Trong thế kỷ thứ 3, quân đội La Mã sở hữu 450.000 bộ binh và 45.000 lính hải quân. Nhưng rốt cuộc nhà nước ấy cũng không tránh khỏi quy luật hưng vong của lịch sử, đạt cực thịnh dưới Triều đại Trajan (98 – 117 sau Công nguyên) để rồi bị diệt vong dưới tay các man tộc.
Sự lớn mạnh của các man tộc
Đấu trường La Mã.
La Mã là một hình mẫu chói lọi cho sự ưu việt về văn hóa, công nghệ và xã hội đương thời. Năm 356, thành phố này có 28 thư viện, 10 vương cung thánh đường, 11 bể bơi công cộng, 2 nhà hát ngoài trời, 3 rạp hát, 2 rạp xiếc (rạp Maximus có sức chứa 150.000 người và rạp Colosseum có 50.000 chỗ ngồi), 19 cống dẫn nước, 11 quảng trường công cộng, 1.352 đài phun nước và 46.602 tòa nhà dân cư. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ sau đó, những kẻ xâm lược man tộc đã khai tử đế quốc này, biến La Mã thành một đống hoang tàn.
Đến nay, những nguyên nhân khiến đế quốc La Mã sụp đổ vẫn là vấn đề lịch sử trọng đại đang được thảo luận. Dẫu vậy, người ta vẫn có thể xác định một số căn nguyên chính khiến đế quốc này không thể đương đầu với những thách thức chí tử, trong đó có bốn yếu tố nổi bật: Mối đe dọa bên ngoài đối với các đường biên giới phía tây của đế quốc đang thay đổi; những cuộc nội chiến liên tiếp giữa những người tranh giành ngai vàng; hoạt động di cư và định cư bên trong các đường biên giới đế quốc của các man tộc lớn khác biệt về văn hóa và có vũ trang; sự suy kiệt nguồn nhân lực và nguồn thu thuế của đế quốc vốn cần thiết để duy trì, bảo vệ và cai quản nhà nước La Mã.
Người La Mã gọi khu vực nằm ngoài đường biên giới phía tây của đế quốc dọc các con sông Rhine và Danube là vùng đất của các man tộc, chủ yếu là những người nói tiếng Đức sống thưa thớt trong những ngôi làng nhỏ. Dân số của họ bị hạn chế bởi những kỹ thuật nông nghiệp thô sơ. Chỉ sử dụng lưỡi cày gỗ, người nông dân German không thể làm cho đất trở nên phì nhiêu. Khi đất nhanh chóng bạc màu không thể duy trì sản lượng nông nghiệp cần thiết, thì họ buộc phải di cư qua từng thế hệ để tìm kiếm những vùng đất màu mỡ hơn.
Quy mô dân số nhỏ cùng với thói quen du cư của các bộ lạc German đã kìm hãm sự phát triển của các cấu trúc chính trị. Chính quyền chỉ mang tính cục bộ, chủ yếu bao gồm các tộc trưởng nhưng quyền lực của họ bị hạn chế bởi hội đồng cố vấn, là những người được lựa chọn từ các thành viên bộ tộc có vai vế khác. Một tộc trưởng đơn lẻ không có đủ tiền của và nhân lực để thành lập một nhóm chiến binh chỉ trung thành với ông ta. Thay vào đó, các chiến binh thị tộc quy tụ lại với nhau khi hoàn cảnh đòi hỏi. Những nhóm này thường có quy mô nhỏ và chỉ có thể tiến hành các cuộc đột kích hạn chế. Trong một số trường hợp, các bộ lạc cung cấp chiến binh phục vụ một cách hạn chế trong quân đội La Mã.
Người La Mã sử dụng trợ cấp, huân chương quân đội và các cuộc viễn chinh trừng phạt để đảm bảo lòng trung thành của các bộ lạc, đồng thời thường xuyên kích động họ đối đầu với nhau. Các bộ lạc German ở dọc biên giới phía tây không gây ra mối đe dọa nào đối với các doanh trại La Mã và quy mô dân số hạn chế của những bộ lạc này không làm bùng phát hoạt động di cư ồ ạt. Trên thực tế, người La Mã đôi khi cho các nhóm nông dân nhỏ định cư ở bên trong đường biên giới của đế quốc.
