm 1946, ít hơn ông 33 tuổi. Báo chí Pháp cho biết bà Baudot từng làm tùy viên báo chí tại Phòng Báo chí của Tòa Đại sứ Cộng hòa Congo (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) tại Paris, gặp Bảo Đại năm 1969. Tuy nhiên, một số chính khách từng tiếp xúc với cựu hoàng cho biết người phụ nữ này làm hầu phòng ở cao ốc 29 Fresnel (Paris), nghe nói có một vị vua lưu vong ốm đau cô độc trong căn hộ tại đây nên đã tiếp cận giúp đỡ rồi gắn bó với ông.
Bà Monique Baudot thời trẻ.
Cựu hoàng Bảo Đại và người vợ chính thức thứ hai của mình, bà Monique Baudot.
Trong mấy thập niên cuối đời Bảo Đại, bà Monique Baudot đóng vai trò người tình, người bạn, thư ký riêng, quản gia và phục vụ của ông. Năm 1982, họ đăng ký kết hôn và sau đó bà Baudot luôn tự nhận là Hoàng phi Vĩnh Thụy. Sau khi chồng mất, bà tự xưng là Thái Phương Hoàng hậu.
Nghi án bị bắn do ghen tuông
Nói đến chuyện tình trường của Bảo Đại, người ta thường nhắc chuyện ông bị gãy chân khi ở Đà Lạt đầu thập niên 1940 (có tài liệu nói rõ là năm 1944). Nguyên nhân hoàng đế bị thương được công bố chính thức là do đi săn, bị vấp ngã xuống hố bẫy cọp.
Vua Bảo Đại trong một chuyến đi săn ở Tây Nguyên.
Tuy nhiên, giới thạo tin hồi đó lại rỉ tai nhau rằng hoàng đế bị tình địch – một người đàn ông Pháp – bắn do ghen tuông.
Về ông chồng Pháp bị nhà vua cắm sừng này, có nguồn tin nói đó là một bác sĩ, có người nói là một quan chức về hưu. Vợ ông là bà đầm xinh đẹp, khiến Bảo Đại nhớ thương nên tìm dịp hẹn hò. Một ngày, người chồng bắt quả tang vợ mình đang tình tự với Hoàng đế An Nam liền nổi cơn phẫn nộ, rút súng lục ra bắn trúng chân nhà vua. Toàn quyền Đông Dương là Jean Decoux biết chuyện, bèn nhờ vợ là bà Suzanne Humbert lên Đà Lạt dàn xếp. Ông bác sĩ phải về Pháp trong vòng 24 giờ, còn nhà vua được máy bay đưa về Sài Gòn chữa thương.
Phu nhân toàn quyền Decoux mất vì tai nạn giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt năm 1944. Người ta đồn rằng vụ tai nạn xảy ra sau khi bà hoàn thành nhiệm vụ dàn xếp vụ đánh ghen hoàng đế kể trên.
Câu chuyện Bảo Đại bị chồng của tình nhân người Pháp bắn gãy chân lan truyền rộng rãi, gây nhiều đàm tiếu. Có ông quan về hưu còn làm thơ châm biếm, trong đó có câu:
“Bà đầm chuộng lạ cần gia vị
Hoàng thượng ăn quen hẳn bén mùi
Thôi Chử ngày xưa còn thí mạng
Nữa là chỉ mất tý xương thôi".
Liên quan đến chuyện Bảo Đại gãy chân ở Đà Lạt còn có một giả thuyết khác. Tác giả Lucien Bodart trong cuốn Chiến tranh Đông Dương - Sự nhục nhã (xuất bản năm 1973 tại Paris) viết: "Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào những kẻ đang tình tự ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan Toàn quyền đã phải hy sinh thân mình trong vụ đáng buồn này. Bà đã đi nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn vụ án mạng có thể xảy ra. Án mạng không xảy ra, nhưng phu nhân Toàn quyền vì phóng xe quá nhanh để ngăn vụ bắn Bảo Đại và người tình nên đã thiệt mạng. Bà được chôn tại khuôn viên nhà thờ Vinh Sơn (nay nằm trên đường Ngô Quyền, phường 6, TP Đà Lạt)".
Trong một câu chuyện thêu dệt khác, người ta kể rằng hôm Bảo Đại vào rừng đi săn, dẫn theo tình nhân là vợ viên công sứ Pháp. Bỗng Hoàng hậu Nam Phương xuất hiện, giận dữ rút súng lục để bắn tình địch nhưng lại trúng vào chân chồng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, chuyện bà Nam Phương đánh ghen bằng súng chỉ là lời đồn: “Người ta đồn đại chuyện Hoàng hậu Nam Phương từng đánh ghen Bảo Đại, rồi khiến một người phải chết là không chính xác. Hoàng hậu Nam Phương là người biết trên biết dưới, biết ứng xử và rất mẫu mực. Thế nên chuyện ghen tuông của phụ nữ thì không hẳn là không có, nhưng ghen cuồng đến mức sát hại chồng là điều không thể xảy ra với bà hoàng này!”.
Bảo Đại gãy chân là do sập hố lúc đi săn hay bị tình địch bắn, cho đến nay không ai có thể xác thực. Tuy nhiên dù chuyện đánh ghen này chỉ là đồn thổi, nó cũng xuất phát từ thực tế của tính trăng hoa, ong bướm vô độ của nhà vua.