Trong Tây du ký, Quan Âm Bồ Tát có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh. Ngài là người đã điểm hóa Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và Tiểu Bạch Long trở thành đồ đệ của Đường Tăng, đồng thời luôn âm thầm bảo vệ và giúp đỡ họ vượt qua nhiều kiếp nạn gian nan.
Tuy nhiên, trong khi Đường Tăng và các đồ đệ khác tôn kính Bồ Tát, thì ban đầu Tôn Ngộ Không lại không như vậy.
Lần đầu tiên Tôn Ngộ Không gặp Bồ Tát là ở dưới Ngũ Hành sơn, được Bồ Tát khuyến thiện nên nguyện đi theo phò tá Đường Tăng, tu hành chính đạo. Ngoài mặt thì thấy Tôn Ngộ Không biết ơn Bồ Tát, vui vẻ vâng lời, nhưng đến lúc gặp khảo nghiệm đầu tiên mới lộ ra đấy chưa phải thật là lòng thành kính chân thật.
Theo diễn biến chuyện, sau khi Tôn Ngộ Không giết 6 tên cướp thì bị Đường Tăng mắng nhiếc thậm tệ, tức không chịu nổi nên cưỡi mây bay đi. May được Long Vương lựa lời khuyên nhủ, Ngộ Không hồi tâm chuyển ý, quyết chí quay lại bảo vệ Đường Tăng đi lấy kinh. Nhưng lúc này, Đường Tăng được Bồ Tát chỉ dẫn, dụ Tôn Ngộ Không đội vòng kim cô lên đầu và niệm chú, khiến Ngộ Không đau đớn quằn quại, định dùng gậy Như Ý đánh chết sư phụ nhưng không thành, do cơn đau đầu khiến không cầm nổi gậy, đành phải nhận sai, van xin sư phụ đừng niệm nữa.
Sau khi Đường Tăng dừng lại, Tôn Ngộ Không mới hỏi ai truyền cho sư phụ phép thì biết được đó là một bà lão lạ măt và Tôn Ngộ Không liền đoán ra đó chính là Bồ Tát hóa thành, liền định sang tận Nam Hải, đánh cho Bồ Tát một trận. Nhưng khi nghe sư phụ nói phép ấy Bồ Tát truyền cho ta, thì chắc ngài cũng nắm được. Nếu ngươi đến, ngài mà niệm lại chẳng chết toi mạng. Nghe nói có lý, Đại Thánh không dám đi nữa.
Có thể thấy, lúc này Tôn Ngộ Không còn hung hãn ngông ngạo, không hề thành tâm tôn kính Bồ Tát.
Về sau, trong quá trình đi thỉnh kinh, qua nhiều kiếp nạn và sự giúp đỡ của Bồ Tát, Tôn Ngộ Không dần dần giác ngộ. Đại Thánh không chỉ không còn oán hận về việc Bồ Tát lừa mình đeo vòng Kim Cô, mà còn trở nên tôn kính và biết ơn với sự hướng dẫn của Bồ Tát trên con đường tu hành của mình.