"Từng chạy 6 show/ngày vào dịp Tết"
Ngày mùng Một, tôi và Đan Trường, Trung Quang và ê-kíp trở về TP.HCM sau show diễn ở Hậu Giang. Đường sá ngày Tết vốn vắng vẻ. Năm nay có dịch Covid-19, không khí càng vắng lặng hơn.
Trong khi các thành viên ê-kíp cầm điện thoại nhắn tin chúc mừng năm mới người thân, bạn bè, tôi ghi lại chi tiết chi phí của show diễn tối Giao thừa. Sau khi tính toán đầy đủ, tôi gửi lại cát-xê cho từng người.
Đây là show diễn duy nhất trong Tết chúng tôi có được. Show này chỉ là ghi hình, không có khán giả và các nhân viên của đài truyền hình Hậu Giang được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng.
Số tiền ngày đầu năm các thành viên nhận được khiêm tốn hơn mọi lần, nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Đan Trường nói vui: “Được khán giả lì xì đầu năm, một đồng cũng vui”.
Cũng như các ca sĩ khác, vì dịch bệnh, Đan Trường và Trung Quang bị hủy show rất nhiều, lên tới 20 show.
|
Hoàng Tuấn làm quản lý của Đan Trường hơn 20 năm qua.
|
Với những ca sĩ vốn chạy show Tết đều đặn mỗi năm, việc nghỉ diễn Tết sẽ khiến họ cảm thấy hụt hẫng. Bản thân tôi cũng thấy trống vắng. 25 năm Đan Trường đi hát, tôi có 23 năm không đón Tết cùng gia đình. Cảm giác buồn bã là không tránh khỏi, nhưng các nghệ sĩ đều hiểu rằng đó là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng.
20 năm qua, các ca sĩ ở miền Nam thường đi diễn liên tục từ 28 Tết đến hết tháng 1 Âm lịch. Trong 10 ngày đầu của tháng Giêng, lịch diễn của họ dày đặc nhất. Riêng Đan Trường ở thời đỉnh cao chạy 6 show/ngày. Lịch diễn bắt đầu từ 20h và kết thúc vào 23h30.
Nghe qua, mọi người có thể nghĩ lịch diễn như vậy là cực hình với ca sĩ. Nhưng thật ra, mọi thứ được sắp xếp suôn sẻ. Mỗi điểm diễn cách nhau 10 km. Và ở từng điểm, ca sĩ nổi tiếng chỉ hát hai bài.
"Cát-xê diễn Tết thấp hơn ngày thường"
Nhiều người đặt câu hỏi: ca sĩ chạy show nhiều vào dịp Tết nhiều vì tham tiền? Thực ra, ca sĩ đi hát ngày Tết vì muốn được phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ đến dịp Tết Nguyên đán, họ mới có dịp đến những vùng quê.
Và cũng ở nơi đó, khán giả mới háo hức, chờ đợi ca sĩ nồng nhiệt. Sân khấu không hoành tráng, nhưng khán giả có khi lên tới 5.000-7.000 người. Đó là cảm giác khó có được ở các sân khấu lớn.
Cát-xê cho mỗi show diễn vào dịp Tết không cao như mọi người nghĩ. Thực tế, ca sĩ hạng A cũng chỉ nhận cát-xê bằng 1/3 ngày thường. Cũng vì thù lao thấp, một số ca sĩ không nhận show ngày Tết. Việc đòi hỏi cát-xê dịp Tết cao là điều không tưởng.
Nhưng tôi vẫn nhận nhiều show ngày Tết vì tính toán chi phí số lượng show bù lại. Và cái được không thể đo đếm khi ca sĩ chịu khó đi diễn Tết là đón nhận tình cảm của khán giả ở mọi tầng lớp.
