Sở GD&ĐT: Thu phí giữ chỗ làm mất tính nhân văn
Mới đây, tại Hội nghị Hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đồng tình với giải thích từ các trường tư về việc thu phí giữ chỗ nhằm ổn định, tránh việc phụ huynh nộp, rút hồ sơ, gây xáo trộn. Theo ông Cương, khoản này là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh với trường, tuy nhiên, xét khía cạnh giáo dục là không hay.
|
Hình ảnh phụ huynh Hà Nội xếp hàng xuyên đêm chờ nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. |
"Môi trường giáo dục, môi trường sư phạm cần đảm bảo tính nhân văn. Không nên thu phí giữ chỗ, bởi làm vậy thì mất đi tính mô phạm, nhân văn trong nhà trường, đề nghị các trường rút kinh nghiệm", ông Cương nói. "
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các trường tư không thu tiền giữ chỗ. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Hà Nội hiện có khoảng 600 trường học ngoài công lập từ mầm non tới THPT. Thời điểm này, nhiều trường đã tổ chức tuyển sinh theo hình thức xét học bạ hoặc thi khảo sát, đánh giá năng lực.
Sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh thường được yêu cầu đóng khoản tiền "cọc", gọi là phí giữ chỗ, phí nhập học hoặc phí ghi danh. Nếu thí sinh nhập học, khoản tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền học phí, nhưng nếu không nhập học, thì nhà trường chỉ hoàn lại một phần, thậm chí là không hoàn lại.
Đáng nói, phí đặt “cọc” này có thể lên tới 23 triệu đồng, còn trung bình, dao động trong khoảng từ 3-5 triệu đồng. Không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả và “mất” số tiền cọc này. Nhưng để yên tâm, nhất là các phụ huynh có con thi vào lớp 10, vẫn chấp nhận “xuống tiền” để có một chỗ chắc chắn cho con, phòng sơ sẩy trong cuộc chiến vào trường công lập quá khốc liệt. Thậm chí, có phụ huynh còn đặt cọc nhiều trường.
Việc có nên thu phí đặt cọc, thu bao nhiêu là hợp lý và có nên trả lại phí đặt cọc hay đang là chủ đề “nóng” trên nhiều diễn đàn.
Hỗ trợ các trường lọc ảo thì mới bỏ được thu phí giữ chỗ
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất, người sáng lập Hệ thống Bigschool cho hay, chúng ta phải hình dung mọi lĩnh vực theo cơ chế thị trường.
Trong lĩnh vực giáo dục có thu có chi, với các trường công lập có Nhà nước lo, còn với những trường ngoài công lập, mọi hạch toán để duy trì phát triển nhà trường do chính nhà trường lo. Bởi vậy, ở trường dân lập sẽ nảy sinh ra những việc mà trường công lập không bao giờ có.
|
Chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất. |
“Khi chúng ta cho phép sự tồn tại của các trường ngoài công lập thì phải chấp nhận một số hiện tượng do cơ chế thị trường “đẻ” ra, đây không phải là thương mại hóa giáo dục, mà là để các trường này tồn tại. Tựa như khi tuyển sinh đại học, việc đăng ký dự thi cũng phải nộp lệ phí. Điều này là để kế hoạch tuyển sinh không bị xáo trộn, các trường giảm bớt đăng ký ảo”, TS Lê Thống Nhất nêu quan điểm.
TS Lê Thống Nhất cho hay, câu chuyện đặt cọc giữ chỗ trường ngoài công lập không phải năm nay mới có. Những năm trước, hình ảnh phụ huynh xếp từng hàng dài nộp hồ sơ cho con vào các trường tư khiến dư luận bức xúc.
Khi đó, ông có trao đổi với một Hiệu trưởng trường tư. Vị này nói nhất trí việc nộp hồ sơ online để phụ huynh đỡ khổ. Tuy nhiên, nếu đăng ký online thì lấy gì để đảm bảo sự thiết tha, chắc chắn của phụ huynh? Cho nên, vẫn phải đặt cọc.
Và ông không đồng tình quan điểm cho rằng, việc thu phí, đặt cọc đã vi phạm hành vi cấm mua bán trong giáo dục. “Theo tôi, việc các trường đưa ra phí giữ chỗ không phải hành vi mua bán, mà là lọc ảo. Với tuyển sinh đại học, Bộ GD&ĐT đã có phần mềm hỗ trợ các trường lọc ảo. Còn tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay các trường phải tự lo. Vậy lo bằng cách nào? Chỉ còn cách đặt cọc giữ chỗ.
Nếu các cấp quản lý cảm thấy điều này là không hợp lý thì phải giúp các trường lọc ảo, còn không thì chẳng còn cách nào khác là phải có phí giữ chỗ”, TS Lê Thống Nhất nói.
Về việc nên quy định phí giữ chỗ bao nhiêu là phù hợp, TS Lê Thống Nhất cho hay, trừ trường hợp Sở GD&ĐT có quy định cụ thể. Còn đứng ở vị trí chủ một trường, một doanh nghiệp thì phải tính đến độ rủi ro. Độ rủi ro càng lớn thì yêu cầu cho phí đặt cọc càng nhiều hơn, và ngược lại.
TS Lê Thống Nhất cho hay, làm thế nào để giảm áp lực thi vào lớp 10 ở Hà Nội là một bài toán khó, nhưng không có nghĩa hết năm này tới năm khác không giải quyết được. Hiện Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% các trường công lập, nhưng trong 60% ấy lại có những trường chất lượng thấp. Điều đó dẫn tới có hiện tượng học sinh có năng lực chọn trường tốp đầu hoặc không chọn trường công mà chọn trường ngoài công lập.
Giải pháp trước mắt, theo TS Lê Thống Nhất, bên cạnh việc xây thêm trường công, các nhà quản lý cần nâng cao chất lượng những trường công lập. Khi có trường công chất lượng, học sinh sẽ không phải lựa chọn trường tư (không phải gia đình nào cũng đủ tiền để theo học). Trách nhiệm đảm bảo về mặt số lượng cũng như chất lượng của Trường THPT ở trên một địa bàn vẫn thuộc UBND TP và các cấp chính quyền.
Mời quý độc giả xem video phụ huynh trắng đêm xếp hàng giành suất cho con vào lớp 10 Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) năm 2023. Nguồn: Kiến Thức.