|
Ảnh minh họa |
1. Biết quan tâm đến mọi người
Khi làm việc trong môi trường công sở, bạn đừng quên quan tâm đến những người đồng nghiệp của mình. Hãy học cách quan tâm và học cách cư xử khéo léo, nhã nhặn với tất cả mọi người, từ bác bảo vệ đến sếp của bạn.
2. Lạc quan, vui vẻ
Luôn giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ sẽ giúp bạn dồi dào năng lượng, làm việc với tinh thần cao nhất và hạn chế bị áp lực trong công việc. Khi đồng nghiệp thấy bạn tích cực, họ sẽ cảm thấy thoải mái và nhận được nguồn năng lượng từ bạn.
3. Không tán tỉnh đồng nghiệp đã có gia đình
Với những người đã có gia đình, không nên "ỡm ờ", không thể hiện sự quá thân thiết với họ, tránh tạo dư luận không tốt ở môi trường công sở.
4. Không khoe khoang về thu nhập
Khi bạn khoe khoang bạn nhận được mức lương cao, tiền thưởng nhiều, bạn sẽ khiến nhiều đồng nghiệp khó chịu, có tâm lý so sánh. Đừng công khai số tiền bạn được nhận ở công ty, cơ quan, tránh việc trở thành người thiếu tế nhị và bị cô lập.
5. Không nói xấu lãnh đạo và đồng nghiệp
Đây là cách ứng xử nơi công sở bạn phải thấu hiểu ngay từ những ngày đầu đến công ty. Sẽ chẳng có gì hay nếu bạn hết chê bai người này lại nói xấu người khác. Bạn có thể mất điểm trầm trọng trong mắt mọi người. Bạn cũng nên hạn chế tụ tập tán gẫu để không trở thành "bà tám" trong mắt lãnh đạo và đồng nghiệp.
6. Làm việc hết sức, chơi hết mình
Khi bạn làm việc chăm chỉ, mang lại kết quả, lợi ích cho công ty, bạn sẽ nhận được sự tin cậy và tôn trọng từ sếp lẫn đồng nghiệp. Tuy nhiên, khi đã hết mình vì công việc thì đừng quên cùng đồng nghiệp "xả stress". Điều này không chỉ giúp bạn làm thân với đồng nghiệp mà còn giúp môi trường công sở thêm thoải mái, cởi mở hơn.
7. Giữ lời hứa
Tại môi trường công sở, việc giữ lời hứa và chữ "tín" đóng vai trò quan trọng, bắt nguồn từ việc tuân thủ cam kết và thực hiện những gì đã hứa một cách đúng hẹn. Điều này không chỉ tạo dựng sự tin tưởng trong mối quan hệ với đồng nghiệp và đối tác, mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp, trách nhiệm trong công việc.
8. Không chia bè, kết phái
Việc thiết lập mối quan hệ công bằng và không thiên vị giữa các đồng nghiệp giúp duy trì môi trường làm việc lành mạnh. Bằng cách tránh sự ưu ái không cần thiết cho một nhóm nhỏ, bạn sẽ đảm bảo sự công bằng, tôn trọng đối với tất cả mọi người. Điều này tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy tinh thần hợp tác và sáng tạo trong tổ chức.
9. Tránh phê bình đồng nghiệp trước mặt người khác
Tại nơi làm việc, việc nhận xét người khác đòi hỏi sự nhạy bén và tế nhị để tránh gây ra hiểu lầm hoặc xung đột không cần thiết. Khi đưa ra nhận xét, bạn cần chú ý đến cách sử dụng từ ngữ lịch sự và tích cực, tránh sử dụng ngôn ngữ gây tổn thương hoặc xúc phạm. Bạn nên tập trung vào những khía cạnh tích cực của đồng nghiệp và đưa ý kiến một cách xây dựng, chân thành. Nếu cần phải đưa ra góp ý hoặc phê phán, bạn hãy thực hiện một cuộc trò chuyện riêng tư để tạo sự thoải mái cho cả hai bên.
10. Kiểm soát lời nói
Kiểm soát lời nói đồng nghĩa với việc bạn tránh sử dụng ngôn từ gây hiểu lầm hoặc xúc phạm, hạn chế việc nói về những chủ đề nhạy cảm. Ngoài ra, bạn cần tập trung vào việc truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và chính xác, tránh ngôn từ phân biệt hoặc chỉ trích không cần thiết. Kiểm soát lời nói không chỉ giúp duy trì sự tôn trọng trong môi trường làm việc mà còn giúp xây dựng tinh thần đồng đội, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các thành viên.
11. Giữ bí mật của đồng nghiệp
Công sở không chỉ là nơi để làm việc mà còn là nơi có những mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè. Do đó, nếu bạn được đồng nghiệp của mình tin tưởng và chia sẻ những câu chuyện riêng tư, bí mật thì hãy thận trọng và giữ bí mật nhé. Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với câu chuyện của người kể và thể hiện chữ "tín" của bản thân.