Thời cổ đại, ai cũng mang trong mình một "giấc mộng Hoàng đế" , bởi ngoài việc nắm giữ quyền lực tối cao trong tay, còn có cả "ba nghìn mỹ nữ chốn hậu cung" mà nhiều người thèm muốn.
Vì vậy việc soán ngôi đoạt vị nhiều không kể hết, thậm chí ngày nay, có lẽ những người muốn xuyên không về thời cổ đại làm Hoàng đế cũng không ít.
Nhưng hậu cung nhiều phi tần như thế, Hoàng đế liệu có thể nhớ hết mặt của họ không? Có hay không chuyện "sủng ái" nhầm người?
Đáp án đương nhiên là có. Triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc có một vị hoàng đế đã thị tẩm nhầm người, nhưng không ngờ việc làm tưởng như "tai hại" này lại trở thành một câu chuyện ly kỳ được lưu truyền trong lịch sử.
Hán Cảnh Đế là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Tây Hán. Kể từ sau khi đăng cơ ông vẫn luôn học hỏi theo chủ trương "vô vi mà trị" của cha mình là Hán Văn Đế. Nói một cách đơn giản thì "vô vi mà trị" chính là buông tay, để cho những người bên dưới tự mình làm việc, tự đó thuận lợi tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn Văn Cảnh chi trị sau này.
Mặc dù vị hoàng đế thời cổ đại này trên triều vẫn chú trọng đến chính sách "vô vi mà trị", nhưng do thời cổ đại rất coi trọng vấn đề cha truyền con nối, nên mỗi khi đến hậu cung của mình, Hán Cảnh Đế đều trở nên phấn chấn và sung sức.
Trong hậu cung của nhà Hán bấy giờ có rất nhiều giai nhân, Trình Cơ cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, không may cho người phụ nữ này là bà không phải là phi tần được Hán Cảnh Đế sủng ái.
Nguyên nhân chính là bởi lúc đó, Hoàng đế đã có đến 2 người phụ nữ được ông hết mực yêu chiều là Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu và Lịch Cơ nương nương , cho nên cơ hội được thị tẩm của Trình Cơ càng ít ỏi.
Trong một dịp Hán Cảnh Đế say rượu và nổi hứng muốn thị tẩm Trình Cơ. Trùng hợp lúc đó Trình Cơ "đến tháng" nên đã để thị nữ Đường Nhi cải trang thay mình hầu hạ Hoàng đế.
Hán Cảnh Đế bị men rượu làm cho đầu óc không minh mẫn, thấy phía trước có một mỹ nữ thướt tha đi tới, tưởng đó là Trình Cơ nên đã thị tẩm nàng.
Sau một đêm phong tình, Hán Cảnh Đế mới phát hiện người nằm bên cạnh mình không phải là Trình Cơ. Nhưng những chuyện như thế này đối với hoàng đế mà nói không có gì là lạ nên ông cũng không quá bất ngờ.
Nhưng không ngờ chỉ sau một đêm sủng hạnh Đường Nhi đã mang trong mình giọt máu hoàng tộc, chín tháng sau nàng sinh ra hoàng tử Lưu Phát.
Bởi xuất thân là thị nữ nên Đường Nhi rất ít khi được Hoàng đế sủng ái, ngay cả Hoàng tử Lưu Phát cũng không được vua cha xem trọng. Khi đến tuổi trưởng thành, Lưu Phát được vua cha phong vương và ban phát cho một vùng đất cằn cỗi cách xa kinh thành.
Cuộc đời của Lưu Phát dù không được khởi sắc lắm, nhưng Lưu Tú-hậu duệ đời thứ năm của ông chính là Hán Quang Vũ Đế tiếng tăm lừng lẫy trong lịch sử Trung Quốc.
Với tài cầm binh, Lưu Tú đánh đâu thắng đó. Ông đi từ một người cưỡi trâu đánh trận đến vị vua oai phong thống lĩnh cả trăm ngàn binh lính đánh bại Vương Mãng (Hoàng đế duy nhất của nhà Tân), thống nhất đất nước và lập nên triều Đông Hán hưng thịnh trường tồn suốt gần 200 năm trong lịch sử Trung Quốc (từ năm 25 đến năm 220).