Chạy show tỉnh, đi đến vùng sâu vùng xa, tất nhiên không phải luôn suôn sẻ. Ca sĩ luôn phải đối diện với những sự cố, tai nạn. Chẳng hạn, một lần đi diễn ở Bình Thuận, vì tránh một người đi xe máy say rượu, chiếc xe chở đoàn của tôi bị đâm vào rặng cây.
|
Phi Nhung cũng là một trong những ca sĩ không ngại về vùng sâu vùng xa biểu diễn.
|
Xe bị chết máy, Đan Trường không chấn thương, nhưng ai cũng thấy hoảng hốt. Dù vậy, anh ấy vẫn phải tiếp tục công việc. Lúc đó, tôi ở lại xử lý xe bị hư và thuê một chiếc khác chở Đan Trường tới điểm diễn. Tối hôm ấy, anh Trường vẫn diễn đầy đủ bốn show.
Cũng có lần, Đan Trường đến gần điểm diễn ở Trà Vinh, nhưng không thể lên hát được bởi đường kẹt cứng. Lực lượng bảo vệ ra hỗ trợ, ca sĩ vẫn không thể vào được sân khấu. Từ đó, chúng tôi không dám nhận show ở Trà Vinh.
Ông bầu và ca sĩ không cần hợp đồng
Tôi và Đan Trường làm việc, rong ruổi bên nhau hơn 20 năm qua. Trong showbiz Việt, có lẽ không có ông bầu và ca sĩ nào gắn bó hơn chúng tôi. Một số người cho rằng tôi cao tay hoặc có chiêu bài gì mới giữ chân được ca sĩ.
Thực tế, tôi và Đan Trường không tồn tại bất cứ một hợp đồng nào. Ngay cả với Trung Quang, Cao Thái Sơn, Thanh Thảo cũng không hề ký hợp đồng với tôi. Hợp đồng làm gì nếu họ muốn đi?
Trong showbiz, biết bao ca sĩ và quản lý, công ty đào tạo làm hợp đồng với điều khoản dày đặc rồi cũng tan rã. Tôi quan điểm, ai tin tưởng thì mình làm. Ngược lại, nếu họ ra đi, tôi đồng ý ngay.
|
Ưng Hoàng Phúc từng ký hợp đồng với công ty, nhưng sau đó anh hoạt động độc lập.
|
Tôi làm việc với ca sĩ không phải vì tiền mà là trách nhiệm, công việc đặt lên hàng đầu. Nhiều khi, buổi sáng tôi và anh Trường khá căng thẳng. Nhưng đến buổi chiều, trước khi đi diễn, tôi phải hỏi thăm anh hát bài gì, mặc đồ ra sao. Và khi mở lời, sự giận dỗi ấy cũng tan biến.
Tôi nghĩ vợ chồng, cha mẹ, con cái còn gây nhau, huống gì những người làm việc. Vì vậy, tranh cãi, mâu thuẫn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi và Đan Trường đều không đặt cái tôi cao hơn việc chung.
Để giữ mối quan hệ tốt, cả hai cũng phải nhún nhường nhau. Chẳng hạn, anh Trường có thói quen ngại chốn đông người. Diễn xong, anh ấy muốn chọn quán vắng vẻ. Anh ấy muốn riêng tư, ngại bị làm phiền trong lúc ăn. Ngược lại, tôi muốn đến quán đông người vì ở đó, đồ ăn mới ngon.
Lần đầu, tôi nhất quyết chọn quán ăn đông đúc. Anh Trường không ăn và nói: "Anh ăn một mình đi". Lần sau và đến tận bây giờ, tôi phải chiều theo ý anh ấy. Và tất nhiên, tôi phải chịu cảnh đồ ăn dở.
Tôi tự tin mình có khả năng giữ ca sĩ, nhưng không phải bằng chiêu trò, mà là trách nhiệm và công việc. Tôi nghĩ mình khó tìm được ca sĩ nào có trách nhiệm như Đan Trường. Và Đan Trường khó tìm được người quản lý nào có trách nhiệm và lo toan công việc như tôi.