Tự hào tham gia bảo vệ “Tọa độ lửa” Cò Nòi
Kể lại những ngày tháng gian khổ mà hào hùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hùng Thịnh (hiện ở phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) bồi hồi, xúc động, ký ức trở về như mới hôm qua.
Ông Thịnh sinh ngày 19/8/1935 tại Thanh Hóa. Năm 1950, học hết lớp 7 (hệ 10/10), ông về làm Chi hội Phó Hội Nông dân cứu quốc của địa phương, rồi Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc của xã, Chánh văn phòng ủy ban kháng chiến hành chính của xã Yến Sơn (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).
|
Ông Nguyễn Hùng Thịnh, cựu thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Mai Loan. |
Tháng 10 năm 1953, xã huy động lực lượng cán bộ của 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa tham gia thanh niên xung phong. Tất cả tập trung ở làng Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, đi bộ hành quân từ Thanh Hóa, qua Hòa Bình, đèo Pha Đin, tới Mộc Châu để lên Điện Biên Phủ.
Đến Mộc Châu (Sơn La), ông Nguyễn Hùng Thịnh thuộc biên chế đại đội 401, đội 40 của thanh niên xung phong. “Tôi tự hào cùng đồng đội đã tham gia bảo vệ “tọa độ lửa” Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La), góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng”, ông Nguyễn Hùng Thịnh xúc động.
|
Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong, tại Ngã ba Cò Nòi. Ảnh: TNMT. |
Đinh ninh lời nhắn nhủ của Bác, vượt mọi khó khăn
Ông Nguyễn Hùng Thịnh cho hay, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm trọng yếu trên đường ra mặt trận của quân ta. Bởi đây là ngã ba đường 41 (nay là quốc lộ 6) với đường 13 (nay là quốc lộ 37), là những con đường nối đồng bằng Bắc bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu III, Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ.
Chính vì vị trí quan trọng như vậy, cho nên, địch tập trung đánh phá rất ác liệt. Có ngày cao điểm, máy bay Pháp ném xuống đây 300 quả bom các loại với trọng lượng gần 70 tấn thuốc nổ. Mục đích của chúng là muốn cắt đứt con đường huyết mạch chi viện lực lượng bộ đội, dân công, vận chuyển vũ khí... cho chiến trường.
Tuy nhiên, hàng vạn thanh niên xung phong đã trực tiếp bám trụ, bảo đảm giao thông cho tuyến đường huyết mạch này với tinh thần cả nước phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có ông Thịnh.
“Mặt đường bị bom cày xới, gây rất nhiều trở ngại, khó khăn cho việc sửa chữa, đảm bảo giao thông thông suốt. Bom rơi, đạn nổ, nguy hiểm, cái chết cận kề, nhưng chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần tất cả cho chiến dịch, cho tiền tuyến”, ông Thịnh nhớ lại.
|
Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần giáo và Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn. |
Ông Thịnh cho biết, lúc đó, địch ném rất nhiều loại bom, nhưng với những người thanh niên xung phong vất vả và nguy hiểm hơn cả là việc phá các quả bom nổ chậm. Để đối phó với loại bom này, mỗi khi máy bay Pháp ném bom ở khu vực này, lực lượng thanh niên xung phong được phân công đứng từ trên cao quan sát, theo dõi, rồi cắm cờ ở vị trí các quả bom chưa nổ để phối hợp công binh phá kíp ngòi nổ. Thế nhưng, cũng có khi đang tháo kíp thì bom nổ, rất nhiều đồng đội đã hy sinh.
“Trong những năm tháng mưa bom bão đạn như thế, việc thấy mình vẫn còn sống sau những trận đánh dữ dội là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi. Điều gì khiến tôi và các đồng đội đã vượt qua được những năm tháng đó? Chính là bởi chúng tôi luôn nhớ đinh ninh lời dặn dò của Bác Hồ với thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Chính lời dặn của Bác làm chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, quên hết mệt mỏi ”, ông Nguyễn Hùng Thịnh xúc động.
|
Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần giáo và Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn. |
Vào 15 giờ ngày 7/5/1954, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Ðiện Biên Phủ: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh... Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Ðờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát". Ông Nguyễn Hùng Thịnh chia sẻ, đây cũng là một trong những thời khắc không thể nào quên đối với ông và các đồng đội. Tất cả đều chung một khí thế quyết chiến, quyết thắng. Và cuối cùng, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi.
“Đó là những năm tháng hào hùng không bao giờ quên đối với những người lính chúng tôi”, ông Nguyễn Hùng Thịnh xúc động.
Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 16.000 quân địch. Với quyết tâm “Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững”, các đại đội thanh niên xung đã anh dũng vượt qua bom đạn góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Mời quý độc giả xem video: Ông Nguyễn Hùng Thịnh (hiện ở phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội), nhân chứng chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ cảm xúc về những ngày tháng hào hùng, không thể nào quên. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.