Theo thông tin từ Reuters, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào ngày 13/8 sau chưa đầy một tuần kể từ khi nó rời khỏi khu vực này. Đây được cho là động thái mới nhất của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính.
Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống có vũ trang của hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiến vào vùng biển Việt Nam. Lý giải cho hành động này, Trung Quốc tuyên bố khu vực này nằm trong “đường chín đoạn” về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Trong lần trở lại này, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 có ít nhất 2 tàu Hải giám Trung Quốc hộ tống. Thông tin này được Marine Traffic - một trang web theo dõi hành trình tàu thủy công bố.
|
Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 và 9 cập cảng tại Nhà máy đóng tàu Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: China Daily. |
Theo các chuyên gia, đây là một trong những bước đi của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Để đạt được mục đích, Trung Quốc đã và đang triển khai "tam chủng chiến pháp" bao gồm: chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý. Ba loại này được tiến hành đồng thời để đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Khái niệm tam chủng chiến pháp hay còn gọi "tam chiến" được Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương phê chuẩn vào năm 2003.
Cụ thể, với chiến tranh tâm lý, Trung Quốc sử dụng một số hình thức nhằm khiến đối phương mất ý chí chiến đấu như: gây áp lực ngoại giao, dùng tàu cá, tàu ngư chính quấy rối, đe dọa tàu thuyền của các nước đang có tranh chấp, cho thuê các khu vực khai thác dầu khí mà các nước khác tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam.
Song song với chiến tranh tâm lý, Trung Quốc thực hiện chiến tranh thông tin. Giới chức Trung Quốc thông tin và trả lời báo chí quốc tế về những hành động sai trái của nước này tại biển Đông theo hướng có lợi cho mình bằng cách nói giảm, nói tránh tính cấp thiết của vấn đề như kiểu: “Chúng tôi chưa hề biết gì về việc đó”.
Những thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra theo những kiểu trên được đánh giá là vô cùng nguy hiểm vì có thể khiến các nước đang có tranh chấp với chính quyền Bắc Kinh mắc lừa, không có sự phòng bị và không thể tự bảo vệ kịp thời khi Trung Quốc đánh úp bất ngờ.
Về chiến tranh pháp lý, Trung Quốc đưa ra những điều luật, thông tin pháp lý như những điều khoản của UNCLOS, các công ước luật pháp quốc tế có lợi cho mình hay những tấm bản đồ để khẳng định chủ quyền phi lý ở biển Đông.
Trước những nước cờ nguy hiểm của Trung Quốc, các nước có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc đứng lên đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền và tài nguyên của nước mình. Cộng đồng quốc tế và nhiều chuyên gia lên án hành động phi lý của Trung Quốc tại biển Đông và cho rằng công lý sẽ sớm được thực thi.
Video: Hải quân Việt Nam săn tàu ngầm ở Biển Đông (nguồn: QPVN)
Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định: “Trung Quốc không thể chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế để hành động một cách ngang ngược… Về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải từng bước thực hiện các phán quyết của tòa…”.
Đồng quan điểm, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Việt Nam của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC) phát biểu: “Lịch sử đã chứng kiến nhiều lần vũ lực được tôn thờ để giải quyết các tranh chấp quốc tế nhưng cuối cùng đều thất bại… Với sự đấu tranh của cộng đồng quốc tế, công lý sớm muộn sẽ được thực thi”.
Ngày 16/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. “Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.