Vào ngày 11/9, Công ty Cổ phần Dược phẩm T&T đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty HYPRA Human Health S.L.U (Tây Ban Nha) về thử nghiệm lâm sàng và mua vaccine phòng chống Covid-19 HIPRA SARS-CoV-2 với số lượng dự kiến 50 triệu liều, tổng giá trị hợp đồng khoảng 375 triệu euro (443 triệu USD), theo Thông tấn xã Việt Nam.
Buổi ký kết diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam.
Vaccine HIPRA SARS-CoV-2 là vaccine "protein tái tổ hợp được thiết kế để tối ưu hóa tính an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh vô hiệu hóa virus gây Covid-19", theo trang web HIPRA.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm T&T và Công ty HYPRA về việc đặt mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng này. Ảnh: TTXVN.
|
Trong khi một số vaccine khác yêu cầu điều kiện bảo quản tương đối khắt khe, vaccine HIPRA được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 ºC, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận chuyển và phân phối vaccine.
HIPRA dự đoán các thử nghiệm lâm sàng sẽ được kết thúc thành công. Hãng dược phẩm Tây Ban Nha hy vọng có thể bắt đầu sản xuất vào tháng 10 năm nay và giao lô vaccine 75 triệu liều đầu tiên vào cuối năm nay.
HYPRA dự kiến sản xuất được 400 triệu liều vaccine trong năm 2022 và đạt 1,2 tỷ liều cho đến năm 2023.
Trong buổi tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Cộng hòa Ba Lan, ông David Nogareda - chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HIPRA, cho biết dự kiến vaccine do hãng dược phẩm này sản xuất có thể được cấp phép lưu hành vào đầu năm sau.
Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết hôm 11/8 rằng Cơ quan Dược phẩm và Sản phẩm Y tế Tây Ban Nha đã cho phép vòng thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người đối với vaccine Covid-19 do công ty HYPRA phát triển, theo Reuters.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một nhằm kiểm tra tính an toàn, khả năng dung nạp, tính sinh miễn dịch (khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch) và hiệu quả của vaccine.
HYPRA cho biết hãng đã có 50 năm kinh nghiệm trong việc phát triển vaccine. Hãng dược phẩm hiện cũng tiến hành một chuỗi nghiên cứu để phát triển vaccine Covid-19 dựa trên mRNA của virus.
Hãng này đang nghiên cứu hai loại vaccine Covid-19. Một loại sử dụng công nghệ mRNA như hai vaccine Pfizer và Moderna, trong khi loại vaccine thứ hai vừa được phê duyệt thử nghiệm sử dụng protein tái tổ hợp giống với vaccine Novavax và Sanofi.
Tuy nhiên, không giống như hai Novavax và Sanofi, vaccine HIPRA của Tây Ban Nha có các protein từ hai biến thể khác nhau để mang lại hiệu quả ưu việt hơn trong việc chống lại các biến chủng mới của virus corona.
Ông Toni Maneu, từ HIPRA, cho biết kết quả của các thử nghiệm tiền lâm sàng (trong phòng thí nghiệm và trên động vật) chỉ ra rằng vaccine HIPRA thậm chí còn có hiệu quả chống lại biến chủng “siêu lây nhiễm” Delta. Biến chủng này hiện chiếm ưu thế tại Tây Ban Nha.