Vừa ra tù, bố mẹ đã gửi vào học ở Sài Gòn
Thời kỳ ở đỉnh cao sự nghiệp, Thương Tín được gọi là "át chủ bài" của làng phim ảnh và kịch nghệ. Năm 27 tuổi, ông đóng tới 12 bộ phim nhựa trong 1 năm, lập kỷ lục đóng nhiều phim nhựa nhất trong vòng 1 năm. Tính đến khi rút khỏi làng nghệ, trở về cuộc sống đời thường, Thương Tín đã đóng tới 200 bộ phim và hơn 100 vở kịch. Dù sớm rất thành công trong nghệ thuật, nhưng Thương Tín lại khá lận đận trong tình trường.
Thương Tín từng phải ngồi tù năm 15 tuổi vì đánh người để bảo vệ em ruột, trước khi được bố mẹ gửi vào học trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn, trở thành một tên tuổi đình đám của làng nghệ… Thương Tín từng có 2 năm phiêu bạt giang hồ. Năm 13 tuổi, ông từng bị một phụ nữ đã có chồng và ông bầu gánh hát cải lương Tân Dạ Lý "ép" quan hệ tình dục. Năm 15 tuổi, ông bị bắt vào tù vì tội đánh người gây thương tích để bảo vệ em trai.
Sau sự việc này, bố mẹ ông đã tìm mọi cách, kể cả chạy mua học bạ để "đẩy" ông vào trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn. Chính sự kiện này đã đưa ông bước qua một trang đời mới. Trang đời này đưa ông bước lên tột đỉnh vinh quang nhưng cũng nhấn ông trong vô vàn cám dỗ nghiệt ngã... Trang đời này biến ông thành một con người khác và ông đã phải trả nhiều giá đắt khi bước vào tuổi xế chiều…
Thương Tín kể trong hồi ký "Thương Tín – Một đời giông bão" rằng, lúc ông vào Sài Gòn theo học trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ thì trường chưa mở lớp nên đành phải học văn hóa ở ngoài để chờ thời. Sau đó, ông đăng ký học lớp Thoại kịch. Lúc đầu, ông xin ở ngay trong ký túc xá để đỡ thời gian di chuyển nhưng sau có ông bác đưa cả gia đình sang định cư ở Pháp, nên ông và một ông anh họ được ở trong căn biệt thự rộng lớn, hằng ngày chạy xe máy tới trường. Căn biệt thự này đối diện với nhà của diễn viên Kim Khánh.
Thương Tín "sống thử" với hai người con gái bí ẩn
Theo Sáu Tâm của "Biệt động Sài Gòn", năm 16 tuổi ông mới được vào học năm nhất của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Chính trong quãng thời gian này, ông gặp rồi "sống thử" với người phụ nữ tên Thúy.
"Vào dịp nghỉ hè năm học đầu tiên, có hai cậu bạn rủ đi Đà Lạt chơi… Đà Lạt là thành phố của tình yêu và sự thơ mộng nhưng ba ông con trai tụi tôi đi với nhau nên thấy vô duyên một cách lãng xẹt. Chúng tôi đứng chơi thơ thẩn ở hồ Xuân Hương, nhìn ngắm cảnh đẹp và nghĩ vẩn vơ. Thằng bạn đứng kế bên tôi nói: "Ước gì có ba cô gái cùng đi chơi, xuất hiện ở đây bây giờ thì hay quá ha". Vừa dứt lời thì từ xa chúng tôi đã trông thấy có hai bóng hồng đi tới, trong đó có một cô quen cậu bạn tôi. Cô gái đó tên Thúy, người Cam Ranh. Thúy đẹp lắm. Đường cong cơ thể nổi bật trong chiếc đầm nhung đen.
Cả đám mừng hú lên, hai thằng bạn thì cứ tươm tướp xáp vô, còn tôi chẳng hiểu sao lại hững hờ vô cùng. Tự nhiên, tôi thấy mình thành người thừa, còn vô duyên hơn cả lúc chỉ có ba thằng đực rựa… Để xã giao, tôi chỉ giới thiệu mình là sinh viên trường Đại học Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, rồi lập tức quay đi luôn.
Nghe mọi người ríu rít nói chuyện phía sau, hẹn đi ăn chè, sau đó tới quán cà phê Lục Huyền Cầm của cặp đôi nghệ sĩ Lê Uyên – Phương nổi tiếng. Tại quán nhạc tuyệt vời này, tôi lẳng lặng ngồi nghe các bản tình ca. Nhìn ra ngoài phố, sương giăng chùng chình, một cảm thức trào lên. Tôi chợt nhận ra tâm hồn mình hết sức nhạy cảm… Chuyến đi Đà Lạt rồi cũng kết thúc trong sự hào hứng của hai thằng bạn và sự ê chề của riêng tôi. Chúng tôi quay trở về giảng đường ở Sài Gòn.
