Điều chưa biết về xe tăng 843 "nhường đường" xe 390

Google News

Lần đầu tiên những cán bộ quản lí bảo tàng lí giải tại sao xe tăng 843 “nhường đường” trước cổng Dinh Độc Lập được công nhận bảo vật.

37 năm sau khi nhường đường cho xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng số hiệu 843 được công nhận Bảo vật quốc gia, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (đường Điện Biên Phủ, Hà Nội).
Chiến xa luôn dẫn đầu
Trung tá Đinh Xuân Hòa, Phó phòng Kiểm kê, Bảo quản (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho biết, bảo vật có tên đầy đủ là Xe tăng T54B, số hiệu 843.
Để làm hồ sơ xin công nhận chiếc xe là bảo vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng đã đi khắp nơi gặp gỡ nhân chứng, thu thập chi tiết các tài liệu lịch sử liên quan. Hiện hồ sơ về chiếc 843 dài trên 10 trang giấy.
Xe 843 được trang bị cho Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, H203 (thuộc Quân đoàn 2). Trung úy Bùi Quang Thận là Đại đội trưởng, Trưởng xe tăng 843 (chính là người đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975).
Ngoài ra, kíp xe có thêm hai bộ đội làm nhiệm vụ pháo thủ, một lái xe. Trong những trận đánh quyết định, đích thân ông Thận trực tiếp lái xe.
Dieu chua biet ve xe tang 843
Xe 843 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trong chiến dịch Giải phóng Miền Nam, xe 843 chinh chiến hàng nghìn cây số trước khi tiến vào Dinh Độc Lập. Ngay từ đầu tháng 3/1975, kíp lái xe 843 được lệnh tham gia giải phóng Huế. Từ 5/3 đến 29/3, kết hợp cùng các đơn vị quân đội chủ lực và bộ đội địa phương, H203 luôn là lực lượng tiên phong, hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi giải phóng Huế, xe tiếp tục nhận được nhiệm vụ tiến đánh giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Cùng thời gian này, chiến dịch Tây Nguyên cũng đến hồi kết, địch co cụm về Sài Gòn.
Ngày 24/4/1975, H203 chỉ còn cách Sài Gòn khoảng 100km, nhận được lệnh tấn công từ hướng Đông. Lúc này lữ đoàn xe tăng có 75 chiếc, trong đó chiếc 843 luôn được lệnh đi đầu dẫn đoàn.
Cùng hướng tiến công với lữ đoàn, còn có Sư đoàn 304, Tiểu đoàn pháo 85 (thuộc Trung đoàn pháo binh 68), Tiểu đoàn pháo cao xạ (thuộc Trung đoàn 68) và Lữ đoàn bộ binh 219. Mục tiêu của lược lượng tiên phong này là nhanh chóng đánh chiếm Dinh Độc Lập và các điểm đầu não khác của quân VNCH.
Khoảng 9h30 ngày 30/4, lực lượng tiên phong tiến đến cầu Sài Gòn. Giao tranh giữa hai bên diễn ra ác liệt. Quân ta đối đầu với hỏa lực mạnh của xe tăng, pháo binh quân Sài Gòn được bày trận.
Tiểu đoàn 1 dàn trận đánh chặn hỏa lực. Nhiều đơn vị tiên phong của ta bị tổn thất nặng, phải dạt ra hai bên đường. Trong tình thế cấp bách, tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh H203 và Đại đội tăng số 4 phải phá vỡ thế phòng ngự đối phương, mở đường quyết tử vượt cầu Sài Gòn, nhanh chóng chiếm cầu Thị Nghè. Xe 843 luôn dẫn đầu đoàn xe tăng.
Tại cầu Thị Nghè, xe 843 bắn cháy hai xe thiết giáp M41 và M113 của quân VNCH, rồi tăng hết tốc lực vượt qua cầu. Các đơn vị khác cũng nhanh chóng tiến theo thọc sâu tấn công tại Hàng Xanh. Xe 843 nhận nhiệm vụ tiến thẳng đến sào huyệt cuối cùng của quân Sài Gòn là Dinh Độc Lập.
Trở thành bảo vật
