Đây là cuốn hồi kí có dung lượng gần 250 trang. Do bên dưới tựa sách "50" có gắn dòng chữ "Hồi kí không định xuất bản" nên ngay trong buổi ra mắt sách, nhạc sĩ Quốc Bảo đã khiến báo giới đặt câu hỏi: Liệu đó có phải một chiêu thức quảng cáo sách hoặc tạo sự chú ý của dư luận.
Trả lời băn khoăn này, nhạc sĩ Quốc Bảo chỉ cười nói rằng đây là cuốn sách thứ 6 anh viết sau "Cuốn sổ trắng" (2015), "Những cái tên những mặt người" (2012), "Thị Dân" (2010)… chứ không phải cuốn sách đầu tay mà cần quảng cáo rầm rộ.
Thậm chí, nhạc sĩ còn chia sẻ, khi viết cuốn sách, anh chỉ định cất bản thảo để con trai một ngày nào đó sẽ đọc bởi những câu chuyện, cái tên xuất hiện trong sách có thể gây phiền lụy đến nhiều người.
Quyết định xuất bản cuốn sách ở tuổi 50, nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng đó như một cách để "tái sinh" cuộc đời. "Thời điểm 2017 trở đi đánh dấu một cách sống khác, thực tế hơn, nhiều kế hoạch khả thi hơn và lạc quan hơn", Quốc Bảo nói.
Trong hồi ký, nhạc sĩ Quốc Bảo khắc họa hình ảnh một đứa trẻ mồ côi cha khi chưa đầy một tuổi, tuổi trẻ liên tục hứng chịu biến cố, rồi hôn nhân đầu tiên đổ vỡ…
|
Nhạc sĩ Quốc Bảo (phải) tại buổi ra mắt sách. |
Những "nàng thơ" trong âm nhạc của Quốc Bảo như: Trần Thu Hà, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Thủy Tiên… cũng là đối tượng thu hút độc giả quyết định tìm đọc cuốn sách để xem có "bức màn" bí mật nào được tiết lộ không.
Vị nhạc sĩ dành hẳn một chương với tên gọi "Học trò yêu" để viết về 3 người: Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân và Nguyên Hà - những "bóng hồng" có tác động sâu sắc đến các giai đoạn khác nhau trong quãng đời làm nhạc của mình.
Về Mỹ Tâm, anh viết: "Tôi biết Tâm vào những năm 2000-2001, từ một ca sĩ trẻ còn mờ nhạt, chưa ai biết đến nhiều, tất nhiên cũng qua một vài người bạn giới thiệu, nhưng tôi cảm nhận được ở Tâm một niềm đam mê ca hát vô cùng lớn và hát vô tư.
Cô hát suốt ngày, mọi nơi, không biết mệt, không bao giờ chán. Tâm hát như một nhu cầu, như hít thở, không nghĩ hát như một phương tiện mưu sinh".
Tại buổi ra mắt, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng đã chia sẻ một bí mật thú vị liên quan đến Mỹ Tâm và bản hit "Tóc nâu môi trầm": "Lúc đó, tôi sáng tác bài Tóc nâu môi trầm cho Hiền Thục. Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, hòa âm, quay video xong hết thì Hiền Thục lại nói không hát.
Sau đó, tôi tình cờ gặp Mỹ Tâm và cho cô ấy thu âm thử bài hát này. Cuối cùng, ca khúc Tóc nâu môi trầm trở thành một bài hit, giúp Mỹ Tâm nổi tiếng rất nhanh.
Những năm sau, có dịp gặp lại tôi, Hiền Thục nói rằng, khi đó cô chỉ mới 19 tuổi vì không hiểu nên cô không thể hát được nhạc phẩm của tôi. Nhưng, tôi nhớ lúc đó Mỹ Tâm cũng 19 tuổi. Có thể, Mỹ Tâm cũng không hiểu, nhưng cô ấy vẫn hát.
Vậy nên, tôi cho rằng, các ca sĩ hãy cứ hát đi, bây giờ bạn chưa hiểu hết bài hát thì sau này, một lúc nào đó bạn sẽ hiểu được".
"Giữa Tâm và tôi, giữa thầy và trò vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp cho đến ngày hôm nay, dù Mỹ Tâm có đi đâu, có hát kiểu gì đi nữa", nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết.
Còn "đả nữ" Ngô Thanh Vân thì gắn bó với nhạc sĩ Quốc Bảo bởi kỷ niệm vì Ngô Thanh Vân mà Quốc Bảo làm nhạc điện tử - thể loại anh vốn "rất ghét": "Khoảng năm 2003-2004 tôi biết Vân, khi ấy em là hoa hậu phụ nữ Việt Nam gì đó. Vân nói em muốn trở thành một nghệ sĩ giải trí. Tôi thì rất ghét nhạc điện tử, nhưng vì Vân tôi đã nghe và làm nhạc cho em. Và em đã thành danh còn tôi thì ấy là lần đầu tiên làm thể loại nhạc đó". Nhạc sĩ thừa nhận Ngô Thanh Vân là một trong những nàng thơ trong âm nhạc của mình
Bên cạnh những chi tiết hồi ức về gia đình; đồng nghiệp, âm nhạc, hồi ký của Quốc Bảo còn có những phần chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ yoga, ăn chay, thậm chí nuôi một con mèo như thế nào hay nuôi một đứa con ra sao khi là một ông bố đơn thân.
"50 - Hồi ký không định xuất bản" còn một phần khá đặc biệt đó là cảm xúc của Quốc Bảo về nơi sinh ra và anh nguyện sẽ là nơi anh chết đi: Sài Gòn.
Tính đến nay, số lượng tản văn về Sài Gòn của nhạc sĩ Quốc Bảo đã là cả một "gia tài" đáng kể trong đó có tác phẩm anh đã gom lại in thành sách, đăng đàn trên báo chí, tạp chí và mạng xã hội.
Với nhạc sĩ Quốc Bảo, tình yêu đối với mảnh đất mình đang sống là điều phải đến một cách tự nhiên, thậm chí không cần phải lý giải tại sao ta yêu.
Quốc Bảo sinh năm 1967 ở Sài Gòn. Anh nổi tiếng với loạt ca khúc: Em về tinh khôi, Bài tình cho giai nhân, Em về tóc xanh, Ngồi hát ca bềnh bồng, Ca dao hồng, Còn ta với nồng nàn, Bình yên, Tóc nâu môi trầm, Dạ khúc, Hai mươi...
Ngoài ra, anh từng xuất bản một số tản văn như Cuốn sổ trắng, Những ghi chép vụn...