Bà tự là Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, sinh ngày 25 tháng 5 năm Giáp Thân (21/6/1824), mẹ là Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu. Bà là em cùng mẹ với Tùng Thiện vương Miên Thẩm và 2 nữ sĩ Mai Am, Huệ Phố. Bà cùng với Mai Am (Thúc Khanh) và Huệ Phố (Quý Khanh) họp thành Tam Khanh, là 3 nữ thi sĩ nổi tiếng ở kinh đô Huế đương thời.
Bà thông minh nhanh nhẹn, tính tình thuần hậu. Thuở bé sống trong cung nên bà được giáo dục đầy đủ, giỏi cả cầm - kỳ - thi - họa, may vá thêu thùa. Năm 1849, bà cùng hai em Thúc Khanh, Quý Khanh theo mẹ ra ở Tiêu Viên phía sau vương phủ của anh trai Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được anh chỉ bảo nên Nguyệt Đình sớm thông làu kinh truyện.
Tại Tiêu Viên, Nguyệt Đình cùng các em tham gia Mặc Vân thi xã do Tùng Thiện vương làm Tao đàn nguyên soái. Bà làm nhiều thơ chữ Hán, cùng mọi người xướng họa. Thơ của bà được tập hợp lại gọi là Nguyệt Đình thi thảo.
Cố đô Huế gắn với triều đại vàng son của nhà Nguyễn.
Bà mất ngày 22 tháng 3 năm Nhâm Thìn (18/4/1892) đời vua Thành Thái, hưởng thọ 68 tuổi, được song táng cùng chồng. Bà được triều đình ban tên thụy là Cung Thục.
Tập thơ Nguyệt Đình thi thảo, được Tuy Lý Vương Miên Trinh đề tựa khen ngợi rằng: Nay việc làm của em, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đã đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép đi in lại vài lần sao!
Tuy nhiên, tập thơ của bà do không kịp khắc in, lại gặp buổi loạn lạc nên đã bị thất lạc hoàn toàn.