Theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cần phân biệt tiêm mũi 3 và tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19.
Tiêm mũi 3 là mũi bổ sung cho những người có đáp ứng miễn dịch yếu như người già, bệnh nền.
Tiêm nhắc lại là sau 8 tháng đến 1 năm kể từ khi tiêm 2 mũi đầu vì các vắc xin phòng COVID- 19 hiện nay chỉ có hiệu quả bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm.
Tiêm mũi 3 hiện nay đang thực hiện ở các nước đã tiêm trước đây để đối phó với chủng Delta và tại các nước đã tiêm đầy đủ nhưng dịch quay trở lại.
Hãng dược phẩm của Mỹ Pfizer cũng khuyến cáo mọi người nên tiêm bổ trợ mũi thứ 3 vắc xin phòng COVID-19 của hãng này để tăng cường mạnh mẽ khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.
Tuy nhiên, số lượng vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới còn hạn chế. Việc tiêm tăng cường mũi 3 ở thời điểm hiện tại có thể làm cạn kiệt nguồn cung vắc xin trên thế giới.
Đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, việc chưa đủ vắc xin phòng COVID-19 để phủ mũi 1 hay tiêm đủ 2 mũi cho người dân thì việc tiêm mũi 3 hay nhắc lại cần cân nhắc kỹ.
Bộ Y tế có thể cân đối tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19 đối với người đã tiêm 2 mũi cách đây 6 tháng nhưng có hệ miễn dịch kém như người mắc nhiều bệnh nền, người trên 60 tuổi…
Trường hợp dịch bùng phát mạnh lâu dài, khả năng cần nghiên cứu tiêm nhắc lại. Đây là việc nên làm để tăng cường sự bảo vệ, chống lại virus corona.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng nhấn mạnh, tiêm bổ sung mũi 3 hay tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 cần xem xét đến khả năng cung ứng vắc xin, biến thể của virus Corona là gì và mũi nhắc lại này có tác dụng với chúng hay không.