Suýt tàn phế vì đắp lá chữa đau lưng

Google News

(Kiến Thức) - Đắp lá chữa đau lưng được một tuần, bệnh nhân nam 47 tuổi bị bỏng toàn bộ da, đi lại vẫn khó khăn, vẹo và gù xuống. 

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (47 tuổi), vào viện vì đau thắt lưng, hai chân teo dần, đắp lá chữa đau lưng không khỏi mà còn bị bỏng da.
Bỏng da vì đắp thuốc lá
Tại phòng khám, bệnh nhân cho biết mình bị đau thắt lưng lan xuống hai chân ở mặt sau đùi và mặt ngoài cẳng chân, chân trái nhiều hơn chân phải. Bệnh nhân đã tự uống thuốc lá và ấn huyệt nhưng không đỡ mà còn đi vẹo người, đáng nói là hai chân lại teo dần. Bệnh nhân đi đắp lá dọc cột sống được 1 tuần thì thấy bỏng toàn bộ da, đi lại vẫn khó khăn, vẹo và gù xuống. 
Bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm L4L5 chèn ép hai bên rễ thần kinh và hẹp ống sống. Bệnh nhân đã được mổ lấy đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh VI, phẫu qua đường mở cửa sổ xương hai bên và nẹp vít cột sống. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đi lại tốt và được ra viện. Sau một tháng, khi quay lại tái khám, bệnh  nhân đã đi lại bình thường, vận động tốt, có thể quay trở lại công việc bình thường.
Theo ThS.BS Nguyễn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trường hợp này một lần nữa cảnh báo về việc có bệnh lại không đến cơ sở y tế đủ chuyên môn mà đi chữa linh tinh theo truyền miệng. May mắn bệnh nhân đã đến viện khi chưa quá muộn, vẫn cứu vãn được tình thế, nếu không, chắc chắn hậu quả sẽ khó hồi phục.
Suyt tan phe vi dap la chua dau lung
Bệnh nhân bị bỏng dọc sống lưng vì đắp lá. 
Giữ tư thế đúng để bảo vệ cột sống
ThS.BS Nguyễn Vũ cho hay, cột sống là bộ phận quan trọng của cơ thể. Vì vậy, mọi người nên có tư thế đúng để tránh vẹo, gù, ảnh hưởng đến cột sống. Khi có triệu chứng đau thắt lưng, đi lại khó khăn mà không rõ nguyên do, tốt nhất mọi người nên đi khám ở cơ sở y tế đã được cấp phép chuyên môn, lý tưởng nhất là khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh.
Với những bệnh nhân đã được điều trị phẫu thuật, bệnh nhân không cần giảm hoạt động vì nghĩ cột sống mình yếu mà ngược lại, vẫn nên hoạt động bình thường để cột sống thắt lưng được vận động, chỉ có điều, cần chú ý bảo vệ cột sống thắt lưng hơn. 
Để bảo vệ cột sống thắt lưng, mọi người lưu ý: Nếu cần nhặt một vật nặng thì nên co chân và tiến đến gần vật đó quỳ xuống, còn vật nhẹ thì sử dụng phương pháp thăng bằng; không cố gắng rướn, vẹo người. Nếu làm việc trong tư thế ngồi, phải giữ cho lưng ổn định và thẳng. Những người làm công việc nội trợ tránh xoay, vặn người, không được cong người ra phía trước quá mức. 
Trong việc vệ sinh, để tránh hành động rướn người, nên dùng máy hút bụi dạng trượt, chổi cán dài. Khi sắp xếp thu dọn giường chiếu cũng phải giữ cho lưng thẳng. Với hành động chất hàng vào thùng xe, người nên luôn ở phía sau xe, đảm bảo lưng thẳng (đã có những trường hợp thùng hàng không quá nặng nhưng vì nhấc trong tư thế vẹo người mà sau đó bị chấn thương cột sống, teo chân). 
Chị em phụ nữ nên tránh đi giầy quá cao gót vì sẽ tạo cho mình tư thế ưỡn, mất vững; chỉ nên đi giày gót dưới 4 - 5cm để bảo vệ xương bàn chân và cột sống.
Lâm Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)