Sau khi Hoa Vinh cover Ngắm hoa lệ rơi của Châu Khải Phong, ca khúc này bất ngờ được khán giả quan tâm đặc biệt. Trên ZingMP3, bài hát đã đạt 50 triệu lượt người nghe vẫn đứng đầu bảng xếp hạng #zingchart. Châu Khải Phong khẳng định: "Đây là cơ duyên, sự may mắn của tôi nhưng bản thân đã cố gắng rất nhiều trong 10 năm qua".
|
Châu Khải Phong không hối hận vì theo nhạc thị trường. |
Ca sĩ hạng A chưa chắc hot bằng tôi ở show tỉnh
- Đi hát 10 năm qua song nhờ bản cover "Ngắm hoa lệ rơi" của Hoa Vinh, khán giả mới biết tới Châu Khải Phong nhiều hơn. Đó là sự may mắn hay là điều khiến anh chạnh lòng?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình cần phải hơn thua trong công việc. Ngay cả những lúc khó khăn tôi cũng làm với tâm trạng thoải mái, vô tư. Lần này, bài hát của tôi hot trở lại nhờ bản cover của Hoa Vinh là điều may mắn thôi.
Hoa Vinh cover nhiều bài hát nữa nhưng Ngắm hoa lệ rơi lại được yêu thích nhất. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát được yêu thích. Rõ ràng đây là bài hát có sự đầu tư về hòa âm phối khí, ca từ, âm nhạc. Một người chọn bài cover thì họ cũng phải thích nó với nhiều lý do.
Tôi cũng không thể phủ nhận nhờ Hoa Vinh, bài hát mới được khán giả biết tới nhiều trong thời gian gần đây. Đó là sự may mắn, tôi phải cảm ơn Hoa Vinh mới đúng. Còn cái tên Châu Khải Phong được khán giả biết tới trước khi Ngắm hoa lệ rơi phát hành. Tôi còn nhiều bài hát được khán giả nhớ như Xin lỗi người anh yêu, Chỉ yêu mình em…
Mọi người cho rằng nhờ có Hoa Vinh, Châu khải phong mới được biết tới là sai nhưng nhờ có Hoa Vinh mà bài hát được hit trở lại.
- Ca khúc đạt 50 triệu lượt nghe trên Zing MP3, đang đứng đầu #zingchart song nhiều người vẫn đánh giá anh thể hiện ca khúc này sến, đặc trưng của ca sĩ "hát hội chợ"?
- Nếu đánh giá công bằng, đối tượng khán giả của tôi rất nhiều lứa tuổi và đa số ở tỉnh. Đối với tôi không quan trọng sang hay thị trường mà quan trọng bài hát của mình phải sạch sẽ về ca từ và chạm đến trái tim của số đông khán giả.
Từ xưa tới nay tên tuổi của tôi gắn với khán giả ở tỉnh. Vì thế tác phẩm mà quên khán giả đã yêu thương mình 10 năm qua và họ vẫn yêu thương những gì mình đang có. Khi làm sản phẩm, tôi không thể theo sở thích của mình mà phải theo thị hiếu của khán giả.
- Chiều theo thị hiếu khán giả tỉnh nên cái tên Châu Khải Phong bị gắn mác ca sĩ hội chợ. Nghe cụm từ đó anh cảm giác thế nào?
- Xét về chuyên môn, tôi tự tin hát được dòng nhạc sang, có tính học thuật hơn. Tuy nhiên khán giả của tôi lại là khán giả ở tỉnh. Món ăn dành cho nhiều người ở tỉnh phải là bài hát dễ nghe, dễ hiểu và dễ thuộc.
Tôi muốn được nhiều khán giả biết tới nên không hối hận theo con đường thị trường, hay bị gắn biệt danh ca sĩ hội chợ.
- Gắn mác như thế, anh bị đối xử thế nào khi đi show với các ca sĩ ngôi sao?
- Ai làm việc với mình thì đều hiểu khả năng của mình thế nào. Ngoài ra, chính khán giả trả tiền cho show diễn thì họ sẽ đánh giá tầm ảnh hưởng của ca sĩ trong show đó thế nào. Nếu họ mời mà ca sĩ không có khán giả thì sẽ không mời lần thứ hai. Tôi nghĩ mình có khán giả riêng, ủng hộ mình nhiệt tình.
Còn sự phân biệt thứ hạng A,B,C… trong nghề chắc chắn có, không chỉ từ đồng nghiệp mà cả khán giả. Xã hội muôn hình muôn vẻ nên sở thích khán giả cũng khác nhau. Tôi cũng không buồn vì điều đó.
Thực tế, có những cái tên lớn nhưng chưa chắc đã hot bằng tôi ở các sân khấu tỉnh đâu vì họ chỉ có khán giả tập trung ở thành phố nhiều.
Ca sĩ nổi tiếng một tháng chỉ nhận vài show nhưng tôi có khi biểu diễn kín cả 30 ngày dù cát-xê ít hơn. Là nghệ sĩ mình quan trọng gì tiền bạc, quan trọng là được hát, phục vụ khán giả, có thêm thu nhập và cái tên được lan tỏa ngày càng nhiều.
- Cát-xê không cao nhưng với mức độ chạy show như vậy anh vẫn mua được 2 căn hộ cao cấp. Cuộc sống của ca sĩ hội chợ hẳn không kém ca sĩ hát nhạc sang?
- Giá cát-xê thì vô vàn vì tùy thuộc vào chương trình, đơn vị tổ chức. Nếu show diễn trên truyền hình sẽ khác với tiệc của các đại gia, sự kiện có tài trợ. Tôi từng hát những tiệc đám cưới và nhận cát-xê 100-200 triệu đồng.
Tôi không đặt áp lực kinh tế nhiều lắm. Lúc mới vào nghề đến nay vẫn tâm niệm làm việc để lo cho cha mẹ và các em. Tôi muốn gia đình mình có cuộc sống tốt hơn.
Cha mẹ tôi làm nông nghiệp, vất vả đã nhiều. Bản thân tôi thời mới vào Sài Gòn còn đi phụ hồ, bê cơm cho các nhà hàng, kéo những đống gạch cao hơn người... nếm trải đủ mùi khó khăn, thiếu thốn.
Chuyện nhà cửa của tôi so với những người khác cũng không là gì cả. Hơn nữa, với tôi, nó cũng chỉ là điều kiện để lưu giữ kỷ niệm trong thời gian đi hát, là tổ ấm để mình có chỗ nghỉ ngơi sau công việc, nơi mình được nấu ăn mời bạn bè tới chơi. Tôi không cho đó là điều gì lớn lao hay chứng minh điều gì cả.
- Quãng thời gian đầu vào Sài Gòn, cụ thể anh khó khăn, thiếu thốn thế nào?
- Năm 2010, tôi mới vào Sài Gòn và không quen biết ai. Anh Lương Gia Huy khi đi show chung có khuyên tôi vào Sài Gòn mới phát triển nghề được. Vậy là tôi đi vào với hy vọng và quyết tâm lớn.
Nhưng khi vào tới nơi, bầu show không biết mình là ai, bản thân cũng không có tiền bạc hay mối quan hệ. Tôi hát buổi tối tại các phòng trà, sân khấu nhỏ với cát-xê chỉ 30.000-50.000 đồng, còn ban ngày đi làm nhiều việc tay chân như phụ bàn, phụ hồ để kiếm thêm tiền chi trả cuộc sống. Thỉnh thoảng tôi phải vay tiền của bạn bè trả tiền thuê phòng trọ.