Đi Pháp học nhảy đầm
Trần Trinh Huy (1900 - 1974) là con thứ 3 của ông hội đồng Trần Trinh Trạch một điền chủ giàu nhất Bạc Liêu. Ông Trạch có 7 người con gồm 3 trai - Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy, Trần Trinh Khương - và 4 gái. Cả 3 con trai đều là những tay ăn chơi khét tiếng nhưng nổi trội nhất vẫn là cậu ba Huy.
|
Hắc công tử, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy |
Cậu Ba Huy ra đời vào lúc gia sản của ông Hội đồng Trạch đang ở đỉnh điểm. Thuở ấu thơ và thuở thiếu thời của Ba Huy sống hoàn toàn trong nhung lụa. Suốt ngày cậu Ba được chìu chuộng, ăn chơi thỏa thích. Việc học không được cậu Ba quan tâm đến. Tuy nhiên, vào tuổi đang lớn gặp mốt thời thượng thanh niên phải đi du học Pháp mới là oai nên Ba Huy đã xin phép cha đi du học.
Với quan niệm, ruộng bề bề không bằng cho con một bồ chữ, ông hội đồng Trạch đã tìm mọi cách cho cậu Ba lên đường. Sau ba năm nơi đất khách cậu Ba hồi hương.
Để đón ngày về của con cho xứng với nếp gia đình danh gia vọng tộc, ông hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn tìm đến hãng xe góc đường Charner (Nguyễn Huệ) - Bonard (Lê Lợi) để mua một chiếc xe mới mặc dầu chiếc Ford cũ của gia đình vẫn còn sử dụng và là niềm ước mơ thèm thuồng của nhiều người.
|
Chiếc xe của cậu ba Huy. Xe này hiện được trưng bày tai nhà trưng bày công tử Bạc Liêu |
Nhìn ông hội đồng với quần áo bà ba, với vẻ ... nhà quê thoang thoảng mùi lúa, những người bán xe tỏ vẻ xem thường. Bất chấp, ông hội đồng nói với người cùng đi lựa cho ông một chiếc sang trọng nhất, tốt nhất và giá cả đắt nhất. Ông ngồi lên chiếc xe đó. Êm ái, thoải mái. Hài lòng, ông hội đồng rút chiếc mo cau mở ra. Những xấp tiền đếm hoài không hết đã làm cho người bán xe tròn xoe đôi mắt. Mua xe xong, chiếc xe trực chỉ bến Nhà Rồng để chờ tàu chở đứa con trai từ Pháp trở về cập bến.
Cậu Ba Huy lên bờ lên chiếc xe mới cáu cạnh chở cha mẹ và người thân trở về Bạc Liêu. Chiếc xe do cậu Ba Huy cầm lái chạy với tốc độ khá cao làm những người ngồi trên xe run sợ. Ngồi trên xe ông hội đồng hỏi thăm về tình hình học tập của cậu ra sao, cậu thản nhiên trả lời cậu chỉ thích đi học lái máy bay, đi học nhảy đầm, học lái xe cũng như đi du lịch thăm thú cách làm nông của người Pháp.
Cậu cũng không hề nhắc đến chuyện cậu đã bỏ lại kinh đô ánh sáng một người vợ Pháp và một đứa con lai.
Khác với Bạch công tử do mê sân khấu nên khi sang Pháp ngoài ăn chơi ra còn tiếp cận với sân khấu phương Tây, Hắc công tử Ba Huy chỉ chuyên chú vào nông nghiệp. Cậu Ba tích cóp được chút ít vốn liếng về làm nông nên sau đó đã được ông hội đồng giao cho trông coi điền sản.
Thế nhưng, vốn không mặn mà với công việc cậu Ba thuê ngay một người Pháp đứng ra trông coi và quản lý đất đai ruộng vườn. Thời gian rảnh rỗi, cậu sa vào ăn chơi, ngả nghiêng với những cuộc tình, đảo điên với thú đỏ đen ...
So kè cả với vua
Đến Bạc Liêu gặp những người lớn tuổi, bạn có thể nghe được những giai thoại về công tử Bạc Liêu. Giai thoại này tiếp nối giai thoại thác khiến câu chuyện về cậu Ba Huy càng sinh động hơn.
Chuyện kể sau khi được cha giao quản lý điền sản, mỗi khi đi thăm ruộng cậu ba mặc veston thắt cravatte ngồi trên chiếc Ford vedette. Ở những khu vực phải di chuyển bằng đường thủy, cậu ba dùng ca nô. Thời bấy giờ các phương tiện trên sông đều chèo tay. Chiếc ca nô của cậu ba đi thăm ruộng chạy bằng máy quả là một hình ảnh hiếm hoi ở vùng quê Bạc Liêu.
Đã thế, mỗi khi chơi thể thao, cậu ba sử dụng chiếc Peugeot loại thể thao. Xe này ở miền Nam thời bấy giờ ngoài cậu ba ra chỉ con một người nữa sử dụng là vua Bảo Đại.
Tương truyền, trên đời này cậu Ba không chịu lép hơn bất cứ ai kể cả vua chúa. Vì thế hễ vua Bảo Đại có gì là Ba Huy có nấy, kể cả máy bay. Chiếc máy bay loại nhỏ được mua và đưa về Việt Nam. Nhờ trong thời gian ở Pháp có học lái nên cậu Ba là phi công điều khiển máy bay mỗi lần đi thăm ruộng. Máy bay của vua Bảo Đại được mua bằng công quĩ. Chỉ có công tử Bạc Liêu là người Việt Nam duy nhất sở hữu máy bay tư nhân.
'Tiếng tăm về cách sống, cách chơi của công tử Bạc Liêu vang dội cả vùng đất Nam Kỳ. Cậu sống chan hòa với nông dân, hiều được nỗi cơ cực của người làm ruộng. Cậu sẵn sàng giảm lúa, xóa nợ cho những hoàn cảnh đặc biệt.
Cậu chơi cũng thỏa thích. Có lần cậu lái máy bay đi thăm ruộng ở Rạch Giá, cậu lân la đến Hà Tiên. Phong cảnh Hà Tiên tuyệt đẹp nên cậu cứ mãi lòng vòng trên trời cho đến khi đồng hồ báo đã cạn xăng, cậu buột lòng phải đáp xuống một sân bay gần đó. Không may, sân bay đó nằm trong lãnh thổ của Thái Lan. Chính quyền Thái Lan tạm giữ máy bay và sau đó xử phạt một số tiền tương đương với 200.000 giạ lúa.
Ông hội đồng Trạch phải huy động một đoàn ghe khá dài chở lúa qua Thái Lan nộp phạt đón cậu quí tử trở về. Một tờ báo lúc bấy giờ có tên Le Courrier Saigonnais cũng có đăng tin về sự kiện mua máy bay này.
Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" ra đời vào đầu thế kỷ 20 để ám chỉ con những nhà giàu ham chơi hơn ham học ham làm. Ban đầu thành ngữ này chỉ để nói chung chung giới con nhà giàu ở Bạc Liêu nhưng về sau do thành tích ăn chơi của cậu Ba Huy quá nổi trội nên khi nhắc đến từ này ai cũng hiểu là nói đến cậu. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy một hiện tượng đặc biệt có lẽ khó tìm thấy người thứ 2 trên cõi đời này.