Sự việc Midu gửi đơn khiếu nại lên Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM để tố kênh TikTok "Chưa biết_01" và fanpage "This is Mặt Nạ" có các clip, bài đăng xâm phạm đời tư của cô, gây chú ý thời gian qua. Hiện phía Sở TT&TT vẫn đang trong quá trình xử lý.
Midu là một trong số các nghệ sĩ hiếm hoi có động thái cứng rắn đối với những kênh, fanpage chuyên “bóc phốt” nghệ sĩ. Lâu nay, không ít người nổi tiếng trở thành đối tượng nhắm đến của "Chưa biết_01"; "This is Mặt Nạ" và nhiều hội nhóm anti khác trên mạng xã hội. Song nghệ sĩ Việt thường chọn cách im lặng khi bị tung tin đồn.
Ai đứng sau "Chưa biết"?
Midu là đối tượng được "Chưa biết_01" “ưu ái” với trên 3 clip. Hai clip có tiêu đề “Quá khứ của Midu” và “Sự thật về Midu” đều thu hút trên 3 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn cùng lượng tương tác lớn.
Trong các clip, kênh này đăng tải hình ảnh nữ diễn viên kèm theo các thông tin tiêu cực, chưa kiểm chứng về chuyện tình cảm, đời tư của cô trong quá khứ. Không chỉ vậy, kênh này còn đưa ra kết luận “Midu kẻ đội lốt thần tiên tỉ tỉ” khiến người trong cuộc lẫn một bộ phận khán giả bức xúc.
Midu có động thái cứng rắn trước những kênh, fanpage xâm phạm đời tư của cô.
Khi bị Midu đệ đơn khiếu nại lên Sở TT&TT TP.HCM, chủ kênh còn có động thái thách thức bằng cách đăng tải thư mời làm việc của Sở. Trong khi Sở TT&TT TP.HCM đang tiếp nhận, xử lý, phía Midu giữ động thái im lặng, "Chưa biết_01" tiếp tục có clip gần nhất với tiêu đề “Chưa biết xin lỗi Midu”. Tuy nhiên, trong clip, kênh này chia sẻ: “Không có vụ đó đâu. Chiến dịch M.D toàn thắng nhé anh em. Sau khi khởi kiện Chưa biết tại Việt Nam thất bại, M.D tiếp tục nộp đơn kiện tại tòa án quốc tế về bản quyền thiên niên kỹ thuật số, quyết tâm hạ Chưa biết đến cùng”.
Ngoài Midu, hàng loạt nghệ sĩ Việt là “nạn nhân” của "Chưa biết_01". Từ các ngôi sao như Trường Giang, Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc đến những người nổi tiếng hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật hiện tại, đều bị kênh này tấn công. Đáng nói, trong toàn bộ clip “bóc phốt”, chủ kênh đưa các hình ảnh và gọi đích danh tên của nghệ sĩ, không còn ẩn danh, viết tắt tên nhân vật (để tránh rủi ro) như những fanpage, group anti trước đây. Các clip với những tiêu đề khá giật gân như “Góc khuất của…”; “Sự thật về…”; “Kẻ đứng sau…"...
Trường Giang và Trấn Thành cũng bị kênh Chưa biết_01 gọi tên.
Theo tìm hiểu, "Chưa biết_01" hay "This is Mặt Nạ" chung chủ quản. Đứng sau kênh, fanpage này được cho là một công ty ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. "Chưa biết_01" được lập ra vào tháng 3/2023, với những clip ban đầu chỉ là tổng hợp, cắt ghép đơn giản, lấy lại những thông tin cũ. Về sau, chủ kênh này mới bắt đầu đào bới, bóc phốt đời tư nghệ sĩ vô tội vạ. Chỉ trong hơn một năm, kênh này tung ra hàng trăm clip, thu hút lượng người theo dõi lớn cùng mức độ tương tác khủng. Đến nay, "Chưa biết_01" đã cán mốc hơn 1 triệu lượt follower chỉ trong thời gian không lâu.
