Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng, Đế chế La Mã không hẳn đã suy tàn vào năm 476 SCN, bởi nửa phía Đông của đế chế này vẫn tồn tại thêm một nghìn năm nữa dưới tên gọi Đế chế Byzantine.
Dù những câu hỏi về việc Đế chế này sụp đổ như thế nào và vào lúc nào vẫn đang là đề tài tranh luận, một vài giả thiết nổi bật nhất đã lý giải về sự suy yếu và tan rã của Đế quốc Tây La Mã. Cùng tìm hiểu 8 lý do dưới đây để biết tại sao cuối cùng một trong những đế chế huyền thoại nhất trong lịch sử lại suy tàn.
Cuộc xâm lăng của các man tộc
Giả thuyết xác đáng nhất cho sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã gắn với một chuỗi những lần thất trận khi chống lại các thế lực bên ngoài. Cuộc đấu tranh giữa Rome với các bộ tộc Germanic (Giéc-manh) kéo dài hàng thế kỷ, nhưng tới những năm 300, các “man tộc” như người Goth đã tràn sâu vào trong biên giới của Đế quốc Tây La Mã.
Vào cuối thế kỷ thứ 4, người La Mã đã chế ngự được cuộc nổi dậy của người Germanic, nhưng đến năm 410, vua Alaric của Visigoth đã tổ chức thành công một cuộc cướp phá thành Rome.
Trong vài thập kỷ sau đó, Đế quốc Tây La Mã liên tục phải gánh chịu sự đe dọa trước khi “Thành phố Vĩnh hằng” (Eternal City) này bị tấn công lần nữa bởi người Vandal vào năm 455.
Cuối cùng, đến năm 476, người đứng đầu tộc Germanic là Odoacer đã tiến hành một cuộc nổi loạn và truất ngôi Hoàng đế của Romulus Augustulus. Kể từ đó trở về sau, không còn vị Hoàng đế La Mã nào giành lại được quyền cai trị ở Italia, dẫn tới việc nhiều người trích dẫn năm 476 là thời điểm Đế quốc Tây La Mã sụp đổ.
Những khó khăn về kinh tế và sự quá lệ thuộc vào lao động nô lệ
Trong khi bị các thế lực từ bên ngoài tấn công, Rome cũng bị mục ruỗng từ bên trong do xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Những cuộc chiến liên tiếp xảy đến cùng với bội chi dẫn đến tình trạng ngân khố hoàng gia bị thâm hụt nặng, ngoài ra, sưu cao thuế nặng và tình trạng lạm phát đã làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Với hi vọng trốn thuế, nhiều người thuộc tầng lớp giàu có đã bỏ trốn tới vùng quê và lập nên các thái ấp độc lập. Cùng thời gian này, Đế chế còn bị lung lay do thiếu lao động. Nền kinh tế của Rome phụ thuộc vào nô lệ trong hoạt động cày cấy, làm nghề thủ công, và sức mạnh quân đội thường mang lại những tù binh mới để phục vụ lao động.
Thế nhưng, quá trình mở rộng lãnh thổ chững lại trong thế kỷ thứ 2 khiến nguồn cung ứng nô lệ của Rome và các chiến lợi phẩm bắt đầu cạn kiệt. Một tai ương khác ập tới vào thế kỷ thứ 5 khi người Vandal chiếm được khu vực Bắc Phi và trở thành cướp biển tại vùng biển Địa Trung Hải khiến hoạt động giao thương của đế chế bị gián đoạn.
Với tình hình kinh tế chao đảo, sản xuất nông nghiệp và hoạt động thương mại giảm sút, Đế quốc Tây La Mã bắt đầu mất đi vị thế của mình ở châu Âu.
Sự trỗi dậy của Đế quốc Đông La Mã
Số phận của Đế quốc Tây La Mã phần nào được định đoạt vào cuối thế kỷ thứ 3, khi Hoàng đế Diocletian chia cắt Đế chế La Mã thành hai phần lãnh thổ – Đế quốc Tây La Mã có thủ đô là Rome, Đế quốc Đông La Mã là Byzantium, sau này được gọi là Constantinople.
Bằng cách phân chia này, việc cai trị trở nên dễ dàng hơn trong ngắn hạn, nhưng hai vùng bắt đầu trở nên cách xa nhau theo thời gian. Đế quốc Đông và Tây La Mã không còn đồng lòng hợp tác trong cuộc chiến chống lại những mối đe dọa bên ngoài, và hai bên còn thường tranh cãi nhau về các nguồn lực và việc hỗ trợ quân sự.
