Ly kỳ chuyện rùa đá được phong vương ở xóm Rùa

Google News

“Ngài” rùa đá được xem như một trong hai linh vật để trấn yểm vùng đất Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), trên đầu “ngài” còn có một chữ Vương. 

Ở xóm Rùa (Thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có một “ngài” rùa đá được phong tước vị mà theo dân làng thì “từ xưa đến nay duy chỉ có ngài rùa đá này là được phong tước vị”.
Rùa đá được phong vương
Thị trấn Phú Lộc có hai địa danh đặc biệt gắn với hình tượng linh vật thứ ba trong tứ linh “Long - Ly - Quy - Phụng”. Nếu như xóm Quy Thạch gắn liền với “ngài” rùa đá tự nhiên, được xem là một trong hai linh vật trấn yểm vùng đất này thì xóm Rùa lại gắn với số phận long đong của một "ngài" rùa được chạm khắc bằng loại đá Thanh, trên đỉnh đầu của "ngài" có khắc độc nhất một chữ Vương.
Ly ky chuyen rua da duoc phong vuong o xom Rua
Trên đầu ngài rùa đá có một chữ Vương viết bằng chữ Hán. 
Anh Nguyễn Tiến Vinh (Phòng VH-TT huyện Phú Lộc) cho biết: “Rùa có chiều dài 1.7m, rộng 1.2m, cao 0.5m, ước nặng chừng 3 tạ được tạc từ đá Thanh nguyên khối. Các hoạ tiết được tạc khá cầu kỳ, các chi tiết chạm khắc còn khá rõ ràng như mắt, mí mắt, lằn ở cổ, lằn ở lưng, sống lưng, tai, mũi…
Trên lưng có ô lõm lớn hình chữ nhật kích cỡ 30 x 24 cm, có khả năng là điểm để đặt bia đá nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy tấm bia đá này. Đặc biệt trên đỉnh đầu rùa đá có khắc nổi chữ “Vương” bằng chữ Hán còn khá lớn".
Do vẫn chưa tìm thấy bia đá nên rất khó để xác định mục đích và thời gian tạc nên rùa đá. Nhưng trên đầu có khắc chữ “Vương” cho thấy rùa được tạc do chính vua ban lệnh và mục đích của nó chắc hẳn cũng không hề đơn giản. Đây cũng là rùa đá đầu tiên trên đầu có khắc chữ “Vương” được phát hiện.
Theo anh Vinh, rùa đá ban đầu có lẽ nằm ở khu vườn của nhà bác Ga (trú khu vực 4, Phú Lộc). Bởi vì đây chính là nơi đã tìm thấy ba chân trụ bằng đá còn khá nguyên vẹn.
Dựa vào kích thước và sự phân bố của ba trụ bằng đá thì có thể thấy đây chính là những chiếc cột để dựng mái che rùa đá. Cụ Ga, chủ nhân khu vườn cho biết: “Vợ chồng tui bắt đầu mua lại ngôi nhà năm 1989, khi dọn về thì đã có sẵn hai chân cột trụ đá trong vườn.
Một năm trước, người con trong gia đình làm vườn tìm ra thêm một cột trụ đá giống như hai cột trụ trước. Tôi đoán còn thêm một trụ đá nữa nhưng nó bị vùi lấp sâu trong lòng đất nên chưa tìm ra thôi...”.
Một trong những bậc cao niên nhất làng là cụ Nguyễn Văn Đằng (88 tuổi) cho biết thêm: “Ba cái chân cột trụ đá mới tìm thấy cỡ vài chục năm trở lại đây thôi chứ cụ rùa thì đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Từ lúc tóc tôi còn để chỏm, người làng đã nhìn thấy "ngài" rùa giữa một vùng bàu đìa, ao trũng hoang vu. Hàng ngày, qua lại trên đường, tôi thấy “ngài” ghếch đầu nổi thân mình, oai phong cạnh bờ ruộng lúa”. Biết là linh vật của làng, nên hồi ấy trong làng không có ai dám di chuyển “ngài” vì sợ gặp tai ương.
Chờ nhà nghiên cứu giải mã
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (Thành phố Huế) đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu và ông đưa ra giả thiết rùa đá Phú Lộc chính là miếu thờ của Đông Hải đại vương Nguyễn Phục.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu này đưa ra giả thiết trên. Nguyên do là trong các tài liệu ghi chép xưa và dân gian truyền tai nhau câu chuyện năm 1470, vua Lê Thánh Tông đưa đại quân đi đánh Chiêm Thành, giao cho Nguyễn Phục giữ chức Đốc lương lo việc vận chuyển lương thực. Nguyễn Phục là thầy của Bình Nguyên vương Tư Thành thời Lê Nhân Tông, góp công đưa vương lên ngôi vua sau vụ tiến ngôi của Nghi Dân.
Khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông trọng dụng Nguyễn Phục, cử ngay Nguyễn Phục đi sứ nước Minh ba lần.
Mặc dù trọng dụng Nguyễn Phục, nhưng vua Lê Thánh Tông cũng thường trách cứ, buộc tội cận thần Nguyễn Phục khá gay gắt.
Điều này chứng tỏ có nhiều đồng liêu ghét ông nên gièm pha ông khi họ gần vua. Bi kịch xảy ra khi ông theo vua Bình Chiêm năm 1470, thuyền Vua đi trước, thuyền lương do Nguyễn Phục dẫn đầu theo sau, qua cửa Tư Khách (Tư Hiền ngày nay). Khi thuyền Vua đã tới bãi Nam an toàn, thì thuyền ông gặp bão, Nguyễn Phục vì cố gắng để bảo vệ quân lương và binh lính, liền cho neo thuyền ở bờ phá Cao Đôi (phá Cầu Hai) để tránh bão.
Ông bị phạm quân luật, người ta bắt ông đến bãi Nam (bán đảo Sơn Trà), chiếu luật bị hành hình, đến lúc nhà vua quyết tha tội thì ông đã bị trảm. Tương truyền trên đường rút quân, sau khi thắng lớn, đoàn thuyền gặp gió lớn, vua Lê Thánh Tông mộng thấy Nguyễn Phục đến chầu vua và hứa phù trì đoàn quân về Thăng Long an toàn...
Vua Lê Thánh Tông hối hận, quyết định phong Nguyễn Phục làm phúc thần. Vua cũng truyền chỉ địa phương nào ngày trước có công tích của Nguyễn Phục thì cho lập miếu đền để thờ thần. Về sau vua Lê Thánh Tông gia tặng, ban sắc phong ông làm Thần Đông Hải đại vương và dựng đền thờ cúng.
Từ Bắc chí Nam, có 72 nơi lập miếu thờ Nguyễn Phục. Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền phỏng đoán, rùa đá tại xóm Rùa rất có khả năng chính là miếu thờ Nguyễn Phục ngày xưa. Mặc dù, chưa được kiểm chứng nhưng giả thiết này cũng đã làm sáng tỏ phần nào nguồn gốc và giá trị của rùa đá được khắc chữ "Vương" có một không hai tại Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video:
Theo VTC News

Bình luận(0)