Nhưng đến thế kỷ thứ 3, tình hình trong khu vực này đã thay đổi. Sự hiện diện của các doanh trại và thương nhân La Mã đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của các bộ lạc ở biên giới. Các doanh trại trở thành những thị trường lớn cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, kim loại, nô lệ và tân binh. Việc áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp của La Mã – cày sắt lưỡi sâu, phân bón và tưới tiêu – dẫn đến những trang trại lớn hơn, lương thực dồi dào, bùng nổ dân số bộ lạc và sự xuất hiện của các thị trấn. Tất cả góp phần chấm dứt xu hướng du cư nông nghiệp truyền thống của các thị tộc và làm ổn định dân số.
Các bộ lạc lớn hơn cần tới những cấu trúc chính trị và tổ chức phức tạp hơn. Một trong những bước phát triển quan trọng là việc các thủ lĩnh bộ lạc giàu có nay đã có khả năng hỗ trợ các nhóm chiến binh lớn. Đến cuối thế kỷ thứ 2, dân số của các bộ lạc dọc vùng biên thùy phía tây của đế chế La Mã gia tăng đáng kể. Khi các thủ lĩnh bộ lạc kết thành liên minh, dưới sự chỉ huy của những nhà lãnh đạo được bầu ra, thì những liên minh này có thể dễ dàng gây dựng các đội quân đông tới 10.000 người.
Đồng thời, việc phát hiện các trữ lượng quặng kim loại lớn nằm bên ngoài đường biên giới của đế quốc đã giúp sản sinh ra ngành công nghiệp quân dụng. Chỉ hai mỏ quặng nằm trong các đường biên giới ngày nay của Ba Lan đã tạo ra hơn 7.000 tấn sắt trong thời kỳ La Mã. Trước sự phát hiện này, các vũ khí bằng kim loại được sản xuất đơn lẻ, đắt đỏ và bị chính quyền La Mã kiểm soát nghiêm ngặt.
Những hiểm họa khôn lường
Đến thế kỷ thứ 3, các nhà máy địa phương dọc biên giới đã sản xuất hàng nghìn vũ khí, chủ yếu là dao kiếm và lưỡi giáo, không chỉ trang bị cho các doanh trại La Mã mà còn cung cấp cho các chiến binh bộ lạc.
Chỉ cần các thị tộc phục tùng đế quốc và hạn chế các cuộc đột kích thì họ không phải là mối đe dọa đối với La Mã. Nhưng trước sức ép của các bộ lạc khác muốn cướp phá hoặc tìm kiếm những miền đất tốt hơn, các thị tộc lớn dọc biên giới bắt đầu trở thành mối đe dọa, xuất phát từ sự di cư ồ ạt vào biên giới của đế quốc.
Các thủ lĩnh bộ lạc, đến thời điểm này có thể hậu thuẫn và trang bị cho các quân đội có quy mô đáng kể, đã áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và toàn thời gian của La Mã. Kết quả là sự ra đời của các lực lượng vũ trang bán chuyên nghiệp với các chỉ huy từng phục vụ trong quân đội La Mã. Một ví dụ của thông lệ lâu đời này là Arminius, một tù trưởng German. Các chiến binh của ông đã tiêu diệt 3 quân đoàn La Mã trong Trận rừng Teutoburg năm thứ 9 trước Công nguyên.
Đến cuối thế kỷ thứ 2, tính chất và mức độ của mối đe dọa mà La Mã phải đối mặt xuất phát từ phía bên kia đường biên giới phía tây đã thay đổi chóng vánh. Các bộ lạc nói tiếng Đức đã hợp nhất thành những liên bang lớn có tổ chức về mặt chính trị, do các chỉ huy chiến binh lãnh đạo và sở hữu những quân đội tinh nhuệ. Họ vẫn thường xuyên tấn công và cướp phá các khu định cư của người La Mã bên phía biên giới của mình. Các cuộc tấn công như vậy đôi khi dẫn đến đòn giáng trả khốc liệt của La Mã.
