Nửa khuya ngày 4 rạng ngày 5/1/1965, Charles Robert Jenkins, trung sĩ quân đội Mỹ trong lúc đi tuần tra tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm - là ranh giới phân chia hai miền Nam - Bắc Triều Tiên sau hiệp định đình chiến năm 1953 - đã đào tẩu sang Triều Tiên với ý định rất điên rồ là khi đến được Bình Nhưỡng, Jenkins sẽ vào Sứ quán Liên Xô xin tị nạn, tránh khỏi viễn cảnh sẽ bị điều động sang chiến trường Việt Nam.
Tuy nhiên, tính già hóa non, Jenkins đã phải “tị nạn” ở Bắc Triều Tiên suốt 39 năm ròng…
Ý tưởng điên rồ
“… Ca tuần tra của tôi hôm ấy bắt đầu từ 23 giờ ngày 4/1 đến 1 giờ ngày 5/1/1965…”, Jenkins mở đầu câu chuyện: “Ý định bỏ trốn sang Bắc Triều Tiên đã xuất hiện trong tôi từ 2 tuần trước, khi tôi nghe thiếu tá Davis Kipling, chỉ huy trưởng đơn vị lính Mỹ chúng tôi ở Bàn Môn Điếm nói rằng tôi và một số người nữa sẽ được chuyển sang Việt Nam”.
Thời điểm ấy, miền Nam Việt Nam đã có sự xuất hiện của cố vấn Mỹ ở cấp tiểu đoàn trong quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng các nhóm nhỏ Lực lượng đặc biệt Mỹ - hoạt động chủ yếu là xâm nhập vào những vùng thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để thu thập tin tình báo, đồng thời xây dựng, huấn luyện và vũ trang cho một số người dân tộc Tây Nguyên để hình thành những đơn vị “Dân sự chiến đấu” - nhưng các tin đồn về việc Tổng thống Johnson sẽ gửi một sư đoàn Thủy quân lục chiến đến Đà Nẵng đã rộ lên trên các phương tiện truyền thông.
Mặc dù chưa biết Việt Nam nằm ở đâu nhưng trước viễn cảnh phải cầm súng đánh nhau đã khiến Jenkins không khỏi lo sợ. Ông kể: “Ở đây - tức Bàn Môn Điếm - nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là phối hợp với lính Hàn Quốc tuần tra canh gác đường biên giới, còn lính Bắc Triều Tiên cũng vậy, chẳng ai đụng chạm đến ai. Bây giờ nếu phải sang Việt Nam, tôi không biết mình còn có ngày về hay không…”.
|
Jenkins khi còn là trung sĩ quân đội Mỹ ở Bàn Môn Điếm và Hitomi Soga lúc đang theo học ngành điều dưỡng ở Nhật Bản. |
Để tăng thêm can đảm, trước lúc đến phiên gác, Jenkins uống một mạch 10 lon bia. Tiếp theo, sau khi nhận bàn giao từ người lính phiên gác trước, anh ta tháo bỏ băng đạn trong khẩu súng Carbine M2 rồi khoác lên vai, mũi súng chĩa xuống đất để chứng tỏ với phía Bắc Triều Tiên là mình không có ý định gây hấn.
Jenkins kể: “Gần 12 giờ khuya, tôi chui qua thanh barie chắn ngang phía Hàn Quốc rồi bắt đầu đi. Thật lạ lùng, tôi cứ đi như thế suốt gần 4km trên đất Bắc Triều Tiên mà chẳng thấy bóng một người nào cả. Ý định của tôi lúc ấy là nếu gặp họ, tôi sẽ nói tôi là lính Mỹ đào ngũ và xin họ dẫn tôi đến Sứ quán Liên Xô”.
Theo thông lệ trong Chiến tranh Lạnh, lính Mỹ đào ngũ mà chạy sang phía Liên Xô thì người Nga sẽ trả họ lại cho Mỹ. Như vậy, Jenkins sẽ không phải sang Việt Nam mặc dù chắc chắn sẽ bị tước quân hàm, quân tịch và có thể còn phải ra tòa án quân sự.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 5/1, Jenkins bị bắt bởi một nhóm lính Bắc Triều Tiên. Năm đó Jenkins 25 tuổi. Sau khi tịch thu khẩu súng rồi kiểm tra khắp người anh ta, họ yêu cầu Jenkins tháo đồng hồ đeo tay, cởi giày rồi dẫn giải về một doanh trại.
