Tang vật lực lượng phá án thu giữ gồm hơn 1kg ma túy tổng hợp, trong đó có 5.000 viên nén màu vàng in hình cây nấm, loại đang được dân chơi ưa chuộng và một túi to ma túy “đá” (Methamphetamine). Kết quả giám định, toàn bộ số thuốc lắc đều là ma túy tổng hợp giả.
Ngày 10/9, Công an TP.Hải Phòng cho biết vừa phát hiện, triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ ma túy tổng hợp giả qua cảng hàng không Cát Bi lớn nhất từ trước đến nay.
Mỗi ngày có thể xuất xưởng chục ngàn viên ma tuý giả
Đường dây tội phạm này do Đào Anh Ngọc, SN 1981, trú tại 19/28 đường Đội Văn, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, từng có hai tiền án, cầm đầu. Các "cộng sự" của Đào Anh Ngọc gồm Đào Ngọc Doanh; Nguyễn Thái Bảo; Trần Công Đạt và Đỗ Thị Nhung (Người dân ở phường Trại Chuối, gần nhà Đào Anh Ngọc cho biết Nhung có thể là em cùng cha khác mẹ với Ngọc).
|
Các đối tượng bị bắt trong vụ án sản xuất, tiêu thụ ma túy giả lớn nhất tại Hải Phòng vừa qua. |
Bước đầu các đối tượng khai nhận sử dụng các nguyên liệu như bột thạch cao, bột mì, bột đậu xanh, bột ăn dặm trẻ em và bột nghệ, làm ra viên nén ma túy tổng hợp giả. Trung bình mỗi phút các đối tượng dập được 90 viên và mỗi ngày có thể cho xuất xưởng tới chục nghìn viên. Về hình thức không khác viên “thuốc lắc”. Chỉ khi sử dụng, dân “bay” không thể “cất cánh” mới phát hiện bị lừa.
Hầu hết, các đối tượng trong vụ án đều lấy Trại Chuối, nhà của đối tượng Bảo làm “đại bản doanh”. Nơi này vốn nổi tiếng về tỷ lệ nghiện ngập và tỷ lệ những người buôn bán ma túy cao nhất ở Hải Phòng. Trong đó, khu đường Đội Văn, phường Trại Chuối nổi tiếng nhất. Trước kia, khu này là nơi dân giang hồ ở khắp nơi về tụ tập. Một số bạn học của Nguyễn Thái Bảo ở trường PTTH Hồng Bàng, cho biết: “Hầu hết các bạn học cùng lớp đều không chơi thân với Bảo. Bản thân Bảo cũng không hòa nhập và không chơi với ai trong lớp. Hay như em ruột của Đào Anh Ngọc là Đào Ngọc Doanh khi mua nhà sống ở đường Hùng Vương, phường Hùng Vương cũng không quan hệ hay chơi bời với hàng xóm, bạn bè bên ngoài khu đường Đội Văn, phường Trại Chuối”.
“Như thằng Ngọc, bố vợ nó cũng là một tay giang hồ khét tiếng từng ra tù vào tội nhiều lần. Vợ chồng nó trước đây sống bằng nghề cờ bạc. Thằng chồng trước “ôm” bóng đá rất to, rồi thua lỗ, làm những việc gì đó bị bắt, rồi lại ra tù. Thành tích của bọn trẻ trong đó chúng tôi không muốn chú ý cũng phải biết vì mỗi khi chúng làm gì lớn lại xôn xao khắp cả phường”, một người dân cho biết.
Được biết, trước đó, công an cũng đã phát hiện ra một số đối tượng giang hồ tại TP HCM đang truy tìm một nhóm đối tượng cung cấp ma túy giả cho mình để “xử”.
Khó áp dụng chế tài xử lý?
Đó là nhận định của luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh về vụ việc kể trên. Theo ông Thanh, đây là một vụ việc khá "lạ" bởi lẽ nó chưa có tiền lệ hoặc chưa bị phát hiện từ trước đến nay. Do đó việc xác định chính xác dấu hiệu vi phạm pháp luật để từ đó áp dụng chế tài xử lý không phải là dễ dàng.
Do những vật thể được gọi là ma túy “tổng hợp” bị thu giữ đều là ma túy giả, tức là không thuộc danh mục chất ma túy theo quy định của pháp luật, nguyên liệu sản xuất ra các vật thể đó là bột thạch cao, bột mì, bột đậu xanh, bột ăn dặm trẻ em, bột nghệ... cũng không phải là tiền chất ma túy, vì thế không thể buộc các đối tượng thực hiện hành vi này chịu trách nhiệm về các tội phạm liên quan đến ma túy như Sản xuất trái phép chất ma túy hoặc Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy...
