Nghệ sĩ "bế tắc" vì không có nguồn thu, không có lương
Ngày 18/6, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, giải pháp mà Bộ VHTT&DL đưa ra tập trung nhiều đến việc hỗ trợ các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ ký hợp đồng ngắn hạn hoặc cộng tác với các đơn vị nghệ thuật, Nhà hát chứ không phải tất cả các đối tượng.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu lĩnh vực nghệ thuật có "khốn cùng" tới mức phải kêu cứu hỗ trợ, trong khi rất nhiều đối tượng ở các lĩnh vực khác còn khó khăn hơn.
|
Nhiều nghệ sĩ múa rối đã buộc phải bỏ nghề vì không có lương, không có thu nhập để sống. Ảnh: TL. |
Thực tế, theo tìm hiểu, khi dịch COVID-19 tái bùng, nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật và nhà hát ở phía Bắc đã phải tổ chức nhiều buổi toạ đàm trực tuyến để bàn giải pháp "cứu nguy" cho sân khấu. Trong đó, vấn đề được nhiều vị lãnh đạo của các đơn vị như: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam… đề cập đến nhiều nhất chính là nỗi lo thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng sau đại dịch. Vì nhiều đơn vị không có tiền trả lương cho nghệ sĩ ký hợp đồng ngắn hạn do không có nguồn thu từ tổ chức biểu diễn nên nhiều người đã buộc phải bỏ nghề ra ngoài làm việc tự do.
NSND Thanh Ngoan – GĐ Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, Nhà hát đã phải hủy toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị và hợp đồng lưu diễn ở các tỉnh. Ngoài ra, các chương trình biểu diễn theo đơn đặt hàng dự kiến diễn trong tháng 5, tháng 6 cũng phải dừng lại. Điều này khiến cho Nhà hát không có nguồn thu từ hoạt động biểu diễn.
Nghệ sĩ được biên chế và ký hợp đồng dài hạn còn có lương cơ bản nhưng nghệ sĩ ký hợp đồng ngắn hạn hoặc cộng tác thì đời sống vô cùng khó khăn. Nhiều người phải xoay sở bằng cách bán hàng online hoặc bán bảo hiểm nhân thọ nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh, tạm bợ.
NSND Tống Toàn Thắng - PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng than thở: "Nghệ sĩ xiếc bị "hạ đo ván". Đến cuối tháng 3 mới có thể trở lại rạp khai xuân với hơn chục buổi diễn, đúng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 lại chịu "cú đấm bồi". Rồi từ đó đến nay thì "án binh bất động", muốn làm gì cũng "bó tay" vì dịch.
Trước đó, Liên đoàn chủ trương hỗ trợ bữa trưa cho diễn viên tới rạp tập luyện. Nhưng đến thời điểm này, chủ trương đó cũng không thể duy trì vì nguồn ngân sách cạn kiệt, buộc diễn viên phải tự tập luyện ở nhà. Nhiều diễn viên buộc phải mưu sinh bằng bán hàng ăn vặt, hàng gia dụng, hàng mỹ phẩm… trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn rất bấp bênh.
|
Nghệ sĩ xiếc cũng lâm vào cảnh "bần cùng" vì không có nguồn thu từ biểu diễn. Ảnh: LĐX. |
Diễn viên Mai Anh – Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, cuộc sống của chị thời gian qua gọi đúng nghĩa là "bế tắc". Chị làm mẹ đơn thân, một nách nuôi 2 con nhỏ, thời gian qua không may bị tai nạn phải phẫu thuật chân. Cuộc sống trước đây đỡ khó khăn vì vừa tham gia biểu diễn ở Nhà hát, vừa biểu diễn ở ngoài và làm thêm một số công việc lặt vặt nên cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Nhưng từ ngày dịch COVID-19 tái bùng phát, chị vừa phải dưỡng thương, vừa mở thêm quán bán bánh giò ở phố Quán Thánh (Hà Nội) để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, khi có lệnh đóng tất cả quán hàng thì nguồn thu này cũng mất nốt.
