Vừa qua, Mỹ Tâm đã có một chuyến từ thiện về một huyện nghèo thuộc Long Xuyên miền Tây. Tại đây, nữ ca sĩ đã trực tiếp xuống thăm hỏi và giao lưu với người dân.
Áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn niềm nở, hồ hởi
Trong thời gian diễn ra chuyến từ thiện này, trời nắng gắt và đổ xuống nhiều, với nhiệt độ cao, nhưng Mỹ Tâm không hề nề hà.
Không như những ca sĩ khác, Mỹ Tâm không hề đội mũ nón, đeo kính râm hay sử dụng bất cứ loại đồ che chắn nào. Cô để đầu trần, mặc một chiếc áo sơ mi mỏng sơ vin với quần jean, trang điểm cực nhẹ và cứ thế bước đi giữa trời nắng.
Phong cách quần jean sơ vin đi cùng Mỹ Tâm từ khi bắt đầu sự nghiệp và tới giờ vẫn vậy. Nó thể hiện một con người Mỹ Tâm năng động, khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng.
Nhiều người tỏ ra khâm phục sức khỏe và lòng nhiệt tình của Mỹ Tâm. Dù phải đi giữa trời nắng gắt suốt một thời gian dài, nhưng cô vẫn tươi cười, vẻ mặt rạng rỡ, đầy sức sống, chứ không hề cau có hay tỏ ra mệt mỏi.
Nhìn vào chiếc áo sơ mi của Mỹ Tâm, có thể thấy, cô phải đổ mồ hôi rất nhiều, tới mức ướt sũng cả sau lưng cùng hai bên áo.
Nhưng tình trạng bị mất nước đó cũng không hề làm Mỹ Tâm choáng mệt mà vẫn rất hồ hởi.
Bu quanh Mỹ Tâm là đông đảo bà con người dân, ai cũng nói cười, mỗi người một tiếng tạo nên âm thanh ồn ào, nhưng cô vẫn chịu khó lắng nghe và giao tiếp một cách niềm nở với từng người mình gặp. Nếu chỉ để từ thiện cho có, Mỹ Tâm sẽ không bao giờ nhiệt thành đến như thế.
Trong những cuộc trò chuyện, Mỹ Tâm tỏ ra ân cần và đưa ra nhiều lời khuyên cho bà con như: "Mọi người phải nấu nước uống nhé!", "Mọi người đừng uống nước ở đây, dơ lắm", "Sinh hoạt mà chung như vậy thì em thấy không ổn lắm"…
Cô tỏ ra thấu hiểu và tiếp nhận ý kiến mọi người để tìm cách giúp đỡ: "Không sao, cái này em biết được rồi", "Được rồi, không sao cả. Ở đâu mình cũng tới được mà".
Là người yêu trẻ con, Mỹ Tâm thích thú khi một em bé được bế tới. Cô lập tức hôn em bé và nựng yêu, thốt lên: "Trời ơi, dễ thương quá!".
Dáng ngồi tự nhiên và chân thành
Như đã biết, Mỹ Tâm là ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam được lòng cả thế hệ trẻ lẫn những người có tuổi. Cô đi đến đâu cũng được người già yêu quý. Bởi vậy, Mỹ Tâm vừa bước tới làng, một bà cụ đã chạy tới hồ hởi nắm tay cô dẫn vào ngồi ghế.
Mỹ Tâm thấy vậy liền nhường ghế cho bà cụ và nói: "Bác ngồi chứ con ngồi làm gì". Câu nói này thể hiện sự tôn trọng của Mỹ Tâm với người lớn tuổi, nhưng lại không câu nệ, mà tự nhiên, gần gũi trong cách nói năng. Sau đó, Mỹ Tâm đợi bà cụ ngồi thì mình mới ngồi.
Ngồi xuống ghế, Mỹ Tâm không khép nép kiểu nữ tính như nhiều ca sĩ, người mẫu khác. Dáng ngồi này của Mỹ Tâm bị một số người chê là đàn ông, thô, thiếu nữ tính.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của Mỹ Tâm, dáng ngồi này lại rất hợp không gian, thời gian, không khí. Nó thể hiện một Mỹ Tâm tự nhiên, chân thành, không câu nệ. Mọi thứ ở Mỹ Tâm đều được bộc lộ một cách tự nhiên, giản dị, nên tạo ra sự gần gũi với mọi người, nhất là những người dân nghèo ở làng quê.
Mặt khác, dáng ngồi này của Mỹ Tâm còn cho thấy sự mạnh mẽ, đáng tin cậy, tạo niềm tin tốt hơn với người đối diện, rằng cô đủ khả năng để luôn giúp đỡ họ.
Sau đó, Mỹ Tâm liên tục hỏi han, chia sẻ kinh nghiệm với người dân nơi đây. Thấy một bà cụ bị run tay, cô nói: "Bác bị như này là biểu hiện của bệnh Parkinson. Mình nói cái này, mọi người làm được thì làm nè. Lấy trái noni ép lấy nước uống sẽ giảm được bệnh".
Nhưng Mỹ Tâm không chỉ nói suông mà luôn thực hiện bằng cả hành động. Cô chợt nhận ra một điều và nói tiếp: "Nhưng trái này ở đây không bán, phải lên Sài Gòn mới có, nên con sẽ gửi xuống cho bác. Con biết cách uống nó như thế nào".
Trong lúc nói chuyện với các cụ già, Mỹ Tâm khá thoải mái, tự nhiên nhưng vẫn lễ phép. Cách cô vô thức xoa bóp đùi một cụ rồi cười nói trong lúc trò chuyện cho thấy một Mỹ Tâm gần gũi, dễ chịu. Khi được hỏi về chuyện chồng con, cô vẫn tỏ ra vui tính, đùa giỡn.
Trước lúc về, Mỹ Tâm cúi người xin phép rất đàng hoàng. Điều này chứng tỏ, Mỹ Tâm rất biết lễ nghi, trên dưới, nhưng vẫn mộc mạc, tự nhiên, không gò bó, gượng ép.