Với thủ đoạn như trên, những đối tượng thực hiện có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ họ đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hình thức bán ma túy giả lấy tiền.
Tuy nhiên trong trường hợp này, nếu không xác định được bị hại, tức là những người bỏ tiền ra mua ma túy giả của nhóm đối tượng trên, thì rất khó quy kết được những đối tượng này phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi vì không làm rõ số tiền mà nhóm đối tượng này đã thu được thông qua hình thức bán ma túy giả.
Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Như vậy nếu không chứng minh được nhóm đối tượng trên đã chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000đ trở lên thì không thể buộc tội họ nếu họ chưa từng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vi chiếm đoạt.
Mà thực tế thì những bị hại trong vụ việc này lại là những người có hành vi vi phạm pháp luật khi họ có ý thức mua trái phép chất ma túy để sử dụng vào các mục đích khác nhau của bản thân. Vì thế nên khó có khả năng họ sẽ hợp tác với cơ quan điều tra.
Vậy hành vi nói trên có phải là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không? “Tôi cho rằng cũng không thể buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này, vì theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự, người sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý hình sự nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính”, luật sư Giang Thanh trả lời.
Trong trường hợp này, ma túy tổng hợp là một loại mặt hàng cấm, không có chuẩn mực về sự thật, giả và cũng không có giá trị cụ thể. Vì thế không thể xác định số lượng ma túy giả mà các đối tượng đã sản xuất có giá trị là bao nhiêu.
|
Máy sản xuất ma túy giả từ bột ăn dặm của trẻ em mà các đối tượng mua được. |
Ma túy giả cho dân chơi... không sành điệu (!?)
Một trong những “tay chơi” ma túy thế hệ 7X ở Hải Phòng là L.V.Đ (SN 1975), ở phố Lê Lợi cho biết: “Loại chơi ma túy tổng hợp, nhất là mới chơi đá hay bị trà trộn những loại ma túy rẻ tiền. Mỗi mồi đá, thấp nhất là 200.000đ. Thường mồi 200.000đ những đứa chơi chuyên không sử dụng vì có chơi 3 – 5 mồi cũng không phê được. Nhiều đứa chơi tưởng mình sành điệu, thực ra là dùng thuốc giả. Các loại thuốc này tuồn từ đường tàu phía Trần Nguyên Hãn nối sang Trại Chuối. Giá gốc bán ra từ Trại Chuối có 100.000đ/một mồi nếu biết mua. Cũng có những đứa gà thì bị chặt 130.000đ – 150.000đ/một mồi. Loại này không ảnh hưởng gì sức khỏe. Bọn choai choai và bọn không có tiền thường sử dụng. Còn tụi “đập đá” chuyên nghiệp và sành điệu, biết về đá sẽ không chơi mấy loại này”.
Tụ điểm chơi đá và một số loại ma túy khác lớn nhất ở Hải Phòng cách đây 1 năm chính là Mos Club và điểm karaoke ánh Dương (nằm trong khuôn viên Cung Văn hóa thể thao Thanh Niên, đường Lạch Tray). Ngày 29/06/2013, hai tụ điểm này đã bị lực lượng công an bắt quả tang một số lượng lớn người đang dùng ma túy. Xét nghiệm ma túy trên 237 đối tượng bị bắt thì có tới 57 đối tượng dương tính với ma túy. Khi lực lượng công an đột kích, trên sàn của Mos Club có số lượng lớn ma túy vương vãi, bao gồm: 100 viên ma túy tổng hợp, một số túi nilon ma túy dạng đá, một số túi nilon ma túy dạng Ketamin, một số lượng tài mà và rất nhiều phương tiện phục vụ cho việc chơi ma túy.
Dân chơi đá ít khi chơi một mình mà thường tụ tập nhau chơi. Theo L.V.Đ: “Nếu là thanh niên Hải Phòng từng ăn chơi sành điệu, đi đến phòng hát karaoke, nhất là những phòng mới dọn của tốp hát trước, sẽ phân biệt được “mùi cỏ” (loại ma tuý). Vào quán karaoke hoặc các vũ trường, kiếm (ma túy) đá và một số loại ma túy khác khá đơn giản. Chỉ cần có người quen sử dụng rồi, đề nghị mua là sẽ có người cấp. Ma túy thật, giả hay trà trộn ở đây. Những đứa dùng đá nhiều khi không hẳn là đã phê mà tỏ ra phê theo phong trào và thấy bạn bè chơi cũng lấy “động lực” để chơi”.