- Là một đạo diễn và diễn viên hài bận rộn, lý do nào khiến anh nhận lời đi hát hội chợ? Nhiều người đồn Vượng Râu nhận được cả trăm triệu khi đi biểu diễn, thực hư ra sao, thưa anh?
- Lịch biểu diễn của tôi thường bận vào đầu năm và mùa thu đến cuối năm. Lịch hội chợ cũng dầy kín vào những khoảng thời gian đó và được sắp xếp thường kỳ theo gói kích cầu thương mại của các địa phương hoặc dịp kỷ niệm thành lập tỉnh thành nơi diễn ra hội chợ...
Dù làm đạo diễn rất bận nhưng lộc diễn hài của tôi vẫn đang phát “cười” nên tôi vẫn phải chạy show đến khi nào cảm thấy đủ mệt thì thôi! Về cát-xê thì đương nhiên nó cũng là một phần đúng vì đó là nguồn thu nhập của các nghệ sĩ.
- Đôi khi, vì quá hâm mộ nên khán giả đã có cách thể hiện khá cuồng nhiệt. Anh phản ứng thế nào trước những tình huống được fan, đặc biệt là fan nữ "thân mật" muốn tặng anh nụ hôn hay cái ôm thể hiện sự hâm mộ?
- Việc khán giả yêu mến như cụ già lên chụp ảnh, hay các bác dùng điện thoại màu đời cũ, cũng muốn chụp đôi khi không biết cách sử dụng tôi còn cầm chụp "tự sướng" hộ.
Đi diễn nhiều năm tôi đón nhận rất nhiều nụ hôn, nhưng tôi vẫn hãi các bác nam giới hôn vào má ôm chặt ghì người hơn là các chị em (cười). Với các chị em, tôi có ngại chút nhưng vẫn thấy dễ chịu hơn khi gặp các anh các bác các chú đồng giới ôm chặt đòi hôn.
Những cô gái trẻ hay các chị em phụ nữ họ có mến mới hôn, mới gần mình, nên việc đó cũng hoàn toàn tế nhị. Tôi cũng không cự lại và cũng không hưởng ứng. Nhưng tôi sẵn sàng... Đấy tôi đây, các em muốn làm gì thì làm nhưng phải ở giữa nơi ánh sáng (cười lớn).
- Mạng xã hội thời gian qua xuất hiện khá nhiều hình ảnh các đêm diễn hội chợ quy mô nhỏ, khiến dân mạng khẳng định sân khấu show hát hội chợ chỉ là những sân khấu "chuồng gà" dành cho các nghệ sỹ ít tên tuổi hoặc mới vào nghề. Anh có từng nghe thấy những nhận xét này?
- Nếu ai nói sân khấu hội chợ dành cho người ít tên tuổi hay mới vào nghề, thì đó là một sự ngu dốt và chưa hiểu gì về Hội Chợ. Từ trong Nam ra ngoài Bắc, các ngôi sao mới được diễn hội chợ. Như anh Đàm Vĩnh Hưng cát-xê 300 triệu nhưng người ta vẫn mời, hay Mỹ Tâm cũng từng diễn với tôi ở hội chợ Bắc Ninh.
Các danh hài ngoài bắc phải có tên mới được đi diễn Hội Chợ. Chẳng ai dở hơi mời những người không tên tuổi, "có ma đi xem". Bạn có thể thấy các bạn trẻ nổi tiếng đình đám như Trường Giang vẫn diễn Hội Chợ là chính đó thôi!
- Cá nhân anh nhận xét thế nào về các show hội chợ cũng như sự khác biệt với những đêm diễn thông thường?
- Các ngôi sao diễn hội chợ vì họ là nguồn dẫn khách, bán vé cho bầu show. Với tôi, việc cát-xê rất quan trọng vì nó thế hiện năng lực của mình.
Nếu không đi diễn hội chợ thì biết bao giờ khán giả mới được gặp ở ngoài đời các ca sĩ nghệ sĩ mà mình yêu mến? Việc nữa là, đi diễn lâu dài chứ không phải một sớm một hôm, nên thù lao của nghệ sỹ cũng phải hài hòa với nguồn thu của ông bầu. Nếu không chả ai mời được hai lần trong một năm cả (cười).
- Là một nghệ sỹ nhiều kinh nghiệm và sở hữu lượng fan đông đảo, chắc hẳn mức thù lao mà anh nhận được rất cao?
- Cát-xê của hài như tôi thì thường là 7 số 0 đằng sau, còn cụ thể bao nhiêu cũng khó nói. Còn về thời lượng thì gần như chả nghệ sĩ nào có lương tâm mà đứng trước khán giả diễn hay hát chớt chát cả.
Đương nhiên tiền nào của ấy. Khi cầm 30 hay 40 triệu hoặc 20 triệu làm sao phải xứng đáng. Với tôi, dù cầm dù 1 đồng mà thấy khán giả không thích là đêm đó tôi mất ngủ.
