Chuyện về chuyến thăm vĩ tuyến 17 của lãnh tụ Fidel Castro

Google News

(Kiến Thức) - Đối với Việt Nam có lẽ lãnh tụ Fidel Castro là người bạn đặc biệt nhất vì ông là nguyên thủ đầu tiên thăm vĩ tuyến 17 khi nơi đây còn đặc mùi thuốc súng.

Đài truyền hình nhà nước Cuba đưa tin, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ Fidel Castro đã qua đời vào ngày 25/11 (giờ địa phương), hưởng thọ 90 tuổi. Sinh thời, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro luôn dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Tình cảm ấy được thể hiện qua những hành động, lời nói cụ thể, thấm đượm chân tình. Trong đó, không thể không kể đến chuyên thăm lịch sử tới vĩ tuyến 17 của nhà cách mạng lỗi lạc này.
Quyết tâm của lãnh tụ Fidel
Trong thời gian nước ta kháng chiến chống Mỹ, Cuba là một trong những nước dành cho ta sự ủng hộ chân thành và chí tình. Lãnh tụ Fidel của Cuba nhiều lần bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam nói chung và đặc biệt là miền Nam Việt Nam – nơi tuyến đầu kiên cường chống Mỹ. Tuy nhiên, niềm mong mỏi đó của Fidel phải tới năm 1973 mới thực hiện được.
Vào ngày 12/9/1973, sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết, quân Mỹ đã rút gần hết ra khỏi miền Nam, phái đoàn Cuba do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Fidel Castro dẫn đầu đã sang thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm này của Fidel không chỉ là để chúc mừng thắng lợi bước đầu của Việt Nam mà còn để thực hiện ước vọng từ lâu của ông.
Chuyen ve chuyen tham vi tuyen 17 cua lanh tu Fidel Castro
Lãnh tụ Fidel Castro thăm thị xã Đông Hà. Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, việc tổ chức cho lãnh tụ Fidel vào thăm miền Nam là một vấn đề không đơn giản. Để tránh cho ông gặp nguy hiểm, chúng ta đã quyết định bỏ chuyến thăm miền Nam ra khỏi chương trình làm việc của nhà cách mạng Fidel. Nhưng điều đó không nhận được sự đồng tình của ông.
Trong cuốn sách Tối mật những người Cuba trên đường Trường Sơn của Đại sứ Raul Valdes Vivo – người đã có 10 năm liền làm đại sứ Cuba từ Campuchia đến Việt Nam, đã cho biết quyết tâm của Fidel lúc đó: "Khi chỉ còn lại những người Cuba, tôi nói ngay cho Fidel biết điều đã xảy ra và tôi nói thêm: Ngoài cơn bão là một nguy cơ thật sự, không phải được bịa ra cũng không phải được tính trước, với ngập lụt ở miền Trung, bởi vì nước sông sẽ tràn qua rất nhiều con đê, một vấn đề nữa mà các đồng chí Việt Nam sợ là một cuộc tấn công của chế độ Sài Gòn vào đoàn đại biểu Cuba, có thể nguy hại tới tính mạng của Thủ lĩnh cách mạng Cuba.
Fidel lặng nghe tôi nói, rồi ông nói rằng cuộc đi thăm Việt Nam chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như ông đi thăm được miền Nam mặc dù luôn luôn có nguy hiểm. Đối với Fidel không có gì quan trọng nếu như bị ngập lụt và tắc đường ở miền Trung và phải về chậm vài ngày. Fidel tin tưởng vào nhân dân Cuba và biết rằng nhân dân Cuba sẽ rất phấn khởi biết rằng đoàn đại biểu đã đến được miền Nam”.
Cuối cùng Fidel nói: “Trong mọi trường hợp, dù là phải đi bộ chúng ta vẫn đi”.
Trước quyết tâm của lãnh tụ Fidel, các nhà lãnh đạo của chúng ta không còn cách nào khác, đành cố gắng để chuyến đi an toàn, thành công. Đại sứ Raul viết: “ Đồng chí Phạm Văn Đồng nghiêm nghị trở lại, liền cầm lấy hai bàn tay tôi. Tôi cảm thấy ông đang suy nghĩ rất lung, rồi nói: Cả hai chúng ta sẽ cùng liều lĩnh, không chỉ với cái chức chúng ta mà cả cái đầu của chúng ta”.
Chuyen ve chuyen tham vi tuyen 17 cua lanh tu Fidel Castro-Hinh-2
Nhà cách mạng Fidel tại căn cứ 241. Ảnh: TTXVN.
Và Thủ tướng quyết định lãnh tụ Fidel sẽ đi thăm miền Nam ngay ngày mai để tránh cơn bão sắp đổ bộ vào. Trong khi đó, theo đúng chương trình thì hôm sau Fidel sẽ thăm Hải Phòng. Ở đó đã chuẩn bị xong xuôi mọi việc đón tiếp. Đó lại là một trở ngại nữa. Tuy nhiên ông đại sứ Raul đã thuyết phục được Thủ tướng rằng vì chuyến thăm miền Nam, nhà cách mạng Fidel cũng đã phải hủy bỏ chuyến thăm Lào dù rằng ở khu giải phóng bên Lào, nhiều hang đá cũng đã được trang hoàng để đón tiếp.
Sau một hồi suy nghĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định: “Hãy nói với Fidel biết rằng ngày mai chúng ta sẽ ra đi sớm đến thăm vùng núi Sierra của chúng tôi. Tôi sẽ đón Fidel vào khoảng 8 giờ.”
Chuyến đi đặc biệt đến vĩ tuyến 17
