Đã có lần chúng tôi có mặt tại hội thảo đánh giá giá trị của Truyện Kiều trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Sau tất thảy những phát biểu của các giáo sư văn học hàng đầu Việt Nam, thì chốt cuộc là một trung niên không có học hàm học vị gì liên quan đến văn học đứng lên phát biểu chỉ ra những lỗi sai của bản dịch Kiều.
Hội trường vỗ tay tán thưởng. Không một học giả nào phản bác lại. Hỏi ra mới biết, đó là ông Nguyễn Khắc Bảo người Bắc Ninh, một chuyên gia sửa truyện Kiều có tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.
|
Ông Bảo bỏ nghề giáo về với nghề gia truyền chữa bệnh. |
Duyên nợ với Kiều
May mắn và cũng là cơ duyên, lần này chúng tôi gặp lại ông Bảo tại Bắc Ninh. Một ngôi nhà nhỏ hẹp tọa lạc ở một con đường cũng nhỏ hẹp là hiệu thuốc chính tông Cao Chọi. Thì ra, đó là nơi mà ông Bảo hành nghề và cũng là nơi mà ông mắc nợ với Kiều.
Vốn là một thầy giáo dạy Toán. Bỗng dưng ông Bảo bỏ dạy, cắt hết mọi biên chế lương thưởng trở về ngôi nhà này lần mò tìm mở "một vòng trường sinh" cứu người. Gia đình ông làm thuốc đã lâu lắm rồi nên chỉ cần mở thêm sách Nho mà đọc lại thì sẽ thấm thêm.
Vậy là mắc vào nho nhe cho đúng cái lệ thầy lang cổ truyền. Cứ lần mò như vậy rồi chẳng biết từ khi nào, cái mặt chữ Hán chữ Nôm ông cũng thành thạo như quốc ngữ. Là thầy giáo nên thuộc truyện Kiều gần như hết thảy, chán đọc bằng quốc ngữ, ông Bảo lôi sách Nôm ra đọc ê a cả ngày.
Rồi tình cờ, thấy sách này viết mặt chữ khác, sách kia lại một kiểu hoàn toàn trái ngược. Ông lang Chọi mới nhăn mặt chửi tiên sư gã nào chép sai truyện Kiều. Trong cái vòng luẩn quẩn, bởi ngay cả những bản Kiều Nôm cũng đã khác nhau chứ chẳng cần nói tới những chỗ sai be bét trong bản Kiều quốc ngữ đang thông hành trong các trường học.
|
Phải lặn lội khắp nơi tìm bản Kiều cổ về đối chiếu. |
Đường xa nào ngại dặm băng tìm Kiều
Ông Bảo cho hay: "Muốn hay thì phải đi tìm người xưa. Vì thế, tôi lặn lội đến các thôn làng, gặp các cụ già xem họ có bản Kiều Nôm nào không. Chỉ cần nghe thấy ở đâu có bản Kiều cổ là tôi đạp xe tới".
Vậy là ngay sau những năm 1990 cho đến bây giờ, ông Bảo vẫn lặn lội đi tìm truyện Kiều. Không cứ gì đất Kinh Bắc, ông còn khăn gói quả mướp vào Hà Tĩnh quê cụ Tiên Điền, vào Nghệ An, Huế và cả TPHCM sưu tập cho đủ bộ truyện Kiều, dù đó là dị bản hay nguyên tác.
Có những chuyến đang đi thì "cháy túi". Không còn một xu uống nước nhưng ông Bảo vẫn miệt mài. Vừa hành nghề chữa bệnh dọc đường vừa tìm kiếm bản Kiều Nôm. "Tôi đúc kết có 3 dòng truyện Kiều: Một là các bản khắc ngoài Hà Nội, một dòng vào Nam và một dòng lưu truyền tại Huế. Có ba dòng này rồi thì ta dùng phép "thờ chồng" tìm được cái điểm giống nhau về câu chữ thì điểm đó là của Nguyễn Du", ông Bảo bật mí.
Có bản Kiều Nôm trong tay, ông Bảo bắt đầu soi từng từ từng chữ. Lúc này, không chỉ mình ông mà cả những chuyên gia về truyện Kiều mới ngã ngửa vì thấy các bản dịch của chúng ta sai sót quá nhiều. Ví như câu "dường như bên nóc bên thềm" là không đúng, mà phải là "dường như bên chái bên thềm".
|
Những bản Kiều cổ mà ông Bảo có được. |
Ông Bảo giải thích: "Ý tứ câu này là cô con dâu chết, tức là Thuý Kiều hiện hồn về mà leo lên nóc nhà là cô con dâu hư. Người gia phong nền nếp như Kiều không làm thế, chỉ loanh quanh bên chái nhà mà thôi. Nhưng các dịch giả khi dịch đã không hiểu không biết chữ Nôm nên nhầm lẫn".