Khi sự khác biệt ngày càng lớn, Đế quốc Đông La Mã – quốc gia phần lớn nói tiếng Hy Lạp đã phát triển hưng thịnh, trong khi Đế quốc Tây La Mã nói tiếng La-tinh lại rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Quan trọng hơn cả, sức mạnh của Đế quốc Đông La Mã đã khiến các cuộc xâm lược của các man tộc chuyển sang phía Tây.
Các hoàng đế như Constantine luôn đảm bảo rằng thành phố Constantinople được đặt dưới sự bảo vệ kỹ càng và kiên cố, còn Italia và Rome – nơi chỉ có giá trị biểu trưng đối với nhiều người ở phía Đông – lại trở thành khu vực dễ bị tổn thương.
Cuối cùng, cơ cấu chính trị của Đế quốc Tây La Mã tan rã vào thế kỷ thứ 5, trong khi đó, Đế quốc Đông La Mã tồn tại thêm một nghìn năm nữa trước khi bị Đế chế Ottoman lấn át vào những năm 1400.
Mở rộng quá mức và ‘vung tay quá trán’ vào quân sự
Trong thời kỳ đỉnh cao, Đế chế La Mã trải dài từ Đại Tây Dương tới sông Euphrates ở Trung Đông, nhưng việc bành trướng này có thể cũng là dấu chấm hết của một đế chế. Với việc cai quản một vùng đất rộng lớn như vậy, đế chế phải đối mặt với một cơn ác mộng về hành chính lẫn hậu cần.
Ngay cả với các hệ thống đường sá có chất lượng cũng không thể giúp người La Mã di chuyển đủ nhanh và hiệu quả để quản lý lãnh thổ của mình. Rome gặp khó khăn trong việc tập hợp đủ số lượng binh lính và nguồn lực nhằm bảo vệ biên giới trước các cuộc nổi loạn địa phương và các cuộc tấn công từ bên ngoài, và vào thế kỷ thứ 2, Hoàng đế Hadrian buộc phải dựng lên bức tường thành nổi tiếng của mình tại Anh chỉ để cách ly kẻ thù.
Khi số tiền đế chế dùng để duy trì quân đội ngày càng lớn, tốc độ phát triển về tiến bộ kỹ thuật theo đó chậm lại, và các cơ sở hạ tầng dân dụng rơi vào tình trạng xuống cấp.
Tham nhũng trong chính phủ và bất ổn chính trị
Nếu như quản lý một vùng lãnh thổ rộng lớn đối với Rome là khó khăn, thì sự lãnh đạo không nhất quán và kém hiệu quả càng khiến cho vấn đề thêm trầm trọng. Ngôi vị Hoàng đế La Mã luôn là công việc đặc biệt nguy hiểm, và trong bối cảnh rối ren của thế kỷ thứ 2 và thế kỷ thứ 3, vị trí này gần như trở thành bản án tử.
Cuộc nội chiến đã đẩy đế chế vào tình trạng hỗn loạn, chỉ trong vòng 75 năm đã có hơn 20 người lên ngôi hoàng đế, thường là sau khi sát hại người tiền nhiệm. Ngay cả đội Hộ vệ có nhiệm vụ canh gác và bảo vệ hoàng đế cũng ra tay ám sát và tùy ý tấn phong các hoàng đế mới, thậm chí còn bán đấu giá vị trí này cho ai trả giá cao nhất.
Sự mục nát về chính trị còn lan cả sang Viện Nguyên Lão (Roman Senate), nơi cũng không thể kiểm soát được số lượng của các hoang đế do nạn tham nhũng cũng như năng lực yếu kém của cơ quan này.
Khi tình hình xấu đi, niềm tự hào của công dân suy giảm, nhiều công dân La Mã mất đi lòng tin vào giới lãnh đạo.
Người Huns xuất hiện và sự di cư của các man tộc
Các đợt tấn công của các man tộc vào Rome một phần xuất phát từ việc người Huns xâm chiếm châu Âu và gây ra cuộc di cư ồ ạt vào cuối thế kỷ thứ 4.
