10 kho báu bí ẩn gây xôn xao ở VN (1)

Google News

(Kiến Thức) - Có rất nhiều câu chuyện khác nhau lưu truyền trong dân gian về những khó báu khổng lồ bí mật ở Việt Nam.

Kho báu dưới giếng thiêng bị yểm bùa ở Bắc Giang
Lâu nay, người dân xã Vô Tranh (huyện Lục Nam, Bắc Giang) vẫn đồn đại với nhau về một kho báu bí mật được chôn gần cái giếng Chợ ở thôn Tranh. Theo các bậc lão làng kể lại, trước đây người Tàu đã chôn rất nhiều vàng bạc của cải kèm theo một trinh nữ để yểm không cho người ngoài xâm nhập.
Xung quanh kho báu này đã xuất hiện nhiều câu chuyện nhuốm màu sắc hoang đường như những đàn lợn vàng, chó vàng chạy ra từ hướng cái giếng rồi mất tích một cách bí ẩn…
Trong một lần nạo vét giếng, người dân đã phát hiện dưới sâu lớp bùn trong lòng giếng có một con chó đá ở cổ có đeo vòng Tràng Hạt và một cái chuông. Điều này khiến người dân nơi đây càng tin vào những câu chuyện lạ lùng quanh chiếc giếng.
 Chiếc giếng ở xã Vô Tranh.
Cách đây hơn chục năm có vài người trên huyện Lục Ngạn xuống đo đạc và tìm kiếm kho báu. Họ lắp máy bơm với ý định bơm cạn cái giếng nhưng bơm mãi nước trong giếng cũng chỉ cạn có chừng mực mà không cạn hết được. Trong đoàn có người xuống lòng giếng và thọc tay sâu xuống lớp bùn lấy lên một nắm cát, sau khi quan sát kĩ họ công nhận có vàng sa khoáng.
Công việc đang được tiến hành suôn sẻ thì bỗng dưng có mấy người tự xưng là dân làng bên sang tranh và giở luật giang hồ, cuộc xô xát xảy ra và những người ở Lục Ngạn bỏ lại đồ đạc máy móc chạy thoát thân.
Sau khi chiếm được giếng, những người chủ mới tiến hành tìm kiếm nhưng tìm mãi cũng không thấy kho báu ở đâu. Một biểu hiện khá lạ là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh đang làm, tự dưng bị ốm mệt mỏi, uống thuốc cũng không khỏi nhưng khi làm lễ cúng lại đứng dậy đi làm bình thường.
Rốt cục, sau khoảng nửa tháng tìm kiếm, dù đã sử dụng cả các loại máy móc hiện đại, họ không tìm được gì mà còn phải tiêu tốn khoản chi phí khá cao cho thuê người, thuê máy.
Theo cán bộ xã Vô Tranh, có rất nhiều người dùng máy dò đến tìm kho báu nhưng chỉ tìm được những đồng tiền cổ, còn vàng thì chưa ai tìm thấy cả.
Theo lời người làng, những người đụng chạm đến cái giếng với ý đồ tìm kho báu đều có chung một kết cục về sau này là làm ăn thất bát, con cái đau ốm, gia đình lục đục dẫn đến ly hôn.
Kho báu của giặc khăn vàng ở Lạng Sơn
Theo khẳng định của người dân làng Khỏn Sình, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn thì miếu Thổ Công của làng là nơi chôn giấu một kho báu rất lớn. Vì thế mà từ hàng trăm năm nay, dân làng Khỏn Sình canh giữ miếu rất nghiêm ngặt không cho ai xâm phạm.
Theo các lời kể, có nhiều lần dân làng nhặt được tượng đồng đen gần miếu. Nhưng mọi người đều đem vứt xuống sông vì nơi đây có quan niệm rằng đồng đen là thứ mang đến rủi ro, có thể ám cả nhà ốm đau, bệnh tật mà chết...
Miếu Thổ Công của làng Khỏn Sình.
