Trong lịch sử các vương triều nước Việt, vua Bảo Đại là vị vua cuối cùng không chỉ của nhà Nguyễn, mà còn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông cũng là vị vua duy nhất du học nước ngoài.
Vị vua trẻ về nước
Năm 1922, Bảo Đại khi ấy là Đông cung Vĩnh Thụy còn ở tuổi thiếu niên, được cha mình - vua Khải Định đưa sang Pháp, gửi gắm nơi chính quốc để theo học văn minh Tây phương. Sau 10 năm được đào tạo nơi đất Lục lăng, năm 1932, Bảo Đại hồi loan (về nước), chính thức ngồi ngai vàng “chăm dân”. Cuộc trở về của vị tân quân trẻ măng thu hút sự quan tâm của chính giới Pháp - Việt và dư luận.
Trong bài viết “Chương trình nghênh tiếp đức Bảo Đại hồi loan”, đăng trên Thanh Nghệ Tịnh tân văn, số 111, ra ngày 2/9/1932 đã có chương trình khái lược về cuộc trở về của vua với những cuộc tiếp rước, lễ nghi vương giả trong thời gian từ ngày 8/9 đến ngày 12/9/1932. Riêng ngày đầu tiên của vua trên đất Việt (ngày 8/9), Thanh Nghệ Tịnh tân văn, số 113, ra ngày 16/9/1932 tường thuật chi tiết qua bài “Cuộc hồi loan của đức Bảo Đại”.
|
Chân dung vua Bảo Đại in trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số 113, ra ngày 16/9/1932. |
Theo đó, trước khi tàu chở vua Bảo Đại về nước, ở Huế dân tình “bàn tán đến cuộc hồi loan này lắm. Đức thiếu quân trở về nước đã khởi lên trên trường tranh luận của quốc dân nhiều vấn đề quan trọng và thiết yếu. Vấn đề chú ý nhất xem ra là vấn đề cải cách đó”. Trong đó, người thì mong hiến pháp đổi mới, người thì mong giữ sự trực trị. Nhưng đa phần, đều hoan nghênh sự trở về của tân quân được đào tạo ở Tây phương tân tiến.
Xứ Tourane đón vua
Tàu chở vua phải đến khoảng 9 giờ sáng mới cập cảng, nhưng không khí ở Tourane (Đà Nẵng) đã nhộn nhịp từ sáng sớm. Năm giờ sáng, quanh tòa Đốc lý, đám đông đã tụ tập và đến bảy giờ, người đã chen nhau chật ních như nêm cối kéo hai dãy dài chừng 2, 3 trăm thước. Số khác không còn chỗ để chen chân, đành đứng cả dưới nước chờ đợi: “Lúc đó thực là người đủ các nước Pháp, Nam, Trung Hoa. Trông như một cái bể người, sóng vỗ ầm ầm vậy”.
Đó là về phần công chúng. Còn về phần chính quyền, sự chuẩn bị chu đáo kỹ càng lắm. Hai đội lính Pháp và khố xanh đứng đợi sẵn cùng kèn trống trước tòa Đốc lý. Xung quanh, lính cảnh sát đi lại giữ trật tự. Các quan chức Pháp, Nam tề tựu từ sớm. Các quan Pháp thì mặc lễ phục áo trắng quần đen, các quan Nam thì mang áo gấm, đeo bài ngà và các thứ huy chương. Ở cầu tàu nơi tàu vua cập bến, chiếu hoa được trải một hàng dài, hai bên đều có lính mặc áo gấm, thắt dây lưng đỏ, cầm gương đứng.
Trong khi đám đông ngóng chờ, bảy giờ rưỡi, Khâm sứ Châtel cùng Đốc lý Ferrand của Tourane và mấy quan chức khác xuống sà lúp (xuồng máy) ra đón tàu vua. Sau hai giờ chờ đợi của đám đông trên bờ, dưới nước, thì tiếng súng đại bác vang rền, báo hiệu tàu chở vua đã về đến nơi. Chiếc tàu Alerte với cột khói đen ngòm tiến vào cảng, từ từ lại đậu trước cầu tàu. Vua Bảo Đại với dáng người nho nhỏ nhưng mạnh mẽ, mặc hoàng bào, đeo dải đỏ, chít khăn xanh vàng, quần trắng, giày đen, đứng trên tàu trông xuống. Đám đông trông thấy long nhan thì vỗ tay hoan nghênh vang dội. Tiếng nhạc phường bát âm được cử lên.
|
Trang nhất báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số 113. |
Dứt nhạc, Khâm sứ Châtel cùng vua từ trên tàu bước xuống. Theo sau là các quan tùy tùng cùng Toàn quyền danh dự Charles và phu nhân, quan Hộ bộ thượng thư Thái Văn Toản, các quan Cơ mật viện và đức ông Hoài Ân. Vua Bảo Đại trước sự đón chào nồng nhiệt của quốc dân, tỏ ra xúc động. Khi vua đến trước sân tòa Đốc lý, hai đội lính Pháp và Nam bồng súng chào, phường nhạc cử bài quốc ca. Ngự giá của vua lên phòng khách lớn trên gác tòa Đốc lý. Đốc lý Ferrand đọc mấy câu chúc mừng, rồi giới thiệu quan khách.