Do ngôn ngữ bất đồng, Jenkins không thể làm cho nhóm lính Bắc Triều Tiên hiểu được ý định của mình mặc dù anh ta đã cố gắng diễn tả bằng các động tác.
Jenkins nói: “Lúc ấy tôi chưa biết là tất cả mọi người Mỹ chạy sang Bắc Triều Tiên đều bị nghi ngờ là gián điệp trá hình. Chỉ đến khi Cơ quan Phản gián Bắc Triều Tiên làm xong công việc thẩm tra thì số phận của kẻ đào tẩu mới được định đoạt”.
Tình già hóa non
9 giờ sáng ngày 5/1, một sĩ quan phản gián Bắc Triều Tiên đến gặp Jenkins. Nghe trình bày về động cơ đào tẩu xong, viên sĩ quan đưa Jenkins ra xe rồi chở thẳng anh ta vào… trại giam! Ở đó, Jenkins bị giam chung với 3 lính Mỹ khác - cũng là những người đào tẩu - gồm Jerry Wayne Parrish, 19 tuổi; Larry Abshier, 19 tuổi và James Dresnok, 21 tuổi.
|
Vợ chồng Jenkins và con gái đầu lòng trên một bãi biển ở CHDCND Triều Tiên năm 1984. |
Những ngày tiếp theo, các cuộc hỏi cung liên tục diễn ra và trong suốt 3 năm sau đó, hàng trăm lần Jenkins phải trả lời những người thẩm vấn anh ta về nhân thân, gia đình, về đơn vị lính Mỹ ở Bàn Môn Điếm đang phục vụ cùng họ tên, sở thích, tính tình của các cấp chỉ huy.
Jenkins kể: “Trong vài lần hỏi cung đầu tiên, tôi ngỏ ý muốn xin gặp người đại diện Sứ quán Liên Xô thì sĩ quan phụ trách thẩm vấn tôi lắc đầu: “Ở đây chẳng có người Nga nào cả và cũng chẳng ai nhận anh đâu. Đừng thắc mắc về vấn đề ấy nữa”.
Bước sang năm thứ 4, có vẻ như việc thẩm tra đã kết thúc và phía Bắc Triều Tiên tin rằng Jenkins chỉ là một kẻ đào ngũ vô hại nhằm tránh khỏi bị đưa sang Việt Nam. Jenkins cho biết, anh ta bắt đầu được cho học lịch sử Triều Tiên, nguyên nhân của cuộc chiến tranh Triều Tiên với Mỹ, học và thảo luận các bài viết của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung).
“Giảng viên hướng dẫn chúng tôi là một người đàn ông Bắc Triều Tiên tính tình tương đối dễ chịu, nói tiếng Anh rất chuẩn. Nhưng có lần Jerry Wayne Parrish phát âm sai một từ bằng tiếng Triều Tiên thì lập tức ông ta bắt cả 4 chúng tôi phải lặp đi lặp lại từ ấy trong suốt 16 tiếng liền thay vì chỉ học mỗi ngày 10 tiếng”.
Đầu năm thứ 8 kể từ ngày đào tẩu, Jenkins được chọn đi dạy tiếng Anh cho một lớp gồm các sĩ quan Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Jenkins cũng được công nhận là “công dân Bắc Triều Tiên” và được cấp một căn nhà.
Khi Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) thay cha lên nắm quyền, nhà lãnh đạo này tỏ ra tin tưởng về hiệu quả tuyên truyền của phim ảnh nên Jenkins được gọi đi… đóng phim!
Trong loạt phim sử thi mang tên “Những anh hùng Unsung - Unsung Heroes”, Jenkins thủ vai tiến sĩ Kelton, một nhà tư bản Mỹ quyết tâm ủng hộ cuộc chiến Triều Tiên để làm giàu cho các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ. Jenkins nhớ lại: “Sau phần đầu tiên của bộ phim Unsung Heroes, mỗi lần ra phố thì nhiều người dân gọi tôi bằng tiếng Triều Tiên: “Kelton Bacsa - Tiến sĩ Kelton”, thậm chí họ còn xin chữ ký của tôi nữa”.
Năm 1980, một sự kiện lớn xảy ra. Jenkins nhớ lại là hôm ấy, Cơ quan an ninh Bắc Triều Tiên đưa một cô gái đến gặp ông. Ông kể: “Họ nói là đã đến lúc tôi phải lấy vợ. Qua trò chuyện, tôi được biết tên cô ấy là Hitomi Soga, người Nhật, đang học điều dưỡng thì bị các điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc hồi năm 1978 khi đi thực tập tại bệnh viện trên đảo Sado, Nhật Bản”.
