Truy nguyên điển tích độc lạ: Nhũn như con chi chi

Google News

(Kiến Thức) - Một người có thái độ nhún nhường sợ sệt trước một người khác thường được ví bằng hình ảnh “nhũn như con chi chi”. Vậy nguồn gốc điển tích này từ đâu?

Thành ngữ “nhũn như con chi chi” là để mô tả một người có thái độ nhún nhường sợ sệt trước một người khác. Vậy con chi chi là con gì, thành ngữ này bắt nguồn từ đâu, ngay trong các nhà khoa học và cả ngôn ngữ cũng tồn tại những quan điểm trái ngược.
Chi chi là một loài cá
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam lý giải, “nhũn như con chi chi” là một thành ngữ thường được dùng để chỉ thái độ quá mềm yếu chịu nhún nhường do sợ sệt hoặc bị lép vế trước người khác. Chi chi là một loài cá nhỏ, thân mềm yếu. Nếu con chi chi bị vớt lên khỏi mặt nước, thì chỉ một loáng sau đã nhũn nát. Chi chi dùng làm mắm rất tốt vì mau ngấu. Từ đặc điểm trên của loài cá này mà dân gian đã chọn làm nét nghĩa biểu trưng cho đặc điểm, tính cách, thái độ chịu nhũn, chịu lún quá mức cần thiết của ai đó trong cuộc sống. Điều lý thú là từ nhũn trong thành ngữ này vốn biểu hiện thuộc tính vật lý của vật thể lại được người Việt dùng để chỉ tính tình, thái độ ứng xử của con người.
Nói đến nhũn, ta thường hình dung về một cái gì đó mềm lắm, mềm đến nỗi có thể nát nhão ra, là nghĩa đen của nhũn. Từ nét nghĩa này, dân gian đã sử dụng để chuyển tải một nét nghĩa khác, hàm ý xa hơn. Trong giao tiếp hiện nay, nhũn còn dùng để chỉ thái độ của ai đó mất hẳn đi sự cứng cỏi vốn cần phải có. Thành ngữ nhũn như con chi chi thường được dùng để chỉ thái độ quá mềm yếu chịu nhún nhường do sơ sệt hoặc bị lép vế trước người khác. Thí dụ: “Nhưng độ này nó tiến bộ rồi. Ban nãy anh em phê bình nó, nó cứ nhũn như con chi chi” (Xuân Thiều, Mặt trận kêu gọi); “Từ khi tôn huynh bị giữ tối nay, đệ đã dám hé răng nói một điều gì hớ hênh đâu, cứ nhũn như con chi chi” (Chu Thiên, Bóng nước Hồ Gươm); Ở nhà thét lác, ba hoa/Ra đường thì nhũn như là chi chi (ca dao)...
Trong khi đó, TS Nguyễn Kiêm Sơn, chuyên gia nghiên cứu về cá, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật khẳng định, ông chưa bao giờ nghe nói hoặc đọc tài liệu, từ điển, công trình nghiên cứu nào có nhắc đến về loài cá tên là chi chi. Nhiều khả năng chi chi không phải là tên một loài cá mà chỉ là một con vật có trong tưởng tượng của dân gian. “Tôi đã đi khắp nơi, tìm hiểu về đủ loài cá mà chưa từng nghe ai nói hoặc gặp ở đâu loài cá này. Tìm hiểu qua sách vở cũng không thấy, nên khả năng đó là một loài cá là vô cùng thấp”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.
Truy nguyen dien tich doc la: Nhun nhu con chi chi
 Ảnh minh họa.
Chỉ có trong tưởng tượng?
GS.TS Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam lại cho rằng, dường như con chi chi chỉ có trong tưởng tượng với những đặc tính được dân gian thêu dệt nên là một loài nhỏ bé, yếu đuối, có bất cứ tác động nào bên ngoài cũng thu mình lại, luôn ở trạng thái tự bảo vệ mình một cách thụ động nên người ta ví nét tính cách đó gắn với con người. Trong danh sách tên phổ biến của các loài, không thấy sách vở nào ghi chép lại con chi chi trông như thế nào, thuộc họ, loài nào, tên khoa học ra sao. Trong khi đó, nó lại là biểu tượng của sự thất thế, đầu hàng. “Theo quan điểm cá nhân của tôi thì giống như nhiều con vật khác chỉ có trong tưởng tượng, nhưng lại rất gắn bó mật thiết với đời sống, nhiều khi trở thành biểu tượng, thì con chi chi là một trong số đó”, GS.TS Vũ Quang Côn cho hay.
