Chữ tâm trong đời sầu nữ Út Bạch Lan

Google News

(Kiến Thức) - Sầu nữ Út Bạch Lan là nhân vật được giới thiệu trong series ký sự “Ký ức phù sa”, phát sóng lúc 20h00 ngày 8/3 trên Truyền hình An Viên.

Chu tam trong doi sau nu Ut Bach Lan
Nghệ sĩ Út Bạch Lan.

Vùng quê Lộc Giang (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là nơi chôn nhau cắt rốn của một nghệ sĩ thành danh hơn 60 năm qua, một giọng ca điêu luyện làm say đắm lòng người với biệt danh để đời: Sầu nữ Út Bạch Lan.
Đâu đó trên đường phố hiện nay, chúng ta vẫn thường nhìn thấy những phận đời hát rong. Những phận đời ấy khiến trái tim mẫn cảm của nghệ sĩ Út Bạch Lan chạnh lòng, và bồi hồi sống lại kỷ niệm khổ cực xa xưa... Tuổi mới lên mười, cô gái Đặng Thị Hai (tên thật của Nghệ sĩ Út Bạch Lan) đã phải theo mẹ rời quê hương Lộc Giang (Long An) lên Sài Gòn sống cảnh tha phương cầu thực.
Trong cuộc sống lang thang ở đất Sài Thành, mẹ của bé Hai đã kết nghĩa chị em với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Người phụ nữ này có một đứa con trai lớn hơn bé Hai vài tuổi. Cậu con trai đàn ghi ta phím lõm rất giỏi mà sau này chính là danh cầm Văn Vĩ. Bốn con người, hai già hai trẻ, chia sẻ cuộc sống “màn trời chiếu đất” giữa đất Sài Gòn đô hội. Hai anh em, một đàn một ca, bắt đầu đi hát dạo ở các khu chợ sầm uất ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi mẹ.
Trong căn hộ thuộc một chung cư trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM), nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan đã kể lại chuyện đi hát dạo lúc thiếu thời. Cuộc đời ca hát của cô Út Bạch Lan bắt đầu trong thời ly loạn của thập niên 50: Cô chính thức đi theo các đoàn hát cải lương nay đây mai đó, nổi trôi với phận nước thời khói lửa. Cô Út được khán giả và báo giới đặt cho rất nhiều biệt danh nhưng cái tên sầu nữ khiến cô ưng hơn cả.
Giọng ca Út Bạch Lan ru hồn khán giả giống như tiếng đàn guitar phím lõm của danh cầm Văn Vĩ. Giọng ca của cô Út nỉ non như tiếng lòng thổn thức, mang đến cảm giác man mác chơi vơi, làm quặn thắt con tim giới mộ điệu.
Giới mộ điệu cải lương trong nhiều thập niên qua, rất nhiều người biết đến bản vọng cổ “Hoa lan trắng” do bà hát. Soạn giả Viễn Châu đã viết bản vọng cổ này, để kể về chính cuộc đời “ba chìm bảy nổi" của cô Út Bạch Lan cách đây nửa thế kỷ...
Chu tam trong doi sau nu Ut Bach Lan-Hinh-2
 
Trong ký ức của cô Út Bạch Lan, miền Tây Nam Bộ không chỉ là nơi cho cô một quê hương để nhớ, mà đặc biệt còn là nơi sinh thành 2 người thầy để cô lấy đó làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Miền Tây có Trà Cú, Trà Vinh - quê hương của NSND Viễn Châu. Và miền Tây còn có Mỹ Tho, Tiền Giang - quê hương của NSND Năm Châu.
NSND Viễn Châu (sinh năm 1924) là một soạn giả cải lương nổi tiếng với biệt danh “Vua soạn vọng cổ”, phát kiến ra thể loại cải lương “tân cổ giao duyên”, đồng thời là một danh cầm đàn tranh (với tên gọi “Bảy Bá”). Ngón đàn tranh Bảy Bá được giới mộ điệu đánh giá cao, và được xem là một trong 3 ngón đàn cổ nhạc bậc thầy, cùng với Năm Cơ - đàn sến, Văn Vĩ - guitar phím lõm.
Một người thầy khác là NSND Nguyễn Thành Châu, tức Năm Châu, sinh năm 1906. Trong hơn 50 tác phẩm của ông, đặc biệt phải nhắc đến bộ ba cải lương tâm lý xã hội, gồm “Phũ phàng” (về sau đổi tên: Men rượu hương tình), “Nợ dâu”, “Sân khấu về khuya”, trở thành tuyên ngôn của ông về ước vọng xây dựng một nền nghệ thuật “Đẹp” và “Thật”. Khi viết về đề tài lịch sử, như vở “Bình Tây đại nguyên soái”, với lời thề đanh thép là gìn giữ từng tấc đất của tổ tiên, nghệ sĩ Năm Châu cũng luôn luôn rực cháy ngọn lửa nhiệt huyết của một con người luôn gắn nghệ thuật với cuộc sống.
Ở tuổi 80, Út Bạch Lan vẫn tham gia ca hát. Giọng ca của cô Út vẫn nỉ non, ca như nói thủ thỉ tâm tình, rất tự nhiên. Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, cô Út thường đi hát từ thiện ở các chùa. Và mỗi ngày tại tư gia hiện nay, cô Út luôn sớm kệ chiều kinh, niệm Phật để tu tâm.
Văn Chương

Bình luận(0)