38 ngày sau khi gặp nhau, Jenkins và Soga kết hôn. Lúc ấy Jenkins 40 tuổi còn Soga 21 tuổi. Năm 1983, họ sinh con gái đầu lòng là Roberta Mika Jenkins rồi năm 1985, họ có tiếp đứa con gái thứ hai là Brinda Carol Jenkins. Thời điểm đó, Bắc Triều Tiên rơi vào nạn đói triền miên nhưng gia đình Jenkins vẫn được cung cấp gạo, thức ăn và quần áo. Tuy nhiên họ không được đi ra khỏi nhà quá 50km và không được phép tiếp xúc với bất kỳ người phương Tây nào nếu họ tình cờ gặp trên đường phố.
Trở về
Năm 2002, trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi, diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-il đã đồng ý cho những công dân Nhật bị bắt cóc được trở về.
Jenkins nói: “Nhưng chỉ một mình vợ tôi, còn tôi và hai con gái vẫn phải ở lại”. Theo bà Hitomi Soga, ngay khi về đến Nhật, bà đã vận động các chính trị gia Nhật Bản để họ tác động với Bắc Triều Tiên, cho phép gia đình bà được đoàn tụ nhưng phải mất 2 năm sau - 2004 - Bắc Triều Tiên mới đồng ý để Jenkins cùng 2 con gái đi Nhật.
|
Gia đình Jenkins ngày đoàn tụ. |
Ngày 21/7/2004, chiếc máy bay chở Jenkins cùng Roberta Mika Jenkins và Brinda Carol Jenkins hạ cánh xuống sân bay Haneda Tokyo. 39 năm kể từ khi đào tẩu - ngày 11/9/2004 - Jenkins lúc này 64 tuổi, đến trước cổng căn cứ Zama trên đảo Sado, Nhật Bản, là nơi đồn trú của một đơn vị quân đội Mỹ. Ông nói với trung tá Paul Nigara, chỉ huy trưởng: “Thưa trung tá, tôi là trung sĩ Charles Robert Jenkins. Tôi đến để trình diện”.
Và cũng như ở Bắc Triều Tiên, Jenkins phải trải qua những lần thẩm vấn bởi Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ. Ông bị buộc tội đào ngũ sang phía kẻ thù, giúp đỡ kẻ thù, phản bội tổ quốc với mức án tử hình.
Tuy nhiên khi ra trước vành móng ngựa hôm 3/11/2004, tòa án quân sự Mỹ chỉ phạt ông 30 ngày tù giam với tội danh đào ngũ, dạy tiếng Anh và đóng phim tuyên truyền cho Bắc Triều Tiên.
Jenkins được tha sau 25 ngày ngồi tù vì hạnh kiểm tốt. Trở về với vợ và 2 con gái, nơi vợ ông mở một quầy bán bánh quy gạo Senbei cho khách du lịch tại công viên Mano trên đảo Sado, ông nói: “Ngày 14/6/2005, tôi đưa vợ và 2 con gái sang thăm mẹ tôi ở bang North Carolina, Mỹ. Năm đó bà đã 91 tuổi. Tôi muốn ở lại Mỹ nhưng vợ tôi không chịu vì nếu sống ở Mỹ, tôi không có tiền để bảo đảm cho gia đình. Vì vậy tôi quyết định quay lại Sendo, hàng ngày ra quầy hàng mời khách du lịch mua bánh quy gạo. Rất may là câu chuyện của vợ chồng tôi được báo chí Nhật đồng loạt đăng tải nên chúng tôi rất đắt hàng”.
Ngày 11/12/2017, Jenkins chết vì một cơn đau tim. So với 3 lính Mỹ cũng đào tẩu sang Bắc Triều Tiên và từng bị giam chung với ông thì ông là người hạnh phúc nhất bởi lúc chết, vợ con ông đều có mặt bên ông.
Sau này, thông qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế, người ta được biết lính Mỹ Abshier chết vì một cơn đau tim năm 1983, Parrish chết vì bệnh thận năm 1998 và Dresnok chết do một cơn đột qụy năm 2016. Tất cả 3 người đều được chôn cất ở Bắc Triều Tiên.
4 tháng trước lúc chết, khi căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Kim Jong-Un và nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang lên đến đỉnh điểm, Jenkins đã trả lời một cuộc phòng vấn của tờ Los Angeles Times: “Đừng coi thường Bắc Triều Tiên. Tôi đã sống 39 năm với họ. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì họ muốn làm…”.