Ngay đến việc nếu âm thanh của buổi diễn hôm ấy không hay, tôi cũng phải xin lỗi khán giả. Vì khán giả bỏ tiền ra mua vé xem nên mình càng phải tử tế và trách nhiệm với số tiền nhận được từ ông bầu.
- Nhiều nghệ sỹ từng chia sẻ việc gặp sự cố oái oăm, dở khóc dở cười hay thậm chí là rất nguy hiểm sau khi đi diễn hội chợ. Anh có trải nghiệm nào tương tự không, thưa anh?
- Đúng là sân khấu hội chợ có nhiều tầng lớp khán giả khác nhau, có cả cụ già rồi các em trẻ, có cả các đôi uyên ương đang yêu nhau, cả những người đã lập gia đình, thậm chí các đại gia cũng đi xem hay anh chị em dân xã hội... tuỳ từng nơi mà khán giả thay đổi. Thế nhưng cũng không khác là mấy nếu như đêm diễn đó có những ca sĩ nghệ sĩ người ta yêu mến.
Từ ngày đi chạy show và diễn khắp nơi từ doanh thu đến sự kiện, lễ hội, hội chợ, tôi cũng gặp nhiều "sự cố" nhưng đại đa phần là sự cố “đáng yêu” như hôm tôi diễn ở Hà Nam, Phủ Lý.
Các anh chị ở đó mến quá nên cứ yêu cầu tôi hát hết bài này đến bài kia, dù rất muộn nhưng họ vẫn ở lại nghe. Sau đó, mọi người còn mời tôi đi ăn, mà không ăn sẽ “giận”. Thế nên, dù diễn xong đã muộn lắm nhưng cũng phải đi ăn la cà từ Phủ Lý về tới Hà Nội là 6h sáng. Tuy nhiên, đó là niềm hạnh phúc của những người nghệ sĩ như chúng tôi.
- Hiện nay ngày càng nhiều những show diễn hội chợ bị công chúng phàn nàn khi sa đà vào việc mời các cô gái trẻ ăn mặc sexy "câu khách", gây phản cảm. Quan điểm của anh từ góc độ của một nghệ sỹ và nhà sản xuất về vấn đề này ra sao?
- Thực ra với một sân khấu bán vé thì không riêng gì hội chợ, đều phải có cách "câu like, câu khách", bởi yếu tố sống còn của đêm diễn là khán giả. Dù ngôi sao hay đẳng cấp hay các cô gái hot girl đến diễn mà không khán giả cũng khổ.
Thế nên việc tính toán làm cách nào để thu vé là một điều rất đau đầu với các ông bầu. Còn về phía nghệ sĩ thì còn được mời đi diễn là còn hạnh phúc và theo quan điểm của tôi là Tổ vẫn cho lộc. Thành thử ra tất cả phải giúp đêm diễn có khách làm sao đông là được miễn không "treo đầu dê bán thịt chó".
- Giữa công việc đi hát và làm diễn viên hài hay đạo diễn phim, anh giành đam mê cho lĩnh vực nào nhiều hơn và vì sao?
- Một câu hỏi khó nhất trong cuộc đời tôi! Có người đã gợi ý tôi việc nên nộp hồ sơ kỷ lục vì cái tội “tham” của tôi. Vừa hát vừa diễn, vừa biên kịch, vừa đạo diễn... có lẽ khẳng định nhiều nhất Việt Nam với bằng ấy việc cho một nghệ sĩ.
Tôi đến với nghệ thuật năm nay là 21 năm và bước lên sân khấu đầu tiên với vai thầy bói do chính mình viết kịch bản và đạo diễn luôn. Sau đó, hình như mọi thứ cứ buộc chặt lấy tôi. Ngày còn ở trường đại học, tôi vừa đóng hài vừa dựng cho các bạn sinh viên đi diễn thanh niên tình nguyện.
Rồi sau này lập công ty tôi cũng viết rồi đóng và đạo diễn luôn. Ở mỗi vai trò tôi đều có những dấu ấn nhất định với khán giả. Thành thử để lựa chọn cái nào thích ít cái nào thích nhiều cũng khó.
Khi làm đạo diễn sân khấu hay phim, vì dài ngày mà mệt quá buồn ngủ vật vờ thì khi ấy tôi lại chỉ thích là anh Hề bán cười lên sân khấu 30 phút mua vui là xong nhiệm vụ. Nhưng khi đi diễn liên tục tôi lại muốn nghỉ chút làm đạo diễn để tạo ra một tác phẩm với dấu ấn bàn tay mình trong đó. Việc ca hát chỉ là điều khán giả yêu cầu kèm theo sau mỗi tiểu phẩm hài mà thôi.
Có lẽ tôi là người vất vả nhất vì biết nhiều khổ nhiều! Có đôi lúc tôi thầm nghĩ hay là mình chỉ làm một trong số nghề ấy thôi. Nhưng chắc bây giờ chưa phải lúc.