Hỏi: Vừa qua có 18 y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV khi mổ cấp cứu. Tôi rất hoang mang, trong môi trường bệnh viện còn có thể phơi nhiễm HIV. Vậy thế nào là phơi nhiễm HIV? Tôi thường xuyên đi từ thiện chăm sóc các cháu bé mồ côi có H thì có dễ bị phơi nhiễm không? (Phan Thanh Hương, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội).
Trả lời: Theo định nghĩa của Bộ Y tế thì phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong cuộc sống bạn có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do:
- Bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm.
- Vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu.
- Bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào.
- Máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).
- Bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…
Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tuỳ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó. Trong trường hợp gặp rủi ro, việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp bạn hoặc người thân hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.
Theo chia sẻ của bạn thì bạn thường xuyên tham gia từ thiện chăm sóc các em nhỏ mồ côi nhiễm HIV, nếu việc chăm sóc chỉ bình thường và các bé không bị chảy máu dính vào cơ thể bạn thì bạn không bị phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên nếu trong quá trình chăm sóc, các bé chẳng may bị ngã, đứt tay, chảy máu cam... gây chảy máu và máu của bé dính vào cơ thể bạn thì bạn đã bị phơi nhiễm HIV cần phải tới cơ sở y tế xử lý kịp thời.