Sau khi nhận lời chúc mừng của đốc lý, vua Bảo Đại đáp từ bằng tiếng Pháp, nói lên cảm xúc của mình khi về nước: “Quả nhân rất lấy làm cảm động khi bước chân về đến nước nhà, là nơi mà trong bao nhiêu năm du học vắng, quả nhân thường nghĩ nhớ đến luôn. Quả nhân xa nước từ khi còn niên thiếu, bấy giờ thơ ngây; nay quả nhân về, đã biết đến những quyền vụ cao quý nặng nề, trịnh trọng. Quả nhân định chí quyết làm cho trọn hết phận sự của quả nhân. Nghị lực ấy, quả nhân dùng để làm việc ích cho hết mọi người, và quả nhân lại riêng tưởng thương đến những kẻ thấp kém, đến dân Việt Nam khôn ngoan cần mẫn này, rất chăm việc canh nông, quả nhân lúc nào cũng sẵn lòng che chở giúp đáp cho”. Đồng thời bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa hai nước Pháp - Việt cùng lời cảm ơn các quan Phụ chính và đội ngũ quan viên đã lo việc nước lúc vua vắng mặt. Mười hai giờ, vua dùng cơm tại tòa Đốc lý.
Đất đế đô vua về
Sau bữa ngự thiện, vua cùng đoàn tùy tùng chuẩn bị trở về Huế trên hỏa xa (tàu lửa). Đây là chiếc tàu sang trọng được trang bị tươm tất với bảy toa. Hai toa đầu chở đồ. Toa sa lông dùng riêng cho vua thì sáng chói, cực kỳ đẹp. Cả tàu từ đầu chí cuối cắm cờ Pháp lẫn cờ Việt Nam.
Một giờ 45 phút, tàu ở ga Tourane Marché chạy đến đậu trước cửa tòa Đốc lý. Vua cùng Khâm sứ Châtel và các quan hộ giá lên tàu. Công chúng đứng xem chung quanh vẫn đông như kiến. Hai giờ đúng, tàu rời thành phố Tourane. Dọc đường, nhất là ở các ga, các quan phủ huyện địa phương đều cửa giả và đặt hương án để nghênh tiếp thánh giá. Công chúng kéo nhau đi xem rất đông.
|
Vua Bảo Đại trên tàu về nước. Ảnh tư liệu. |
Trong khi tàu đang chạy ra Huế, thì ở đất đế đô mới 8 giờ sáng công chúng đã kéo đến, đông nghìn nghịt quanh ga và hai bên các con đường quanh đấy, nhất là đường Jules Ferry là chỗ thánh giá sẽ đi qua, người đứng xem chật ních, không còn chỗ nào bỏ không. Lính cảnh sát hôm ấy một phen vất vả để giữ trật tự. Ở ga Huế, trước sân ga hai đội lính thuộc địa Pháp và khố xanh sắp hàng đợi sẵn. Ngoài chỗ tàu đậu, có một đội lính kèn. Nhà ga Huế hôm ấy kết lá chăng cờ. Phòng hạng ba được đổi ra làm phòng khách trang hoàng như nơi tiên cảnh.
Khoảng bốn giờ chiều, các quan chức Pháp, Nam mặc lễ phục đã tụ họp đông đủ đón vua. Đến năm giờ chiều, tàu chở vua đến ga, 21 phát súng đại bác vang lên đón chào. Vua Bảo Đại cùng Khâm sứ Châtel bước xuống. Đội nhạc binh cử bài quốc ca. Vua vào phòng khách. Công sứ Thừa Thiên đọc bài chúc từ, vua có mấy lời đáp lại rồi đi ra sân cùng Khâm sứ lên ô tô. Trước và sau có lính kỵ mã cầm cờ đi hộ giá. Theo sau là xe của các quan chức Pháp, Nam và các quan chức tùy tùng, cứ hai người ngồi một xe theo thứ tự đã định trước.
Khi đoàn ngự giá qua Đài tưởng niệm tướng sĩ trận vong, đoàn đại biểu các cựu chiến binh đứng đón chào và các nam nữ học sinh phất cờ. Dọc đường từ phố nhà Ga qua cầu Trường Tiền, phố Đông Ba, cửa Thượng Tứ vào trong thành, công chúng đều giữ thái độ cung kính. Tới Đại Cung Môn, Khâm sứ Châtel xin cáo lui về. Vua Bảo Đại tỏ ý giữ lại và cùng vua về điện. “Ấy là xong một ngày. Cái ngày nay chưa biết sẽ ảnh hưởng đến dân tộc Việt Nam thế nào! Đó là câu hỏi chung của người đi xem khi ra về vậy”.