Khi chịu áp lực từ các bộ lạc khác hoặc bị cám dỗ bởi viễn cảnh đời sống vật chất khá hơn, thì những bộ lạc này có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đế quốc.
Mùa đông năm 166, hai bộ lạc German là Langobardi và Ubii đã đột kích tỉnh Pannonia của La Mã (thuộc Hungary ngày nay ở phía nam sông Danube). Một năm sau, hai bộ lạc hùng mạnh khác là Marcomanni và Victuali yêu cầu vượt sông Danube đến định cư bên trong đế quốc. Sở dĩ họ làm như vậy là do chịu sức ép từ các bộ lạc cách xa biên giới muốn tìm cách chiếm đóng khu vực này. Rome đã phản ứng chậm chạp. Hoàng đế Marcus Aurelius (161 – 180) đang có chiến tranh với đế quốc Pathia và phải tập trung lực lượng cho cuộc chiến đó.
Các cuộc chiến của bộ lạc Marcomanni không chỉ đơn thuần là những cuộc đột kích biên giới. Các bộ lạc German đã cướp phá một số thành phố và gây thiệt hại ở khắp nơi. Khi chiến sự đang diễn ra thì một số bộ lạc tìm cách di cư ồ ạt. Từ năm 235 – 275, các man tộc đã phát động những cuộc tấn công quy mô lớn dọc đường biên giới phía tây của La Mã, một số bộ tộc đã định cư ở bên trong biên giới đế quốc. Các học giả gọi giai đoạn này là Cuộc khủng hoảng thế kỷ thứ 3. Các bộ lạc chiến binh nay đã trở thành một lực lượng phải dè chừng và họ vẫn luôn là mối hiểm dọa trong hai thế kỷ tiếp theo cho đến khi La Mã hoàn toàn thất thủ ở đường biên giới dọc Rhine và Danube.
Một yếu tố quan trọng khiến Rome không thể đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn của các man tộc là tình trạng nội chiến giữa các hoàng đế và những kẻ âm mưu tiếm quyền, thường là những tướng lĩnh hay các sĩ quan khác ủng hộ một số nhân vật giành ngôi báu. Giao tranh gây thương vong lớn, làm gián đoạn các hoạt động huấn luyện và nguồn cung nhân lực đồng thời khiến Rome phải rút các đơn vị từ vùng biên ải dọc sông Rhine và Danube. Trong các cuộc xung đột lần lượt với Hoàng đế Theodosius I, Magnus Maximus (383 – 388) và Flavius Eugenius (392 – 394), các doanh trại La Mã trên biên giới bị suy yếu đến mức việc phòng thủ ở Rhine chủ yếu phụ thuộc vào sự trung thành của các tiểu quốc khu vực.
Trước khi Marcus Aurelius lên ngôi, đế quốc Tây La Mã trải qua rất ít những cuộc nội chiến nghiêm trọng. Nhưng trong khoảng thời gian từ sau cái chết của Aurelius đến khi vị hoàng đế cuối cùng của Tây La Mã Romulus Augustus bị phế truất năm 476, đế quốc này đã chứng kiến hơn 100 vụ bạo động vũ trang khi những kẻ nổi loạn thách thức hoàng đế. Một số cuộc xung đột kéo dài hàng năm, khiến La Mã kiệt quệ nguồn nhân lực quân sự và suy yếu sức mạnh biên phòng.
Những cuộc nội chiến triền miên đã hình thành trong các hoàng đế La Mã nỗi lo sợ cố hữu đối với những kẻ tiếm quyền. Vì những thủ lĩnh nổi dậy này không thể thành công mà không có sự trợ giúp của một lực lượng quân sự lớn mạnh, nên chính quyền La Mã đã chia cắt các tỉnh lớn hơn để giảm thiểu sức mạnh quân sự của bất cứ một quan chức tỉnh nào. Việc tách tỉnh bắt đầu dưới thời Septimius Severus (193 – 211), và Diocletian (284 – 305) tiếp tục quá trình này cho đến khi một số doanh trại tỉnh quá nhỏ để có thể đối phó thậm chí chỉ với quân phiến loạn địa phương.