Khoảng 9h30 sáng hôm sau, tại sân bay Gia Lâm, phái đoàn Cuba cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên chiếc máy bay An – 24 để bay vào Đồng Hới. Để giữ bí mật, báo chí đưa tin rằng lãnh tụ Fidel tiếp tục hội đàm với các lãnh đạo Hà Nội nên không thể tổ chức một lễ tiễn đưa long trọng được. Tuy nhiên, khi máy bay sắp cất cánh, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trường Chinh đã đến chúc đoàn may mắn.
Sau hơn 1 giờ bay, đồng chí Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn Cuba đáp xuống sân bay Đồng Hới. Từ đây, đoàn đi bằng xe Zép tới Vĩnh Linh rồi đi thăm Đông Hà, Cam Lộ cùng các căn cứ quân sự Mỹ mới được ta giải phóng.
Đại sứ Raul đã có những nhận xét rất hay khi ông ngắm 3 cây cầu trên đường vào Đông Hà: “Trên đường đi vào thị trấn Đông Hà, ba chiếc cầu đã phản ánh đầy đủ lịch sử Việt Nam: 1 chiếc rất cũ kỹ do Pháp xây dựng, 1 chiếc khác rất hiện đại do Mỹ xây, cả hai chiếc đều bị đánh sập và 1 chiếc cầu mới, cầu phao của Chính phủ Cách mạng lâm thời, nơi mà xe cộ đang đi qua”.
Chuyen ve chuyen tham vi tuyen 17 cua lanh tu Fidel Castro-Hinh-3
 Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel dự cuộc mít tinh tổ chức ngay tại căn cứ 241. Ảnh: TTXVN.
Sau Đông Hà, đoàn đến thăm căn cứ 241 hay còn gọi là căn cứ Tân Lâm. Ở đó, nhà cách mạng vĩ đại Fidel đã tiếp xúc với các sĩ quan và chiến sĩ Khu 5 và lắng nghe họ nói về diễn biến các trận đánh năm 1972. Cũng tại đó một cuộc mít tinh đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các chiến sĩ bộ đội. Cuộc mít tinh được tiến hành trước một quang cảnh ít thấy trong một căn cứ cũ của Mỹ với các hố bom chằng chịt, xe tăng cháy dở, quần áo quân phục rách bươm, mũ sắt, dây thép gai…
Tướng Trần Nam Trung – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo quyết định tặng Thủ tướng Cuba một chiếc xe tăng Mỹ khổng lồ M-48. Các chiến sĩ giải phóng cũng trao tặng lãnh tụ Fidel nhiều súng tự động Mỹ, món quà tặng của chiến tranh rất có giá trị khiến ông rất xúc động.
Sau khi đã thăm đất lửa Quảng Trị và gặp gỡ đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phái đoàn quay trở về. Trên đường ra, lãnh tụ Fidel dừng chân tại Đông Hà. Ngay lập tức hàng trăm người đã vây quanh và hô vang khẩu hiệu. Đại sứ Raul viết: “Giữa một bên là hiệu kem và một bên là ngôi nhà cũ của một sĩ quan cao cấp chế độ Sài Gòn, mọi người đã nói chuyện với Fidel về những trận đánh và về những công trình đang được thực hiện để xây dựng lại thành phố này.
Gạch và gỗ được vận chuyển đến liên tục. Bộ đội cùng với nhân dân xây dựng lại nhà cửa, sửa chữa mái nhà và khôi phục lại giao thông. Đó là quang cảnh ở Đông Hà”.
Trước khi rời miền Nam, đồng chí Fidel đã cùng các sĩ quan quân đội ta đi thăm một điểm tiền tiêu để ông có thể quan sát được rất gần các bốt gác của địch. Đây có lẽ là một việc nguy hiểm nhất trong hành trình vốn dĩ đã rất nguy hiểm của phái đoàn Cuba. Điều gì sẽ xảy ra nếu như các bốt gác đó thấy có điều nghi ngờ? Nhưng may mắn, chuyến thăm miền Nam của lãnh tụ Fidel đã an toàn và thành công tốt đẹp.
Với những cảm xúc và tình cảm sau chuyến đi vào trong vĩ tuyến 17, trong tiệc chiêu đãi của Nhà nước ta ở Hà Nội, lãnh tụ Fidel nói: “Chúng tôi đã thấy và đã gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng. Thật đúng là một quân đội cách mạng! Thật đúng là những chiến sĩ có hàng chục, hàng chục những anh hùng tuyệt diệu! Chúng tôi đã có dịp chuyện trò nhiều với họ và chúng tôi nhận thấy rằng những con người như thế không bao giờ có thể bị đánh bại… Chính tinh thần đó, khí phách đó của những chiến sĩ cách mạng khiến chúng tôi tin tưởng tuyệt đối hoàn toàn và chắc chắn rằng sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa vì quyền lợi thiêng liêng của nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi”.
Những cảm xúc đó, 40 năm sau, Fidel vẫn giữ vẹn nguyên trong lòng. Nhân kỷ niệm 40 năm chuyến thăm đặc biệt của mình tới miền Nam Việt Nam, ông đã có bài viết ôn lại kỷ niệm. Dẫn lại theo báo chí Cuba, báo Lao Động điện tử đăng bài Lãnh tụ Fidel Castro ôn lại chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Trong đó, lãnh tụ Fidel viết: “Chúng tôi đã gặp các người lính trẻ Việt Nam đầy vinh quang trong cuộc tấn công Quảng Trị. Điềm tĩnh, kiên quyết, rám nắng mặt trời và chiến tranh, một cái nheo nhẹ trên mi mắt của một tiểu đoàn trưởng, không thể hiểu được tại sao họ có thể chịu đựng được nhiều bom đạn đến thế. Họ xứng đáng được ngưỡng mộ”.
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)