>>> Mời quý độc giả xem video "Triển lãm ảnh nude lần đầu được cấp phép ở VN". Nguồn VTV24: |
|
Khi người mẫu nude K.P lên tiếng tố cáo N.L hiếp dâm, nhiều họa sĩ thường vẽ tranh nude như Nguyễn Đình Hợp, Bùi Văn Tuất, Bùi Trọng Dư… đã lên tiếng khẳng định nếu làm nghệ thuật chuyên nghiệp thì không thể có chuyện hiếp dâm người mẫu.
|
Một tác phẩm body painting có thể mất từ 2-3 giờ, thậm chí 6-7 giờ vẽ trên cơ thể người mẫu. |
Tuy nhiên, xem xét cả hai mặt của vấn đề, sự việc vẽ body painting và chụp ảnh khỏa thân với K.P và N.L chỉ dựa vào những tin nhắn trao đổi qua lại như đã công bố, không có hợp đồng hợp tác, không nhận cát-sê cho chùm ảnh để đăng báo, có nghĩa là đôi bên đến với nhau chỉ vì mục đích để PR cho bản thân, thì liệu có thể coi đây là nghệ thuật được không?
Để thực hiện những chùm ảnh khỏa thân, nhiếp ảnh gia Thái Phiên, Dương Quốc Định, Dzũng Art… luôn phải có hợp đồng hợp tác với người mẫu, dù có trả cát-sê hay phi lợi nhuận, trong đó có những điều khoản cam kết quy định chặt chẽ cách ứng xử cho cả đôi bên trong quá trình làm việc cũng như sản phẩm hình ảnh sau này.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho biết với các người mẫu khỏa thân dưới 18 tuổi, ông còn phải mời cả mẹ, người thân của người mẫu cùng ký cam kết để đảm bảo là người mẫu tham gia công việc với đầy đủ lý trí, hiểu biết.
Trong quá trình chụp ảnh, mỗi nhiếp ảnh gia cũng tự lựa chọn cách ứng xử khác nhau với thân thể và hình ảnh của người mẫu nhưng điểm chung là đều phải vì nghệ thuật. Nhiếp ảnh gia Thái Phiên nhất định không chụp mặt của người mẫu bởi ông cho biết đã nhiều trường hợp bi kịch khiến cô gái trẻ khóc ròng, đám cưới tan vỡ vì chú rể phát hiện ra cô dâu từng chụp nude.
Ngược lại, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định từng chụp người mẫu ảnh khỏa thân đầu tiên là vợ của mình, tấm ảnh đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và vẫn được treo trang trọng trong gia đình như một niềm tự hào. Khi chụp nude, Dương Quốc Định cương quyết yêu cầu người mẫu đồng ý chụp rõ mặt, để bắt được thần thái của người mẫu và cũng để xác minh chính xác thân thể trong ảnh là của người mẫu.
Nhiếp ảnh gia Dzũng Art cũng đồng thuận với ý kiến của Dương Quốc Định, cho rằng thái độ đối mặt, thẳng thắn và nghiêm túc của người mẫu khi làm nghệ thuật là cực kỳ quan trọng.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên khẳng định: "Tôi thường bố trí trong phòng chụp có từ 3 người trở lên, trong quá trình chụp, tôi luôn giữ khoảng cách, thái độ nghiêm túc với người mẫu. Nếu nghệ sĩ không bố trí được người và một mình đối diện với người mẫu thì phải luôn tập trung hết sức để làm sao có tấm ảnh đẹp. Tôi không phải gỗ đá nhưng khi làm việc thì phần "con" biến đi chỉ còn phần "người" mà thôi. Phải tĩnh tâm thì mới đưa được cái hồn của vẻ đẹp khỏa thân vào với tác phẩm".
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho rằng: "Bất kỳ sự thiếu chân thật nào trong mọi sự việc của cuộc sống cũng khó tránh khỏi kết quả tồi tệ. Ngược lại, nếu bạn sống và hành động luôn chân thật với công việc, khắc phục khó khăn thì vẫn đem lại kết quả tốt đẹp. Trong nghệ thuật càng cần sự chân thành và thứ tình yêu vô ngã trong nghệ thuật luôn là câu chuyện đẹp đằng sau tác phẩm của tác giả. Không có sự việc xấu mà chỉ có bản chất xấu tạo ra hiện tượng không đẹp".