Đầu thế kỷ thứ 4, Constantine (306 – 337) đã thay đổi chóng vánh cơ cấu tổ chức của quân đội La Mã. Ông đã thành lập các tập đoàn quân lớn, cơ động gọi là “comitatenses”, do chính mình chỉ huy nhằm bảo vệ bản thân và ngăn chặn các âm mưu cướp ngôi báu. Như một phần của những cải cách an ninh này, ông và các hoàng đế kế nhiệm đã từ bỏ thủ đô Rome, thường xuyên dời đô để tránh vạ phế đế. Nhưng chính điều này đã làm suy yếu chính quyền La Mã trung ương, bởi sự liên lạc chậm chạp và bất ổn ở hoàng cung khiến bộ máy chính quyền khó hoạt động hiệu quả. Nó đặc biệt bất lợi đối với quân đội, vốn phụ thuộc vào các giới chức nhà nước để cung cấp nguyên liệu, nhân lực và tài chính phục vụ chiến tranh.
Cơn oằn mình giãy chết
Các “comitatenses” không có căn cứ quân sự lâu dài mà thay vào đó ở ngay trong nhà dân tại những thị trấn nơi hoàng đế dời đô đến. Trong khi đó, các binh đoàn biên giới cũ gồm 5.000 quân cũng như các sở chỉ huy doanh trại trên biên giới đã bị thu nhỏ quy mô, nhằm ngăn ngừa những kẻ nổi loạn huy động các đơn vị quân đội lớn.
Nhiều pháo đài và thành trì bị cắt giảm quân lực hay bỏ trống, buộc quân đội phải dựa vào những tân binh man tộc địa phương để bảo vệ biên giới. Thậm chí các “comitatenses” cũng chủ yếu được chắp vá từ những tàn quân trong các cuộc nội chiến. Đến giữa thế kỷ thứ 4, các hoàng đế La Mã phải dựa vào những lực lượng quân sự đã suy yếu và trang bị sơ sài để đối phó với các mối đe dọa dọc biên giới, các cuộc nổi loạn trong nước và những cuộc tấn công của các man tộc nay đã định cư bên trong lãnh thổ của đế quốc.
Xa về phía đông, một liên minh lớn những bộ lạc du cư do người Hung lãnh đạo bắt đầu di chuyển đến biên giới Danube. Nhờ chiêu mộ các chiến binh từ những bộ lạc bị thôn tính dọc đường đi, quân đội Hung đã càn quét vùng đồng bằng ở miền trung Hungary ngày nay, khiến các nhóm dân cư địa phương phải chạy nạn tới biên giới La Mã để được bảo vệ. Mùa hè năm 376, hai nhóm người Goths, gồm khoảng 15.000 binh sĩ và 60.000 phụ nữ, trẻ em và người già, đến bờ sông Danube và xin tị nạn trong lãnh thổ đế quốc. Do đã dồn đáng kể binh lực ở biên giới Danube cho cuộc chiến với người Ba Tư, Hoàng đế Valens (364 – 378) đã không thể đẩy lùi người Goths và đành chấp nhận cho họ định cư ở Thrace.
Nhưng quyết định này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khu vực biên giới thiếu lương thực trầm trọng và một chỉ huy La Mã tham nhũng có tên Lupicinus đã thu gom tất cả chó trong vùng để bán lại cho những người Goths đói ăn với giá một con chó đổi một đứa trẻ. Điều này khiến người Goths bất bình và tàn phá phía bắc Thrace, dẫn đến trận đánh ác liệt với quân đội La Mã một năm sau đó ở Adrianople. Tuy nhiên, điều hết sức bất ngờ là các lực lượng Goths đã tiêu diệt tới 2/3 số binh sĩ La Mã và hạ sát hoàng đế. Họ tiếp tục chiến đấu ở Thrace cho đến khi đạt được một thỏa ước hòa bình năm 382 cho phép họ định cư ở Italy và phần còn lại ở Thrace.