Ngoài kênh, fanpage đề cập ở trên, hiện tại, những group anti, nói xấu nghệ sĩ đầy rẫy các nền tảng mạng xã hội. Những người nổi tiếng nào được quan tâm, gây tranh cãi hay đang xảy ra ồn ào ngay lập tức trở thành mục tiêu để dân mạng lập nhóm anti, hùa nhau “ném đá”.
Phần lớn cách thức hoạt động của các kênh “bóc phốt” nghệ sĩ đều tương tự nhau. Sau khi thu hút được lượng người theo dõi, tương tác lớn nhờ những bài đăng công kích, bôi nhọ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, admin các kênh này bắt đầu cung cấp các dịch vụ tính phí, quảng cáo hay bán hàng online và thu lợi lớn.
Nói không ngoa, những kênh, fanpage sống “ký sinh” vào đời tư của người nổi tiếng. Việc kiếm tiền dễ dàng khi đánh vào tâm lý tò mò của công chúng xoay quanh góc khuất nghệ sĩ cùng sự phát triển của mạng xã hội là nguyên nhân khiến cho hội, nhóm, kênh “bóc phốt” mọc lên như nấm sau mưa.
Cái giá của việc đăng video "bóc phốt"
Đến nay, các nền tảng như Facebook, TikTok… vẫn chưa thể kiểm soát, kiểm duyệt những loại nội dung nói trên. Trong khi đó, các thế lực đứng sau những kênh, fanpage như "Chưa biết_01"; "This is Mặt Nạ"… ngày càng nhiều chiêu trò.
Ở các nền giải trí như Hàn Quốc, Trung Quốc, nghệ sĩ cũng đau đầu trước vấn nạn bị YouTuber, blogger phanh phui đời tư, tung tin đồn vô căn cứ. Không ít diễn viên, ca sĩ có động thái mạnh, thể hiện lập trường, không khoan nhượng với những kẻ núp bóng sau bàn phím. Giới nghệ sĩ Trung Quốc thậm chí tiến hành hàng chục nghìn vụ kiện mỗi năm để bảo vệ danh dự.
Song ở Việt Nam, trên thực tế, việc một nghệ sĩ kiện các kênh, fanpage "bóc phốt" ra tòa án hiếm khi (hoặc chưa từng) xảy ra.
Những group anti nghệ sĩ nhan nhản trên mạng xã hội.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, luật sư Chu Quỳnh Bảo Ngọc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc các kênh, fanpage nói trên đăng các thông tin chưa được kiểm chứng có thể ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đặc biệt, nếu đối tượng được nhắm đến là người nổi tiếng như Midu hoặc các nghệ sĩ khác, thì mức độ ảnh hưởng rất lớn, có thể gây hoang mang cho công chúng.
Ngoài việc gửi đơn khiếu nại lên Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nếu đủ chứng cứ chứng minh chủ tài khoản “Chưa biết” và “This is Mặt Nạ” đã đăng các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình, diễn viên Midu có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ tài khoản này tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm.
Cụ thể, đối với hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cá nhân mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP và khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), mức phạt tiền đến 20 triệu đồng, đồng thời chủ thể vi phạm bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các tài khoản vi phạm còn có thể bị ngăn chặn hoạt động theo Điều 5 của Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.
Nếu các thông tin được chia sẻ được cơ quan chức năng xác định là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) hoặc “Tội vu khống” tại Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017).
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Vấn nạn nhiều tài khoản Tik tok, Facebook hiện nay lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng những thông tin chưa được kiểm chứng nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ - những người có sức ảnh hưởng đến công chúng, đang gây nhức nhối.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt đối với các hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Tuy nhiên, nhiều tài khoản khác trên mạng xã hội vẫn tiếp tục các hành vi vi phạm.
Theo luật sư, mức trách nhiệm theo quy định hiện nay có thể chưa đủ răn đe đối với các chủ tài khoản vi phạm, trong khi lợi ích mà họ thu được từ các hành vi vi phạm này rất lớn. Do vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét tăng mức trách nhiệm, tạm đình chỉ hoạt động của các tài khoản mạng xã hội trong quá trình xử lý để ngăn chặn vi phạm tiếp diễn và cấm tài khoản vi phạm, cấm đối tượng vi phạm mở tài khoản mạng xã hội mới.