Trong một chương trình tư vấn sức khỏe ở Trung Quốc, bác sĩ Qian Zhenghong, chuyên gia phẫu thuật đường tiêu hóa và gan mật, kể về trường hợp mắc bệnh dạ dày do thói quen ăn uống phản khoa học.
Một người phụ nữ 30 tuổi không hài lòng với vóc dáng của mình khi đám cưới đang cận kề. Cô muốn có thân hình thon thả để diện váy cưới và lên hình xinh tươi hơn. Bởi vậy, cô quyết định bắt đầu kế hoạch uống trà xanh mỗi ngày để giảm cân.
|
Trà xanh là thức uống nhiều tác dụng nhưng có một số lưu ý khi dùng. Ảnh: Shutterstock |
Tuy nhiên, theo China Times, sau khi uống trà xanh được gần 3 tháng, cô cảm thấy khó chịu trong bụng và tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị loét dạ dày nghiêm trọng.
Tìm hiểu thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ được biết cô thường uống trà khi bụng đói, đó là nguyên nhân dẫn đến bất ổn dạ dày.
Bác sĩ Qian Zhenghong khẳng định trà xanh tốt cho sức khỏe, có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, uống trà khi bụng đói trong thời gian dài sẽ dẫn đến loét dạ dày. Nữ bệnh nhân buộc phải chấm dứt thói quen này ngay lập tức.
Theo Times of India, trà xanh chứa tannin có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây cảm giác buồn nôn, đau bụng. Bệnh nhân bị loét dạ dày hoặc trào ngược axit được khuyên không nên uống trà xanh vào buổi sáng, khi đang đói bụng để tránh tình trạng sức khỏe tệ hại hơn.
Không chỉ vậy, nếu bạn uống trà khi đói, các hợp chất trong trà sẽ tác động đến cơ thể và máu nhanh hơn, bao gồm giảm lượng protein giúp đông máu. Bởi thế, những người bị rối loạn đông máu không nên có thói quen trên.
Trà xanh còn có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Vì vậy, những người bị thiếu máu do thiếu sắt không nên uống trà xanh, đặc biệt khi đói.
|
Bạn không nên cho mật ong vào trà đang quá nóng. Ảnh minh họa: Economic Times |
Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật Jiang Kunjun nhắc nhở khi muốn uống trà, bạn nên cân nhắc thời gian và thể trạng. Thời điểm uống trà tốt nhất là sau bữa ăn 1 giờ sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu sắt.
Bạn cũng không nên uống trà xanh khi còn quá nóng khiến trà mất vị và nguy cơ gây tổn thương dạ dày, cổ họng. Các bác sĩ khuyến cáo không uống thuốc cùng trà xanh vì thành phần hóa học của cả hai dễ tương tác với nhau, gây hại cho cơ thể.
Nhiều người thích thêm mật ong vào trà xanh vì đây là một chất thay thế lành mạnh cho đường và có hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, nếu bạn thêm mật ong vào tách trà đang rất nóng, giá trị dinh dưỡng của mật ong có thể bị phá hủy. Do đó, hãy để nhiệt độ cốc trà giảm xuống một chút, sau đó thêm quế, mật ong.