Câu nữa, lời của Thuý Kiều dặn Thúc Sinh về nói với vợ cả Hoạn Thư: “Đôi ta chút nghĩa đèo bòng/Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh" được ông Bảo đối chiếu, sửa lại thành "Đôi ta chút nghĩa đèo bồng". Bởi, Kiều đủ thông minh để hiểu đôi ta chỉ như bèo trôi, tạm bợ như cỏ bồng bị gió cuốn tung.
"Thực tế, mối quan hệ của Kiều và chàng Thúc không thể là "đèo bòng" như từ điển mà cụ Đào Duy Anh giải thích. Thúy Kiều đủ hiểu mình và Thúc Sinh chỉ đến thế mà thôi. Anh ta chỉ văn nghệ với một cô "cave" chứ không có gì là đèo bòng cả. Mà đèo bòng là khăng khít lắm, khi Thuý Kiều trốn thì Thúc Sinh phải trốn cùng thì mới là đèo bòng", ông Bảo giải thích.
Hơn 20 năm sưu tầm và sửa truyện Kiều. Lại trải qua hàng trăm cuộc hội thảo lớn nhỏ, ông Bảo đã khiến các học giả bái phục thực sự. Không chỉ nói miệng, ông Bảo còn trình ra bằng chứng với những bản Kiều Nôm có trong tay. Cùng với đó là sự giải thích thấu tình đạt lý nên hàng loạt các câu sai sót đang thông hành được sửa chữa.
Cho đến nay, ông Bảo là người sửa được nhiều chữ sai nhất trong truyện Kiều với kỷ lục 918 chữ. Đồng thời, cũng in được 5 đầu sách giải thích về truyện Kiều cùng những chuyện thâm cung bí sử về đại thi hào Nguyễn Du.
|
Thạo Hán - Nôm nên ông đi sâu vào sửa truyện Kiều cổ bị dịch sai. |
Đa nghề như lang Chọi
Được công nhận là người có nhiều bản Kiều cổ nhất, ông Bảo còn là một trong những tay sưu tầm đồ cổ có tiếng nhất nhì Việt Nam. Là một lang y thông thạo chữ Hán, chữ Nôm nên những người buôn bán đồ cổ đều đến nhờ ông xem cái chữ dưới đáy bát, quanh cái đĩa viết gì.
Cứ như thế, mỗi lần ông dịch hộ thì lại nhận được một vài món quà mà chính những người nhờ vả trả công. Có khi là cái bát, có khi là một vài đồng xu cổ. Ngay cả những bức tượng kỳ quái thời tiền sử cũng được ông sưu tập rất nhiều.
Ông Bảo không nhớ mình có bao nhiêu đồ cổ nhưng lược tính cũng phải trên chục vạn hiện vật. Ông được xếp là 1 trong 10 người sở hữu nhiều tiền cổ nhất Việt Nam. Có những đồng tiền cổ có giá tới cả gần trăm triệu đồng nhưng ông Bảo gần như không bán mà giữ lại.
Ngay cả tượng đất mà các giáo sư khảo cổ đánh giá từ thời tiền sử cũng có trong nhà ông Bảo. Không chỉ là một vài tượng mà số lượng lên tới cả trăm hiện vật. Nhiều đại gia đến trả giá cao để sở hữu nhưng ông Bảo nhất định không bán.
Đa nghề như ông lang Chọi Nguyễn Khắc Bảo nhưng tiền bạc chẳng có là bao. Chơi đồ cổ thì không bán, nghề chữa bệnh cũng chỉ làm từ thiện là chính, sửa Kiều thì chỉ mất công sức thời gian chứ không bao giờ được trả một đồng một khắc. Ấy vậy mà bản Kiều Nôm ông có tất tần tật. Có người đến mua một cuốn với giá lên tới vài trăm triệu đồng mà ông cứ lắc đầu bảo, không bán là không bán.
"Tôi sửa những chỗ sai sót trong truyện Kiều không phải để xác lập kỷ lục, càng không phải để nổi tiếng. Nhưng nếu đã biết truyện Kiều bị sai mà không lao tâm khổ tứ nghiền ngẫm tìm tòi mà sửa chữa là có tội lớn. Không chỉ có tội với cụ Nguyễn Du đâu mà còn có tội với cả đất nước, với cả dân tộc".
Ông Nguyễn Khắc Bảo