Vào đầu những năm 1990, có vài người lạ mặt đến miếu Thổ Công đào bới. Địa điểm đào nằm ngay dưới gốc cây si và cây gạo cạnh miếu để tìm cổ vật. Không rõ những người lạ mặt đó có đào được thứ gì hay không, nhưng chỉ sau hai đêm đào bới, nhóm người này bỏ đi. Kể từ đó đến nay, xung quanh miếu Thổ Công đã diễn ra một số đợt đào bới lẻ tẻ do dân làng tự tổ chức để tìm kiếm đồ cổ nhưng không được.
Theo dân làng Khỏn Sình, kho báu là của quân khăn vàng thời Thái Bình Thiên Quốc chạy loạn xuống phương Nam để lại. Thông tin này có được do trong làng có một gia đình giữ được cuốn gia phả của dòng họ. Trong cuốn gia phả đó có nói đến các địa điểm ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và Quảng Ninh chôn giấu vàng. Tuy nhiên, khối lượng vàng, bạc được chôn giấu nhiều hay ít thì cuốn gia phả không nói đến. Hiện nay, cuồn gia phả đã bị thất lạc.
Cũng theo dân làng, khoảng năm 1952 - 1953, có một người bộ đội đào được một chum vàng trong lúc đào hầm trú ẩn ở bờ sông Kỳ Cùng, ngay trước miếu Thổ Công. Khi đào được, anh bộ đội này đã đem cả chum vàng chôn lại gần một bụi tre để đánh dấu cho dễ nhớ. Sau đó ít lâu, đơn vị của người bộ đội được điều động vào miền Nam đánh Mỹ.
Trước lúc hi sinh, người bộ đội này đã viết một bức thư về cho gia đình, trong thư anh đã vẽ sơ đồ nơi anh chôn chum vàng, dấu hiệu nhận biết... Khi hòa bình lập lại, gia đình của người chiến binh này đã tìm đến miếu Thổ Công và đào được chum vàng mà anh bộ đội chôn giấu.
Hiện tại, người dân vẫn hàng ngày canh giữ miếu để “kho báu” không lọt vào tay của những cánh thợ chuyên đào bới, săn lùng đồ cổ.
Kho vàng Hời ở Khánh Hòa
Chùa Hoa Tiên ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa bấy lâu nay vẫn được cho là nơi chôn giấu “kho vàng Hời”, một kho báu cực lớn mà người xưa để lại. Theo lời đồn, kho báu này nằm dưới một gốc cây đại thụ có đường kính thân bằng vòng ôm của hơn chục người, được gọi là cây cốc.
Lời kể từ xa xưa truyền lại rằng, đó là một kho báu của quý tộc Chăm gồm vô số tượng vàng, ngọc ngà. Kho báu được canh giữ bởi những trinh nữ bị chôn sống làm ma nhằm trấn giữ kho vàng.
Vào ban đêm, dân trong vùng thường thấy ánh vàng sáng rực di chuyển quanh gốc cây thần và khuôn viên chùa. Hiện tượng này được gọi là "vàng đi ăn". Có người cho rằng, những luồng sáng đó là hồn của những trinh nữ bị chôn sống hóa thân thành…
Một câu chuyện khác kì dị không kém là khoảng hơn nửa thế kỷ trước, dưới gốc cây cốc đại thụ kia bỗng lồi lên pho tượng. Vì nghĩ đó là vật thiêng nên thầy trụ trì kính cẩn mang vào chùa thờ. Ai ngờ nửa đêm thì tượng bỗng dưng rơi xuống đất, đầu lìa khỏi thân. Lời đồn rằng pho tượng không muốn rời khỏi cây cốc nên thầy trụ trì đã mang tượng ra đặt trở lại vị trí cũ.
Vì những câu chuyện nhuốm màu ma quái mà không có người nào cả gan xâm phạm đến gốc cây thiêng cùng kho báu của chùa Hoa Tiên.

(Còn nữa)
H.P (tổng hợp)

Bình luận(0)