Khi các chiến binh Á – Âu này càn quét tới Bắc Âu, họ đã đánh đuổi nhiều bộ tộc Germanic tới biên giới của Đế chế La Mã. Người La Mã bất đắc dĩ để người của bộ tộc Visigoth băng qua phía Nam sông Danube và đến khu vực an toàn thuộc lãnh thổ của đế chế La Mã, nhưng họ lại đối xử rất thô bạo với người Visigoth.
Theo nhà sử học Ammianus Marcellinus, nhiều viên chức La Mã thậm chí còn buộc những người Goth đói khát phải bán con làm nô lệ để đổi lấy thịt chó. Do đối xử tàn ác với người Goth, người La Mã đã tạo ra kẻ thù nguy hiểm ngay trong chính biên giới của mình.
Khi sự áp bức trở nên quá sức chịu đựng, người Goth nổi dậy và họ cuối cùng đã đánh tan quân đội La Mã và giết Hoàng đế Valens của Đế quốc Đông La Mã trong cuộc chiến Adrianople vào năm 378 SCN.
Trước cú sốc ấy, người La Mã đã thương thuyết một hòa ước tạm thời với các man tộc, nhưng thỏa hiệp ngừng chiến bị đổ vỡ vào năm 410 khi vua Alaric của Goth kéo quân về phía tây và chiếm đóng Rome.
Với sự suy yếu của Đế quốc Tây La Mã, các bộ tộc Germanic như Vandals và Saxon đã có thể tràn qua biên giới của đế quốc này và chiếm Anh, Tây Ban Nha và Bắc Phi.
Thiên chúa giáo và những giá trị truyền thống bị đánh mất
Sự suy tàn của Rome đi đôi với sự nở rộ của đạo Thiên chúa, và một số người cho rằng sự trỗi dậy của đức tin mới này cũng góp phần vào sự sụp đổ của đế chế.
Sắc lệnh Milan đã hợp pháp hóa Thiên chúa giáo vào năm 313 và biến nó trở thành quốc giáo vào năm 380. Những sắc lệnh này đã chấm dứt nhiều thế kỷ của tình trạng đàn áp Thiên chúa giáo, nhưng chúng cũng đã làm xói mòn các hệ giá trị La Mã truyền thống.
Thiên chúa giáo thay thế Đa thần giáo La Mã, thứ vốn coi hoàng đế như thần thánh, đồng thời chuyển sang tôn thờ Chúa trời độc tôn thay vì nhà vua như trước đây. Cùng với đó, Giáo hoàng và những người đứng đầu giáo hội cũng đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề chính trị, càng làm cho việc cai trị trở nên phức tạp hơn.
Nhà sử học thế kỷ 18 Edward Gibbon là người đề xướng nổi tiếng nhất của giả thiết này, nhưng kể từ đó, quan điểm của ông đã gặp nhiều chỉ trích. Tuy việc truyền bá Thiên chúa giáo có thể đã đóng một vai trò nhỏ trong việc làm xói mòn phẩm chất công dân La Mã, nhưng đa phần các học giả ngày nay cho rằng, ảnh hưởng của nó bị lu mờ nếu so với những yếu tố về hành chính, kinh tế và quân sự.
Sự suy yếu của quân đoàn La Mã
Mặc dù phần lớn ghi chép trong sử sách đều nói Rome sở hữu quân đội đáng ghen tị trong thế giới cổ đại, nhưng trong giai đoạn suy tàn, hình ảnh của những quân đoàn La Mã hùng dũng bắt đầu có sự đổi khác. Khi không còn khả năng tuyển đủ binh lính từ dân chúng, các vị hoàng đế như Diocletian và Constantine tiến hành thuê các đội quân đánh thuê từ nước ngoài nhằm củng cố quân đội.
Hàng ngũ quân đoàn La Mã cuối cùng đã đầy những người Goth và các man tộc khác, nhiều tới nỗi người La Mã phải dùng từ La-tinh “barbarus” (“người mọi”) thay cho “soldier” (binh lính) để gọi họ.
Dù các binh lính gốc Germanic này đều là các chiến binh hung bạo, nhưng họ lại rất ít hoặc không hề trung thành với đế chế, những viên chỉ huy đói khát quyền lực người Germanic thường trở mặt với những ông chủ La Mã của mình.
Trên thực tế, nhiều người trong các man tộc cướp phá thành Rome và lật đổ Đế quốc Tây La Mã từng có hàm tước khi còn phục vụ trong các quân đoàn La Mã.