Phía sau bộ môn nghệ thuật từng vấp phải không ít định kiến này là sự khổ luyện không ngừng và không ít nước mắt vì những định kiến...
|
Một số tụ điểm, câu lạc bộ giải trí sôi động ở TPHCM vì muốn thu hút thực khách và đa dạng các bài biểu diễn nên mời thêm các vũ công múa cột, múa vòng trình diễn. |
|
Hoàng Thu Thảo (ngụ tại TPHCM) đã có gần 10 năm thâm niên trong nghề vũ công múa cột, múa vòng. "Tôi đam mê bộ môn múa cột này từ lâu rồi. Ban ngày, tôi tập luyện và làm thêm công việc tay trái khác. Đối với tôi, vũ công múa vòng, múa cột là cái nghề" - Thảo nói.
|
Nữ vũ công Hoàng Thu Thảo cho biết: "Tai nạn thì nghề nào cũng thế. Có một lần, tôi đang múa vòng thì bị té. Nói thật, bản thân chỉ muốn quên đi cú ngã đó nhưng tôi lại nhận được một tràng pháo tay động viên của khán giả. Trong vài giây bị choáng, tôi đã đứng dậy nhờ vào những tiếng vỗ tay cổ vũ ấy. Tôi cảm nhận được sự đồng cảm mọi người dành cho mình. Khoảnh khắc đó thật sự rất xúc động”.
|
Thảo cho biết với múa cột thì vũ công không được mặc quần vớ (tất). Vũ công múa vòng thì được mặc quần vớ. Vì thế, vũ công nhìn có vẻ hở hang nhưng sự thực không như vậy.
|
Nữ vũ công cho biết cô đam mê môn nghệ thuật này do bản thân có năng khiếu, mê độ cao, thích mạo hiểm. "Tôi nghĩ mình bỏ công sức lao động ra và nhận được một khoản thù lao xứng đáng thì múa cột hay múa vòng cũng là một cái nghề và nghề này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên còn vấp phải không ít định kiến” - Thảo nói.
|
Trong từng động tác biểu diễn trên không mang lại cho Thảo nguồn năng lượng dồi dào.
|
Hoàng Thu Thảo cho biết không ít người vẫn còn thiếu thiện cảm với các vũ công. Múa vòng còn đỡ, với múa cột, cô nhiều lần nhận được những ánh nhìn thiếu thiện cảm. “Ban đầu, tôi rất buồn. Để theo được bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi phải có năng khiếu. Mình bỏ công sức, đầu tư thời gian, tiền bạc để luyện tập, biểu diễn một cách nghiêm túc như bao nghề bình thường khác. Sau này, tôi nghĩ khác. Mình còn trẻ, cần theo đuổi đam mê của mình, miễn là lương thiện và chân chính để sau này, khi về già không phải hối tiếc chỉ vì bản thân không vượt qua khỏi các định kiến xã hội” - Thảo bộc bạch và thừa nhận hiện tại chưa có nhiều người theo nghề.
|
“Bộ môn nghệ thuật này phải có sự đam mê và sự nỗ lực không ngừng mới có thể theo đuổi được chứ nếu chỉ có hình thể đẹp thì vẫn chưa đủ. Chưa nói, tập luyện môn này rất đau, cơ thể của tôi bầm dập khi mới bước vào tập luyện. Đó là chưa nói đến sự nguy hiểm. Ở một số tụ điểm, vòng treo cao ít nhất là 5 m, có nơi lên tới 10 m" - Thảo cho hay. |
|
Để có những tư thế đẹp trên vòng và cột, vũ công phải chịu đau. Cơ thể bị bầm tím là chuyện như cơm bữa. Hoàng Thu Thảo chia sẻ: “Tôi còn nhớ buổi biểu diễn đầu tiên của mình là beer club ở quận 3. Lúc đó quán rất đông. Trước gần cả nghìn khách, không hiểu sao tôi không hề rung, biểu diễn rất tự tin ở độ cao 10 m". |
Nữ vũ công Hoàng Thu Thảo chia sẻ vì cô theo đuổi đam mê nên gặp không ít khó khăn trong chuyện tình cảm. Theo cô, hiện tại, nhiều người vẫn còn định kiến, cho rằng vũ công làm việc trong môi trường "nhạy cảm" thì sẽ sống phóng túng, buông thả, sử dụng chất kích thích... "Tôi đam mê nhảy múa, tôi khao khát được đứng trên sân khấu, được cháy với âm nhạc, được truyền cảm hứng cho người khác bằng vũ đạo, được lắng nghe và nhìn thấy những tràng pháo tay hay lời trầm trồ của mọi người. Khi được sinh ra không ai biết nhảy, cũng chẳng ai tự biết múa cột. Những thứ đó đều phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt trên sàn tập, bằng những năm tháng rèn luyện kỹ năng" - Thảo tâm sự.
|
Khoảng năm 2015, Hoàng Thu Thảo có cơ duyên biết đến múa cột và đến năm 2020, khi các trường phái Yoga du nhập vào Việt Nam nhiều hơn thì cô biết thêm các bộ môn múa vòng, múa lụa… Thích thú với thử thách tạo hình khó trên cao, đòi hỏi sự dẻo dai của cơ bắp, Thảo luyện tập và biểu diễn cả múa vòng và múa cột. |