Sóng ngầm trong gia đình thời hiện đại: Chuyện tiền nong

Google News

Bên cạnh những tiện lợi, tiện ích về mặt vật chất thì gia đình thời hiện đại lại đang ẩn chứa những cơn sóng ngầm đe dọa hạnh phúc và sự vững bền của thiết chế này.

Trong bài viết “Từ vụ ly hôn đình đám Song-Song, gọi tên 5 vấn đề lớn mà gia đình hiện đại đang phải đối mặt” mà chúng tôi vừa đăng tải mới đây thì những rắc rối về tiền bạc được xem là vấn đề đầu tiên và cũng là lớn nhất gây nên sự bất ổn, xáo trộn trong các gia đình ngày nay. Không chỉ vì nghèo khó thiếu thốn mà ngay cả khi các cặp vợ chồng là tỷ phú đô la thì họ vẫn bị đồng tiền làm tan nát mối quan hệ tình cảm gia đình.
Để thấy vấn đề tiền bạc ảnh hưởng như thế nào đến sự tan hợp của hôn nhân, chúng tôi xin trích đăng những dòng tâm sự rất thật lòng của các bà vợ.
Tâm sự của chị Hạnh ở Hoàng Mai (Hà Nội): “Chồng mình làm ra khá nhiều tiền, tiêu tiền không phải nghĩ nhưng chỉ đưa cho mình 5 triệu mỗi tháng. Mặc dù, mình đã nói chuyện thẳng thắn rất nhiều lần với chồng rằng toàn bộ các khoản chi của gia đình, tiết kiệm hết mức vẫn hết khoảng 15 triệu đồng/tháng vì gia đình mình có 3 đứa con.
Lương mình 7 triệu đồng/tháng. Mình đề nghị chồng đưa mình 10 triệu đồng/tháng nhưng anh ấy cứ im re không nói gì và chỉ đưa cho mình đúng 5 triệu tiền học của các con. Hậu quả là mình đi làm có được bao nhiêu tiền là chi hết cho gia đình, không bao giờ để dư ra được đồng nào để có một khoản tiền “phòng thân” những khi ốm đau, trái nắng trở trời.
Sinh đứa thứ 3 xong, mắt mình bỗng dưng mờ đi nhưng nói thật là mình không có tiền để đi khám xem sự thể thế nào. Đó là chưa nói đến cảnh thiếu trước hụt sau, nhiều lúc phải chạy bữa. Nghĩ mà thấy buồn”.
Một người vợ trẻ khác cũng cho biết: “Mình thì chồng chẳng đưa cho đồng nào hết, cứ kệ vợ thôi. Có cách gì không đây, chán nản vô cùng!”.
Song ngam trong gia dinh thoi hien dai: Chuyen tien nong
Bi kịch gia đình thường nẩy sinh từ cách nghĩ 'tiền anh, tiền tôi'. Ảnh minh họa 
Hay một tâm sự không kém phần não nề như: “Tôi cũng đang đau đầu vì vấn đề này đây. Lương chồng 10 triệu/tháng nhưng chỉ đưa cho mình 3 triệu coi như đóng tiền ăn, còn lại mình tự lo mà nuôi con. Lương mình 5 triệu đồng/tháng, làm sao mà xoay xở hết trong gia đình. Vợ chồng mình có hai đứa con, nhà đang đi thuê. Mình cảm thấy chán nản vô cùng vì sự vô cảm lạnh lùng như vậy của chồng”.
Hay tâm sự của một người con: “Mẹ tôi 40 năm nay chưa được cầm một đồng của bố tôi. Tôi rất phục mẹ, hết lòng vì con!”…
Chán nản, thất vọng, mệt mỏi, muốn ly hôn, bế tắc… là tâm trạng chung của các bà vợ khi chồng không đưa đủ khoản chi tiêu trong gia đình. Nhiều người thường nói “khi yêu nhau tiền không là tất cả nhưng khi cưới nhau rồi thì tất cả lại vì… tiền. Hạnh phúc hay đau khổ, thuận hòa hay cãi vã… cũng chủ yếu từ vấn đề tài chính mà ra. Thế nên từ trước đến nay, dù ở bất cứ xã hội nào, phương Đông hay phương Tây, châu Á hay châu Âu thì mâu thuẫn về tiền bạc vẫn được liệt vào nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ly hôn”.
Theo ông Trần Hướng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), không như mô hình gia đình truyền thống xưa, vấn đề tiền bạc thường được phân công theo cách: chồng đi kiếm tiền còn vợ ở nhà tay hòm chìa khóa và lo mọi việc của gia đình, con cái. Nay, không có mấy phụ nữ được giữ tay hòm chìa khóa, quản lý tài chính gia đình mà thay vào đó là tình trạng “tiền anh, tiền tôi”. Mọi bất hòa nẩy sinh từ đây.
Theo các chuyên gia, quản lý tài chính luôn là chuyện đau đầu của mỗi gia đình thời hiện đại. Không khéo một chút là gia đình trở nên xáo trộn ngay. Minh bạch tài chính và có trách nhiệm về tài chính vì thế trở thành yếu tố tối cần thiết để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Thay vì quan niệm ‘tiền anh, tiền tôi”, các gia đình nên giải quyết vấn đề tài chính gia đình theo hướng “tiền chúng ta”.
Theo kinh nghiệm của không ít gia đình hạnh phúc thì: Để cân bằng, hai vợ chồng có thể đóng góp một khoản tiền nhất định vào quỹ chung hàng tháng. Tiền này dùng để trang trải chi tiêu thường nhật, biếu tặng cha mẹ hai bên và trích gửi tiết kiệm để dành cho những dự định sau này (sinh con, chăm con, mua nhà, du lịch…) cũng như các sự cố (đau ốm, tai nạn…). Ngoài quỹ chung này, trên cơ bản tiền còn lại mỗi người xài theo ý thích nhưng cần tham khảo bạn đời trước những khoản chi lớn.
Tất cả những tính toán trên cần có sự nhất trí của cả hai, tránh áp đặt gây mất đoàn kết nội bộ. Suy cho cùng thì tiền bạc, tài sản có được từ khi mối quan hệ vợ chồng được thiết lập là của cải chung nên chuyện phân biệt tiền anh, tiền em là điều không nên. Những lời than vãn về cái gọi là quỹ đen sẽ không có cơ hội mọc lên nếu hai vợ chồng có sự bàn bạc, thống nhất ngay từ đầu.
Trong cuộc sống gia đình, yêu thương, trân trọng nhau là điều quan trọng nhất. Và minh bạch tài chính là cách để vợ chồng chia sẻ, hiểu rõ, yên tâm về nhau, từ đó càng trân quý tấm lòng, ý nghĩa sống của nhau hơn.
Mời quý độc giả xem video Cặp đôi ngoại tình hài hước:

Mô tả video


Theo Ngân Khánh/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)