Chiến thắng của người Goths trước quân đội La Mã cùng với sức ép của người Hung đã buộc nhiều bộ lạc khác phải vượt qua biên giới được bảo vệ lỏng lẻo này. Thất bại ở Adrianople đã khiến quân đội La Ma mất đi 60% binh lực ở phía đông và phải trầy trật để ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt, tấn công những người di cư tìm cách vượt sông và truy lùng khi họ chạy vào sâu bên trong lãnh thổ đế quốc.
Trong giai đoạn mà các sử gia gọi là Cuộc khủng hoảng thế kỷ thứ 4 từ năm 405 – 408, đế quốc La Mã đã hứng chịu những cuộc xâm lược quy mô lớn của các man tộc và bị tổn thất lực lượng trầm trọng, tới 80 trung đoàn tức gần 50% quân số tập đoàn quân La Mã ở phía tây. Một khi những kẻ xâm lược chọc thủng được hệ thống phòng thủ biên giới, Rome không có đủ sức mạnh quân sự để đánh bật họ và thay vào đó cho họ định cư tại nhiều tỉnh, thành với điều kiện phải cung cấp binh sĩ cho quân đội La Mã.
Tuy nhiên, các khu định cư của man tộc, với những thủ lĩnh và quân đội hùng mạnh riêng, không chấp nhận sự cai quản của La Mã. Chỉ trong vòng vài năm, các man tộc bắt đầu giao tranh với nhau, đột kích và chiếm đóng các khu định cư La Mã láng giềng. Hầu hết các thành phố và thị trấn ở bên trong đế quốc không có tường rào bảo vệ, vốn là hệ quả của nền hòa bình lâu dài của La Mã, do vậy các cuộc xâm chiếm của man tộc và phản công của La Mã đã khiến một số tỉnh bị tàn phá nặng nề.
Đến cuối thế kỷ thứ 3, ước tính 2/3 lượng tiền thuế của đế quốc không đến được chính quyền trung ương. Chiến tranh và bất ổn liên miên đã khiến La Mã cạn kiệt nguồn tài chính không thể vãn hồi. Không đủ tiền, chính quyền không thể tuyển đủ quân hay huấn luyện binh sĩ bài bản để đáp ứng các nhu cầu của đế quốc. Quân đội La Mã một thời vô song giờ chỉ mang tầm vóc của những nhóm chiến binh man tộc. Đế quốc La Mã đang trong cơn oằn mình giãy chết.
Sau khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ, đế quốc Đông La Mã (Byzantine) tiếp tục tồn tại là một nhà nước quan trọng trong lịch sử thêm 1.000 năm nữa. Phần lớn các hoàn cảnh và sự kiện khiến Tây La Mã tan rã không lặp lại với Đông La Mã. Địa lý là một yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của Đông La Mã. Ở phía tây, chỉ có các con sông Danube và Rhine là những hàng rào phòng thủ tự nhiên trong khi ở phía đông, đó là eo biển Bosporus. Để vượt qua eo biển này đòi hỏi phải có chiến hạm và sức mạnh để đương đầu với quân đội Đông La Mã hùng mạnh, những điều mà các man tộc không có.
Thủ đô Đông La Mã Constantinople được núi non bao bọc ở phía đông bắc. Chính quyền Đông La Mã duy trì mối quan hệ hữu hảo với các bộ lạc miền núi. Họ cung cấp nhân lực và giúp cảnh báo sớm các hoạt động xâm lược. Ở phía nam và đông, người Pathia và sau đó là người Ba Tư của đế quốc Sassanid ngăn chặn sự xâm lược của người Arab. Mặc dù Đông La Mã cũng có những vấn đề an ninh với người Ba Tư, song việc giao thiệp với một nhà nước có tổ chức dễ hơn nhiều so với một số bộ lạc mạnh đang đe dọa đường biên giới dài và khó phòng thủ.
Đế quốc Đông La Mã đã đứng vững trước nhiều nỗ lực xâm lược khác nhau cho đến năm 1453, khi thủ đô Constantinople hứng chịu cuộc tấn công toàn diện của người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế quốc Ottoman, được trang bị những khẩu pháo thần công đời đầu trong lịch sử. Mặc dù quân đội hùng mạnh của La Mã đã gục ngã, nhưng họ góp phần tạo nên một lịch sử chiến tranh dữ dội.