Kỳ 1: Cả làng thờ... chó đá
Ít ai biết rằng, cách trung tâm Hà Nội không xa, có một ngôi làng kính cẩn gọi chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch, hoặc ông Hoàng Thạch. Ngày lễ, ngày Tết, người dân kính cẩn dâng lễ quan lớn và hương khói không lúc nào ngớt trên bệ thờ… chó đá.
Làng Địch Vĩ (Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) nằm giữa cánh đồng. Đường vào làng thơm nồng mùi rơm rạ. Tiếng chuông từ chùa Địch Vĩ ngân nga khiến khung cảnh thôn quê thêm thanh bình.
Phía sau chùa Địch Vĩ, bà cụ Nguyễn Thị Ngân nhai trầu bỏm bẻm, thắp hương khấn vái Quan lớn Hoàng Thạch, tức ngài chó đá. Bà Ngân bảo, ngày nào bà cũng hương khói, cầu Quan lớn Hoàng Thạch phù hộ gia đình, dòng họ, dân làng được khỏe mạnh, bình an. Bà thường nhặt lá, quét dọn bệ thờ trước khi hương khói.
|
Đền thờ được hương khói suốt ngày. |
Hôm đó là ngày mùng Một âm lịch, người dân theo Phật đến chùa dâng lễ, tụng kinh. Trước khi vào chùa, họ đều thắp hương, đặt lễ trên bệ thờ Quan lớn Hoàng Thạch. Bà Ngân bảo, ngày Tết dân làng làm lễ to lắm, khói hương nghi ngút, hoa quả, bánh trái, rượu bia ngập kín bệ thờ. Có thờ có thiêng, Quan lớn Hoàng Thạch sẽ độ trì cho cả năm.
Bà Ngân cũng như những cụ già ở thôn quê đều có niềm tin tâm linh rất lớn. Bà kể nhiều câu chuyện liêu trai, rằng có mấy gia đình, không nghe khuyên giải, đào củ đinh lăng dưới chân Quan lớn Hoàng Thạch về làm thuốc, tức thì lăn cả ra ốm. Sau biết tội, mang lễ ra khấn, xin ngài tha mới khỏi bệnh.
Tôi đang chụp ảnh Quan lớn Hoàng Thạch ngồi chễm chệ đúng như chú chó lớn ngồi thư thả trước cửa trông nhà, cái miệng cười tươi, và đàn chó con đủ hình dạng ngồi quây quanh mẹ, thì hai ông Nguyễn Hữu Băng và Chu Bá Đam tới. Ông Băng là chủ lễ, còn ông Đam là thủ từ đình Địch Vĩ.
Ông Đam và ông Băng cũng khẳng định Quan lớn Hoàng Thạch thiêng lắm, cả ngôi đình 400 tuổi và ngôi chùa 500 tuổi cũng vô cùng linh thiêng.
Cái sự linh thiêng mà hai ông mô tả, là mới đây, đình sửa lại, gỗ lạt rất nhiều, vứt mấy đống trước sân, hai ông hô hào dân làng lấy về đun, hoặc chẻ ra đóng đồ, song chẳng ai dám lấy. Lý do, mấy hộ gia đình mang củi về đun, củi thì cháy bùng bùng, nhưng cơm thì sống nguyên. Sợ quá, họ đem củi trả, không ai dám lấy gỗ của đình nữa.
Cả đình, chùa và đền thờ Quan lớn Hoàng Thạch là một quần thể di tích của làng. Sau nhiều lần xây, sửa đình chùa, mở rộng không gian kiến trúc, đền Quan lớn Hoàng Thạch tách ra phía sau chùa, trên một gò đất cao ráo.
Các cụ trong làng cũng muốn đưa Quan lớn Hoàng Thạch về trước đình, chùa, song không được. Quan lớn Hoàng Thạch buộc phải ngồi ở vị trí này, để ngóng ánh mắt về làng Hát Môn, cách Địch Vĩ chừng 5km. Lý do cho việc này là một huyền sử lạ. Huyền sử ấy, duy chỉ có cụ Nguyễn Văn Toàn là nắm rõ nhất.
Cụ Toàn sống trong một ngôi nhà cổ, có rèm mành bằng tre trúc, mái ngói và sân phủ kín bởi một giàn gấc trĩu trịt quả. Cụ Toàn năm nay 82 tuổi, song minh mẫn hiếm có. Cụ bảo, huyền tích về ngài Quan lớn Hoàng Thạch mỗi người kể một nẻo, duy chỉ có cụ là nắm rõ nhất.
Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, chả biết từ khi nào, ở làng Hát Môn (cách Địch Vĩ 5km), có hai anh em yêu thương nhau hết mực. Người anh văn võ song toàn, người em sống đạo đức nhất mực.