Cũng theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, ở các cửa sông ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng biển phía Nam có một loài cá tên là cá khoai (họ cá mối) được người dân dùng để nấu canh. Loài cá này có thân dài khoảng 20 – 30cm, có con dài đến 50cm, thân hình trong suốt, có răng sắc nhọn. Khi đánh bắt lên khỏi mặt nước là nó bị nhũn ra. Khi nấu canh, chỉ cần đun quá lửa một chút là nó tan thành nước. Đây là loài cá có nhiều đặc điểm giống với mô tả về loài cho là cá chi chi “vớt lên khỏi mặt nước là nhũn”. Nhưng trong khoa học thì đây là loài cá khoai, không phải chi chi.
Cũng có ý kiến cho rằng, thành ngữ “nhũn như con chi chi” xuất phát từ cỗ bài tổ tôm. Cỗ bài tổ tôm, cỗ bài chắn có 120 cây, có chữ Hán và hình người, từ hàng nhất đến hàng cửu, tức từ số một đến số chín. Có năm quân bài số một, quân chi chi là quân bét nhất, kém hạng nhất trong số 5 quân bài hạng bét ấy. Nói “nhũn như con chi chi” là nói thái độ của người biết mình hèn kém. 
Hay hình ảnh ví von của người xưa?
TS Nguyễn Kiêm Sơn đưa ra giả thuyết, có thể đây chỉ là một loài trong trí tưởng tượng của dân gian, nhưng cũng rất có thể là người xưa đã sử dụng cách nói tục để chỉ loại tính cách này của con người. Chi chi ở đây có thể là chỉ hình ảnh cái chứ không phải con, đó là bộ phận sinh dục của đàn ông ở trạng thái “bất lực”. Ý nói một người khiếp sợ mềm yếu đến nhún nhường giống như là cái ấy của đàn ông vậy. Dân gian vốn thâm thúy, lắm hình ảnh ví von nên không thể loại trừ ý này. Hơn nữa, đây là hình ảnh tục kiêng nhắc đến, nên người ta dùng từ “chi chi” để nhắc đến bộ phận nhạy cảm này.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm, đây là câu cửa miệng của rất nhiều người mà bảo đi tìm tận gốc con chi chi là con gì thì dường như không ai biết. Trong dân gian có rất nhiều con vật chỉ có trong tưởng tượng như Long Ly Quy Phụng, hay lá diêu bông cũng chỉ có ở trí tưởng tượng phong phú. Việc bóc tách mổ xẻ nó là con gì, nhiều khi rất khó và đánh đố các nhà khoa học. Cách lý giải nó như bộ phận của đàn ông trong trạng thái bất lực có nhiều cơ sở hơn cả. Bởi câu “nhũn như con chi chi” là một thái độ tiêu cực hơn là một kiểu ứng xử khôn ngoan mềm dẻo. Thái độ đó không được khuyến khích nên người ta ví với một hình ảnh không được đẹp mắt cho lắm.
“Rất có thể chi chi là một loài cụ thể nào đó, người ta sẽ tìm ra, hoặc cũng không bao giờ tìm ra đó là loài gì. Dù có thế thì câu nói “nhũn như con chi chi” vẫn được người ta vận dụng và vẫn hiểu nghĩa của nó là gì. Dù nó là một hình ảnh xấu mà người xưa không tiện nói ra, dùng bằng tư “chi chi” hay nó là một con cá có thật thì điều này cũng thể hiện những tài năng nhất định trong cách sử dụng ngôn ngữ của người xưa. Việc lý giải đến tận cùng xem đó là loại vật chất gì trong khi nó chỉ có trong tưởng tượng, thì đương nhiên sẽ thất bại”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
“Nhũn như con chi chi” được định nghĩa là quá mềm yếu, nhún nhường trong quan hệ ứng xử theo trang bachkhoatrithuc.vn. Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB Đà Nẵng năm 2000), “nhũn như con chi chi” được định nghĩa là hết sức chịu nhũn trong quan hệ đối xử. Trong Từ điển thành ngữ Việt Nam, thành ngữ “nhũn như con chi chi” dùng để chỉ thái độ nhún nhường sợ sệt hoặc bị lép vế trước kẻ khác. Chi chi là tên một loài cá nhỏ, thân rất mềm. Con chi chi bị vớt lên khỏi mặt nước thì chỉ một giờ sau đã nhũn, thân bị nát bấy ra. Nhũn từ nghĩa đen (nát bấy ra) đã được dùng với nghĩa nhún nhường để chỉ thái độ con người.
Bảo Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)