843 là chiếc xe tăng đầu tiên tiến đến cổng Dinh Độc Lập, do Trung úy Thận trực tiếp lái, húc vào cổng Dinh. Tuy nhiên, sau 3 lần húc cổng chưa đổ, xe định lùi lại tấn công tiếp thì Trung úy Thận thấy đồng đội là xe tăng 390 đang tiến đến, nên nhường đà xe này tiến lên, húc đổ cổng dinh, tiến thẳng vào sân.
Trung úy Thận đã dừng xe mình lại, rút cờ giải phóng trên nóc xe, chạy thẳng lên nóc Dinh cắm cờ. Thời khắc này đúng 11h30. Toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt sống.
Vì sao xe tăng 843 lại được chọn là bảo vật quốc gia mà không phải chiếc xe tăng đã húc đổ cổng Dinh?
Dieu chua biet ve xe tang 843
Lãnh đạo Bảo tàng giải thích: Thời khắc xe tăng 843 tiến vào Dinh Độc Lập là mốc son lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn; khẳng định chiến thắng vẻ vang của quân dân ta. Điều này được ghi lại trong tư liệu Bảo tàng:
“Xe 843 là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch có ý nghĩa quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm của dân tộc ta. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, nhân dân ta bước vào thời kỳ phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”.
Tư liệu bảo tàng cũng lưu nhiều ý kiến đánh giá của các tướng lĩnh quân đội ta về xe 843, cùng chung quan điểm cho rằng xe 843 xứng đáng được trở thành Bảo vật quốc gia vì là lá cờ đi đầu trong chiến dịch Giải phóng miền Nam, chiếc xe đầu tiên tiến đến Dinh Độc Lập.
Tư liệu dẫn lời đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2: Xe 843 dẫn đầu từ cầu Sài Gòn vào Dinh Độc Lập. Nếu quân Sài Gòn trong Dinh chống cự thì xe 843 chiến đấu đầu tiên.
Nếu quân Sài Gòn có súng chống tăng thì Đại đội trưởng Thận (người lái xe 843) là người hứng đạn đầu tiên.
Đại diện bảo tàng cũng cho biết, sau khi giải phóng đất nước, xe 843 được lưu giữ tại một đơn vị quân sự ở Sài Gòn. Năm 1979, xe được đưa về Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận xe tăng 843 là Bảo vật quốc gia. Trải qua thời gian, xe bị bong tróc, hoen gỉ một số vị trí. Theo quy định, cứ hai năm một lần, bảo vật được sửa sang.
Mới đây, bảo tàng mời chuyên gia quân sự từ Nga đến kiểm tra và bảo dưỡng. Một số vị trí hoen gỉ, hỏng hóc đã được thay thế bằng chất liệu đúng chủng loại. Chiếc xe cũng được sơn lại, đảm bảo đúng màu sắc, kích cỡ chữ trên thân xe giống nguyên gốc.
Bùi Quang Thận là người đầu tiên lái xe tăng húc vào cổng Dinh Độc Lập, cũng là người đầu tiên cắm cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập. Ông sinh năm 1948, mất 2012; quê xã Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình.
Một số tài liệu ghi lại lời ông Thận trong thời khắc lịch sử: “Khi đến Dinh Độc Lập thấy cổng đóng, tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ giục pháo thủ 1 Thái Bá Minh nhắm giữ cổng Dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ.
Hai lần như vậy, tôi liền ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh. Trong 10 phút, tôi húc 3 lần thì cánh cổng bung ra nhưng chưa đổ.
Ngay lúc đó xe tăng 390 do anh Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao đến, húc đổ cổng chính. Tôi cầm theo lá cờ chạy vào Dinh mà không cầm theo vũ khí gì; gặp Lý Chánh Trung (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa), tôi túm chặt tay bảo “cho gặp tổng thống Dương Văn Minh”. Thấy tổng thống Minh ra, tôi ra lệnh “đưa tôi lên cột cờ Dinh Độc Lập”.
Theo Hữu Thanh Sơn/Báo Pháp luật

Bình luận(0)