“Câu” khách
Những năm gần đây, tần suất phim truyền hình có cảnh ngoại tình, cảnh nóng ngày càng nhiều. Thậm chí, những câu chuyện phim nóng bỏng, bạo lực được phát sóng trong khung giờ vàng. Có thể kể đến các phim Ga-ra hạnh phúc, Hành trình công lý, Anh có phải đàn ông không, Mẹ rơm, Những cô gái trong thành phố… Và mới đây nhất là bộ phim Biệt dược đen và Chúng ta của 8 năm sau.
|
Nhiều bộ phim truyền hình tràn ngập cảnh nóng, bạo lực.
|
Biệt dược đen là bộ phim truyền hình duy nhất về lực lượng cảnh sát hình sự lên sóng trong năm 2023. Bộ phim đào sâu, khai thác tội ác của nhóm tội phạm trẻ mang tên Cityboy. Với mong muốn lột tả chân thực nhất hình ảnh của những tên tội phạm, Biệt dược đen cũng vì vậy mà tràn ngập cảnh nóng, bạo lực.
Ngay những tập phim đầu tiên, khán giả đã chứng kiến màn hành hạ, đánh đập dã man, cưỡng bức của Vương (Tuấn Anh) - thành viên nhóm Cityboy - với Tuyết (Quỳnh Châu). Những tập tiếp theo liên tiếp xuất hiện phân cảnh ăn chơi thác loạn, sử dụng chất cấm, các thành viên nhóm tội phạm vì xích mích mà đánh nhau, sát hại nhau…
Cảnh nóng trong phim tình cảm gia đình thường là cảnh ân ái giữa những cặp vợ chồng trẻ hoặc những mối quan hệ ngoài luồng. Các nhà sản xuất chủ yếu đưa lên phim cảnh nóng của các nhân vật ngoại tình. Mới đây, bộ phim Chúng ta của 8 năm sau trên sóng giờ vàng đã xuất hiện cảnh nóng táo bạo của Tùng (B Trần) với người thứ ba - Anh Thu (Cù Thị Trà).
Lên sóng cùng thời điểm, cùng khai thác các mối quan hệ ngoài luồng, hai bộ phim Yêu trước ngày cưới và Đánh cắp số phận nhận về không ít chỉ trích. Yêu trước ngày cưới với nhiều cảnh nóng xoay quanh chuyện tình vụng trộm của hai người trẻ đều đã có bến đỗ của riêng mình. Đánh cắp số phận không có nhiều cảnh nóng nhưng khai thác câu chuyện về người thứ ba một cách khó hiểu. Bộ phim gây sốc khi đưa tình tiết em gái ruột lăm le phá hoại hạnh phúc vợ chồng chị gái.
Con dao hai lưỡi
Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương khẳng định, cảnh nóng trong phim luôn thu hút sự hiếu kỳ. Các phim nước ngoài cũng đầy rẫy cảnh nóng, nhưng tự nhiên và ít cảm giác dung tục. Bà cho rằng, cảnh nóng phim Việt hoặc là không tới hoặc là quá lố. “Vấn đề này một phần là tài diễn xuất của diễn viên chưa đạt về mặt cảm xúc, một phần do đạo diễn dễ dãi cho qua nên phân cảnh trở nên thiếu tính chân thực, hoặc quá thô khiến một bộ phận khán giả khó chịu”, nhà biên kịch Thanh Hương nêu.
Câu chuyện phim đôi khi rất cần cảnh nóng, bởi đó là chi tiết mấu chốt, không thể không có. Tuy nhiên, biên kịch Thanh Hương phản đối việc đưa cảnh nóng vô tội vạ với mục đích chiều chuộng một bộ phận khán giả. Cảnh nóng dung tục và cảnh nóng nghệ thuật chính là ranh giới sống còn của nhiều thứ: lương tâm và vô lương tâm, giá trị và sự rẻ rúng... khán giả sẽ nhận ra ngay”, biên kịch Thanh Hương cho biết.
Diễn viên ám ảnh
Diễn viên Thùy Anh từng đóng cảnh nhạy cảm khi mới 18 tuổi trong phim điện ảnh Đập cánh giữa không trung. Theo Thùy Anh, vai diễn giúp cô được chú ý, được nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, cách một bộ phận gọi cô là diễn viên đóng cảnh nóng năm 18 tuổi khiến Thùy Anh ám ảnh, tự ti. Năm 2021, cảnh ân ái của Hoạn Thư (Cao Thái Hà) trong phim Kiều bị phần đông khán giả nhận xét không nghệ thuật. Nữ diễn viên tiết lộ bị căng thẳng vì nhận nhiều chỉ trích từ khán giả. Sau sự cố trên, cô xem đó là bài học và cân nhắc khi chọn vai diễn.
Về nội dung, cốt truyện các phim hiện nay luôn xoay quanh câu chuyện phản bội, lừa dối, ngoại tình. Không trách các nhà làm phim, bởi đây chính là thực tế xã hội. Phim và đời vốn dĩ có mối liên quan sâu sắc. Tuy nhiên, việc xử lý các tình huống này trong mỗi phim không thể giống nhau. Đời bi kịch, bi kịch lên phim cũng là lẽ tất yếu, không đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên ở chỗ, người ta xử lý điều này khi lên phim. Có lẽ khán giả không phản ứng vấn đề hôn nhân đổ vỡ, phản bội mà khán giả chán cách giải quyết na ná nhau, khiên cưỡng và không chân thật.
Tần suất cảnh nóng xuất hiện trên phim truyền hình ngày càng nhiều, đặt ra yêu cầu về việc phân loại phim, dán nhãn phim truyền hình được thực hiện càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc phân loại, dán nhãn vẫn chỉ nằm trên giấy, rất ít các đài truyền hình thực hiện phân loại phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
NSND Vương Duy Biên, Phó chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, các đài truyền hình cần có ý thức trong việc dán nhãn phim phù hợp để công chúng được thưởng thức tác phẩm phim ảnh phù hợp với lứa tuổi.
Từ ngày 20/5/2023, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Thông tư quy định 6 mức phân loại được xếp từ thấp đến cao: P, K, T13 (13+), T16 (16+), T18 (18+) và C - phim không được phép phổ biến. Thông tư của Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng, mức phân loại phim phải hiển thị rõ ràng và nổi bật. Mức phân loại được yêu cầu hiển thị trong suốt thời gian phổ biến phim.