Câu hỏi
Gia đình tôi rất ăn ăn lòng mề gà, đặc biệt các món xào cùng mướp, nấm hay hoa thiên lý. Tôi nghe nói lòng mề còn được dùng làm thuốc nên tốt cho sức khỏe? Điều này có đúng không?
Trả lời
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Kiều Nga, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Dương
Trong y học cổ truyền, phần màng mề gà hay còn gọi kê nội kim là bộ phận duy nhất được sử dụng làm thuốc. Các bộ phận còn lại không có tác dụng chữa bệnh.
Phần màng này dài khoảng 3,5 cm, rộng 3 cm, dày 0,2 cm. Mặt ngoài màu vàng, lục vàng hoặc nâu vàng, màng mỏng, trong mờ, có nếp nhăn dọc. Chất giòn dễ vỡ, vết bẻ có cạnh sáng bóng như sừng. Mùi hơi tanh, vị hơi đắng. Chúng có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh tỳ, vị, bàng quang, tiểu trường.
Màng mề gà chứa hoạt chất như ventriculin, keratin, bilatriene, vitamin B1, B2. Trong Đông y, chúng được dùng để trị bệnh bụng chướng đầy, nôn mửa, lỵ, viêm ruột già, tiểu tiện ra máu, khó tiêu...
Trẻ em tỳ suy yếu, suy dinh dưỡng dùng kê nội kim với bạch truật, sơn dược và phục linh. Sỏi bàng quang và sỏi đường tiết niệu dùng kê nội kim với kim tiền thảo và hải kim sa trong bài tán kim thang.
Tuy nhiên, khi chế biến lòng mề gà, người dân lại thường bỏ đi phần màng này. Hàm lượng cholesterol trong nội tạng gà rất cao, không có lợi cho sức khỏe. Trong đó, gan gà chứa mầm bệnh tật, tích lũy nhiều kim loại nặng. Mề gà là nơi nhiều chất độc hại còn đọng lại của thức ăn nhiễm độc.
Vì vậy, những người bị gout, thừa cân, mỡ máu, lớn tuổi, có cơ địa nhạy cảm không nên ăn nội tạng của gà, trừ phần trứng non.