Một hôm, tôi đang học trong lớp thì bỗng có người chạy vô nói: "Tín, có người con gái nào tới kiếm kìa". Lạ quá, tôi mới vô thành phố đâu có quen ai. Hồi hộp chạy ra, là Thúy, người con gái mặc đầm đen ở Đà Lạt bữa trước. Tôi và Thúy gặp nhau, nói vài ba câu rồi không biết ngồi chỗ nào cả, đành đi bộ từ trường tới đường Nguyễn Du, quận 1 tới quận 5.
Trên đường đi, Thúy kể cô đang có tâm sự rất buồn. Ba cô hứa gả cô cho một thiếu tá sỹ quan mà Thúy lại không chịu… Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện rất nhiều, đến khi nhìn đồng hồ thì đã quá khuya. Thúy hốt hoảng: "Anh ơi, em đang ở nhà người quen mà ở đó thì họ giao kèo không cho phép đi quá 22 giờ. Phải làm sao đây?". Tôi đột nhiên trở thành người đàn ông tinh quái, cố tình gài cô nói chuyện thiệt nhiều để vừa đi vừa kiếm một chỗ nghỉ nào đó.
Chúng tôi nói chuyện một hơi nữa, nhìn đồng hồ sắp 0 giờ, sắp đến giờ giới nghiêm rồi thì lo cuống lên. "Thôi chết rồi Thúy ơi, kiếm chỗ nào gần đây thì ghé vô đại nhé!". Thúy gật đầu, có vẻ hơi dè chừng. Nhưng khi chúng tôi đứng trước một khách sạn nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, quận 5 thì Thúy bạo dạn hẳn: "Ok, mình vô khách sạn này nghe anh!".
Thấy Thúy nói tỉnh bơ như không có chuyện gì, tôi tự nhiên cảm thấy bị đảo vị trí. Tưởng giờ mình mới là nạn nhân, bị người ta có âm mưu trước, gài lại. Một nam, một nữ trong khách sạn khuya vắng thì đương nhiên đâu có chuyện gì ngoài chuyện tình ái. Nhưng tới khi men tình nồng ấm rồi thì Thúy lại không chịu: "Không được anh ơi, em không muốn lần đầu tiên trao đời con gái cho người đàn ông mình yêu thương ở trong khách sạn này. Em được má cho ít nữ trang, mai anh đi mướn nhà để chúng ta ở chung nhen". Nói xong Thúy mang các món đồ ấy bày ra giường cho tôi coi, rất đẹp.
Ở Sài Gòn một mình nên tôi tự tung tự tác. Hơn nữa, lại sống trong căn nhà của ông bác rộng rinh, với lứa tuổi thanh niên vừa qua dậy thì khỏe mạnh khiến tôi rất cần sự chia sẻ thân xác với một người con gái. Tôi nghe lời Thúy ngay, đi kiếm căn nhà nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ để sống chung cùng cô".
Ở với nhau được sáu tháng thì người phụ nữ tên Thúy chủ động chia tay vì Thương Tín quá lạnh nhạt với cô. Cô cảm giác như ông đến với cô vì chuyện tình dục chứ không phải vì tình yêu.
Ít lâu sau, Thương Tín quen một người con gái tên Xuân. Họ ở với nhau 7 tháng rồi Xuân đột ngột biến mất. Hơn 1 năm sau, Xuân trở lại với một đứa con gái mang giọt máu của anh. Xuân đặt tên con gái là Thu. Mùa thu cũng là mùa hai người quen nhau. Xuân chính là người tình bí ẩn nhất trong cuộc đời Thương Tín.
Vì suốt thời gian sống với nhau, Thương Tín thậm chí không biết nhà của người yêu mình ở đâu. Cô ấy làm gì mà có nhiều tiền thế! Vì lần nào đi chơi, Xuân cũng là người chi tiền. Tới tận ngày trở lại, Xuân mới cho ônng biết nhiều hơn về cô. Thế nhưng, khi biết rõ hơn về Xuân cũng là lúc Thương Tín phải ngậm ngùi chia xa Xuân và đứa con đầu tiên của mình.
Xuân khi ấy đã đính hôn với một kỹ sư người Mỹ còn Thương Tín vẫn đang là một chàng sinh viên nghèo. Vậy là, ông đành để vợ con mình theo người đàn ông kia qua Mỹ. Đến tận bây giờ, ông cũng không nhận được bất cứ thông tin nào về hai người phụ nữ ấy.