Người anh trí dũng hơn người nên được làm quan Quận, thường gọi là ông Quận. Anh về kinh đô nhậm chức, em ở nhà với chị dâu.
Gian phòng người em và chị dâu cách nhau bức vách. Vách hở một lỗ nhỏ. Biết tính chị dâu hay chung chạ lăng nhăng, nên đêm xuống, người em thò tay qua bức vách nắm bụng chị, không cho chị ra ngoài.
Đánh giặc xong, ông Quận về làng, thấy vợ bụng mang dạ chửa. Người vợ xấu xa đổ cho em trai. Không giữ được bình tĩnh, người anh đã chém đầu em.
Chết oan khuất, người em hiển linh và yêu cầu dân làng dựng tượng. Bức tượng đó không phải người, không phải chó, cũng chẳng phải gì, nó chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng người em đã nhập hồn vào pho tượng đó.
Cụ Toàn bảo, pho tượng có thể mang hình hài giống một con chó đá, nhưng sự thực không phải là con chó. 13 tượng đá hình những chú chó nhỏ cũng không phải là chó con, mà là quân lính của ngài.
Tượng làm xong, linh hồn người em yêu cầu đem thả xuống sông Hồng. Tượng người em trôi dọc sông xuống làng Thọ Xuân. Dân làng Thọ Xuân thấy sự lạ, hè nhau ra khiêng tượng chó đá về. Thế nhưng, 30 trai tráng trong làng, dùng đủ mọi cách thức, cũng không khiêng được chó đá lên bờ. Không biết làm thế nào, đành để chó đá trôi tiếp.
Chó đá trôi đến làng Địch Vĩ thì dừng lại. Người dân Địch Vĩ kéo ra xem rồi thử xuống khiêng. Không ngờ, chỉ 4 người cũng khiêng được chó đá lên bờ. Nghĩ chó đá muốn ngự ở làng mình, nên dân làng đã lập đền thờ phụng từ đó đến nay và tôn xưng là Quan lớn Hoàng Thạch.
Sở dĩ, người dân không xây đền hoành tráng để thờ, là vì sợ đền thờ sẽ che khuất tầm nhìn của Ngài. Ngài ngự trên bệ thờ ngoài trời, trên một gò đất cao và hướng về làng Hát Môn, quê hương của ngài.
Chính vì truyền thuyết như thế, nên làng Hát Môn và Địch Vĩ coi nhau như anh em ruột thịt. Truyền đời, truyền kiếp trai gái hai làng không yêu nhau, không lấy nhau. Nếu trai gái hai làng có tình cảm với nhau, thì chẳng khác gì loạn luân, không bao giờ hạnh phúc.
Ngày hội, chỉ khi nào người Địch Vĩ mang rượu lên đền thờ Hai Bà Trưng, nơi có 2 con chó đá gác cổng, thì lễ hội mới được bắt đầu.
Cũng chính truyền thuyết về sự oan khuất của Quan lớn Hoàng Thạch, mà khi có chuyện gì buồn, oan uổng, người dân Địch Vĩ, các làng lân cận, xã xung quanh đều tìm đến Ngài, kể lể, trình bày nỗi oan, để ngài chứng dám, độ trì.
Theo ông Nguyễn Hữu Băng, trong làng, nếu có ai đó bị hàm oan, chẳng hạn bị đổ cho tội trộm cắp, họ sẽ kéo nhau đến trước mặt Quan lớn Hoàng Thạch. Người bị hàm oan sẽ mang theo lễ vật cùng chồng bát đĩa và cây chuối.
Sau khi kể lể nỗi hàm oan, họ sẽ thề với Quan lớn Hoàng Thạch rằng, nếu kể sai họ sẽ có số phận thảm hại như chồng bát đĩa và cây chuối. Thề xong, thì đập tan bát đĩa, dùng con dao phay sắc lẹm chém một nhát đứt đôi cây chuối.
Những người từng làm việc sai trái, sống trong day dứt, ăn năn, cũng tìm đến Quan lớn Hoàng Thạch để tâm sự. Họ kể hết lỗi lầm của mình, rồi hứa sẽ không bao giờ phạm phải nữa. Xưng tội với Quan lớn rồi, họ sẽ thấy lòng thanh thản hơn.
Theo cụ Toàn, nhờ có Quan lớn Hoàng Thạch, mà xóm làng bình yên, con người sống nghĩa tình, trung thực với nhau. Tục thờ chó đá đã biến thành một tín ngưỡng đẹp của người Địch Vĩ.
Mời quý độc giả xem video về Thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):