"Ở Nhà hát chúng tôi, những người trung tuổi thì sống dựa vào lương cơ bản vì không biểu diễn được mấy. Những bạn trẻ biểu diễn được thì phải ký hợp đồng ngắn hạn vì không có cơ chế biên chế. Vừa rồi, có 5 diễn viên trẻ buộc lòng phải nghỉ làm nghề vì không có suất ký tiếp. Nghệ sĩ được ký dài hạn hoặc biên chế ở Nhà hát chúng tôi, bình thường có 3 mức thu nhập gồm: lương cứng, bồi dưỡng biểu diễn, thưởng năng suất… nhưng khi có dịch thì chỉ còn mỗi lương cơ bản mà lương cơ bản rất thấp", ca sĩ Mai Anh chia sẻ thêm.
Nhà hát hoang mang vì hàng loạt nghệ sĩ bỏ nghề
NSND Triệu Trung Kiên – GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam tâm sự: "Chúng tôi không khỏi xót xa khi phải hủy các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm mới ký được hợp đồng. Hiện Nhà hát vẫn chưa biết sẽ phải trả lương các nhạc công chủ chốt, diễn viên trẻ bằng cách nào…".
Các đơn vị tự chủ về kinh phí hoặc một phần kinh phí như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ… thì lại càng khó khăn hơn.
GĐ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết: "Hiện tất cả các đơn vị nghệ thuật đều trong tình trạng án binh bất động. Ban giám đốc chúng tôi đang rất đau đầu với việc giữ người để họ không bỏ đơn vị đi tìm việc khác và cân đối nguồn tài chính để duy trì mức lương cơ bản cho người lao động. Có thể nói từ năm ngoái đến nay, nghệ thuật biểu diễn chưa có được một lối thoát nào thực sự thuyết phục…".
NSND Nguyễn Tiến Dũng - GĐ Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: "Sân khấu múa rối không hoạt động, khó khăn nhiều thứ. Chúng tôi xác định rõ tư tưởng chống dịch còn lâu dài, nhưng cũng lo lắng cho phát triển của sân khấu múa rối.
Lo lắng nhất là diễn viên bỏ nghề. Năm ngoái mấy solist bỏ nghề rồi. Nếu năm nay các bạn ấy vẫn làm thì sẽ được Nhà hát lập hồ sơ đề nghị phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú nhưng các bạn vẫn bỏ. Có bạn năm nay đủ điều kiện để Nhà hát xét vào biên chế nhưng cũng bỏ".
Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, đào tạo được một nghệ sĩ rất khó, đặc biệt là nghệ sĩ múa rối nhưng giờ dịch bệnh khiến cho "chảy máu chất xám" diễn ra khắp nơi. Lực lượng nghệ sĩ biểu diễn vốn đã mỏng nay vì mưu sinh mà nhiều nghệ sĩ phải bỏ nghề khiến cho "mỏng lại càng mỏng hơn". Bởi với các nghệ sĩ trẻ, chỉ là nhân viên hợp đồng, lương không được chi từ ngân sách, nếu không biểu diễn sẽ không có tiền lương.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - GĐ Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hiện không có kinh phí để nuôi con người. Nghệ sĩ bỏ đi là chuyện rất bình thường. Nhà hát Tuồng có trường hợp Nghệ sĩ Ưu tú cũng bỏ hẳn ra ngoài kiếm sống. Nếu cứ áp dụng chung Nghị định 161 đối với ngành nghệ thuật thì không thể tồn tại được. Lương không có thì ai gắn bó với nghề. Chúng tôi xác định con người là quan trọng. Có tác phẩm hay mà không có nghệ sĩ giỏi thì không thể thành tác phẩm sân khấu hay được".
Đa phần các nghệ sĩ đều cho rằng, nếu Bộ VHTT&DL không đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nghệ sĩ thì chuyện thiếu hụt nhân sự sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà hát trong tương lai.
Ông Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên giữ con người, bởi đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, đào tạo được một diễn viên vô cùng khó khăn. Hiện nay các nhà hát đang thực hiện theo Nghị định 161, lấy tiền thu từ biểu diễn để trả lương cho diễn viên hợp đồng. Khi nhà hát không tổ chức biểu diễn thì hoàn toàn không có nguồn thu để trả lương.
Vì vậy, ông Tuấn thấy việc Bộ VHTT&DL đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 là hoàn toàn hợp lý. Điều này sẽ phần nào giúp nghệ sĩ tháo gỡ khó khăn và giúp các nhà hát linh hoạt trong thực hiện chính sách tài chính.