Cuộc đời đầy tranh cãi của Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung

Google News

Dù Linh từ Quốc mẫu tàn nhẫn với con gái mình, nhưng không thể phủ nhận vai trò của bà đối với lịch sử dân tộc thời kỳ đầu nhà Trần.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam ở thế kỷ 13 có nguồn gốc xuất thân từ nghề chài lưới. Vì thế, các con sau khi sinh ra thường được đặt tên theo các loài cá. Và Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý, em gái kế của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, tức là cô ruột của vua Trần Thái Tông (1226-1258) vốn có tên thật là Trần Thị Ngừ. Bà sinh ra và lớn lên ở thôn Gia Lưu, Hải Ấp (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Cuoc doi day tranh cai cua Linh tu Quoc mau Tran Thi Dung

Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Cũng theo sách trên, vào năm 1209, đời Lý Cao Tông trị vì đã xảy ra loạn Quách Bốc. Khi ấy, thái tử Lý Sảm phải chạy về miền Hải Ấp và nương nhờ cha của bà Trần Thị Dung là Trần Lý. Trần Lý và cậu ruột bà là Tô Trung Từ nhân cơ hội này đã ra tay giúp nhà Lý để phát triển thế lực nên gả bà cho thái tử Lý Sảm, rồi sau đó tập hợp lực lượng tham gia dẹp Quách Bốc.

Sau khi loạn Quách Bốc bị dẹp, Trần Lý tử trận, người cậu là Tô Trung Từ trở thành đại thần nhà Lý. Năm 1210, vua Lý Cao Tông mất và thái tử Sảm lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Vừa lên ngôi, vua Huệ Tông sai đón Trần Thị Dung về triều, nhưng Trần Tự Khánh không cho. Vì lúc trước, Tô Trung Từ giành lấy vua Lý Huệ Tông từ tay anh em họ Trần nên nảy sinh mâu thuẫn với Trần Tự Khánh. Và khi ấy, vua Lý Cao Tông chết chưa kịp chôn, nhưng giữa Tô Trung Từ và các đại thần có thế lực cũ của nhà Lý đã xảy ra xung đột dữ dội để tranh quyền. Tô Trung Từ ra tay giết chết Đỗ Kính Tu, Đỗ Thế Quy và giằng co với Đỗ Quảng.

Đến đầu năm 1211, vua Lý Huệ Tông lại sai người đi đón Trần Thị Dung. Lần này thì Trần Tự Khánh đồng ý để bà về triều, sai hai tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống. Khi quân hộ tống bà tới Thăng Long, đúng lúc Tô Trung Từ đang đánh nhau to với Đỗ Quảng. Tô Trung Từ hợp binh với hai tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh và phá tan quân của Đỗ Quảng.

Sau khi về cung, Trần Thị Dung được phong làm nguyên phi và bà sinh được 2 người con gái với Lý Huệ Tông là công chúa Thuận Thiên Lý Ngọc Oanh và công chúa Chiêu Thánh (Phật Kim) - sau này trở thành Lý Chiêu Hoàng. Cũng từ đây, cuộc đời của Trần Thị Dung luôn gắn chặt với giai đoạn cuối của vương triều Lý và thời kỳ đầu của nhà Trần. Có thể nói, bà là người có công đầu tiên trong việc đưa họ Trần vào triều đình nhà Lý để rồi sau này nhà Trần thay nhà Lý.

Song, với nhà Trần thì như vậy, nhưng với người đương thời lại có ấn tượng không mấy tốt về bà. Đó là chuyện bà đã nhẫn tâm gây điều ác với chính con của mình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, sau khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, Lý Chiêu Hoàng được phong làm Chiêu Thánh hoàng hậu và giữa hai người có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc. Nhưng 7 năm sau, khi Chiêu Thánh 14 tuổi thì hạ sinh con trai là hoàng tử Trịnh nhưng hoàng tử không may mất ngay sau khi sinh. Từ đó, Chiêu Thánh đau ốm liên miên và không sinh được người con nào với vua Trần Thái Tông nữa.

Đến năm 1237, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung (lúc đó là công chúa Thiên Cực) đã ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đang có thai 3 tháng. Trần Cảnh lúc đầu phản đối, bỏ ngôi vua lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên. Trần Thủ Độ vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng vua cũng phải nghe theo. Không còn chỗ bấu víu, Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa.

Vậy là mới 19 tuổi, Chiêu Thánh công chúa đang từ ngôi cao tột đỉnh của danh vọng, địa vị và hạnh phúc đã lâm vào cảnh mất ngôi, mất chồng, không con cái và điều đáng đau lòng bị chính người mẹ dứt ruột đẻ ra thông đồng với Trần Thủ Độ ép uổng. Chưa hết, chính vì việc này mà Chiêu Thánh phải mang trọng tội với dòng tộc là không giữ được ngôi vua mà họ Lý gìn giữ hơn 200 năm qua...

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì Trần Thị Dung từ một cô thôn nữ bỗng trở thành hoàng hậu rồi cao hơn nữa là "Linh từ Quốc mẫu". Chỉ với nhiêu đó cũng đã quá đủ để người đương thời cũng như hậu thế ngày nay phải thừa nhận Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung là người con gái thông minh, tài ba, gan dạ và có chí lớn, có đầu óc tổ chức phi thường. Theo sử cũ, khi Trần Thủ Độ chưa xuất hiện, bà là người cáng đáng toàn bộ sự vất vả gian truân, trầm luân để mở nghiệp nhà Trần. Đến lúc có Trần Thủ Độ trong cung đình, bà đã cộng tác đắc lực với Trần Thủ Độ trong việc khai sinh và xây dựng triều đại nhà Trần, đáp ứng được đòi hỏi xây dựng một đất nước vững mạnh để chống giặc Nguyên - Mông đang lăm le xâm lược Đại Việt.

Tuy nhiên, với nhà Lý và với ngay chính con đẻ của mình thì Trần Thị Dung lại là người phụ nữ tàn nhẫn đến mức bất chấp cả luân thường đạo lý. Thế mới hay rằng, vì quyền lực thì ngay cả một nữ hoàng cũng không từ mọi thủ đoạn và sẵn sàng "ra tay" với cốt nhục và thậm chí còn "máu lạnh" cả với bậc đế vương. Âu đó cũng là quy luật của chế độ phong kiến và chính vì quy luật này mà mong rằng hậu thế đừng vì vậy mà phủ nhận công lao của Linh từ Quốc mẫu đối với lịch sử dân tộc thời kỳ đầu nhà Trần - một triều đại mở ra những trang sử oanh liệt nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Theo Báo Bình Phước

>> xem thêm

Bình luận(0)