Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội liên tục truyền tay nhau về câu chuyện một nữ giáo viên ở Bắc Giang bị gia đình chồng bạc đãi, ép ly hôn và ra đi với hai bàn tay trắng: Không tài sản, không con cái.
Nữ giáo viên này sau đó đã lên trang cá nhân của mình chia sẻ về cuộc sống tủi cực khi về làm dâu. Dòng trạng thái mang tiêu đề “Không có con, em không sống nổi” của chị đã khiến không ít người rơi lệ, xót xa. Ngay sau đó, hàng trăm người đã đã share (chia sẻ) và kêu gọi cộng đồng hãy chung tay lên tiếng để người mẹ này có thể giành được quyền nuôi con.
|
Sau mỗi giờ dạy chị Vân Anh lại tranh thủ về trường mầm non để thăm con. |
Để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện, chúng tôi đã liên hệ với chị Đ.T.V. A. (SN1985), hiện đang là giáo viên trường THCS Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang – người phụ nữ trong câu chuyện nói trên.
Thấy chúng tôi nhắc tới chuyện riêng, chị V.A bật khóc nức nở. Chị bảo rằng, thời gian này chị có quá nhiều việc phải lo lắng. Chị vừa phải hoàn thành công việc ở trường, lại vừa phải đôn đáo làm các thủ tục kháng cáo ra tòa án. Vợ chồng chị mới ra tòa ly hôn, nhưng tại phiên sơ thẩm, tòa án đã xử cho chồng chị có quyền nuôi con.
“Nếu không có con, tôi không sống nổi. Tôi sẽ làm hết khả năng để giành quyền nuôi cháu. Tôi hoàn toàn có khả năng nuôi dạy con tốt, vậy không hiểu sao tòa án lại phán xử như vậy”, chị A. buồn bã nói.
Năm 2009 chị và anh N.N.M (SN 1982, ngụ Hiệp Hòa, Bắc Giang) kết hôn. Chị những tưởng rằng, khi lấy được một người chồng thành đạt, gia đình giàu có thì cuộc đời mình sẽ hạnh phúc. Nhưng chị đâu ngờ rằng, đó lại là nơi bắt nguồn những khổ đau, bất hạnh.
Chị và chồng có với nhau một con trai năm nay 6 tuổi. Hạnh phúc với chị, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh M. là một người gia trưởng, cục cằn và vũ phu. Bất cứ việc gì trong gia đình, chị cũng nhất nhất phải nghe lời chồng.
“8 năm làm vợ, tôi chưa từng biết đến một đồng lương của chồng. Nhưng cay đắng hơn, đó là chuyện tôi bị chồng bạo hành. Chỉ cần tôi làm trái ý, chỉ cần anh ấy không vui là anh ấy mang nắm đấm ra để giải quyết”, chị cúi mặt chia sẻ.
Chị kể, M. từng ném máy tính, giáo án của chị từ tầng 2 xuống vườn mà chẳng có lý do. Thậm chí, năm 2014, chị bị M. đánh đến chảy cả máu miệng, thâm tím mặt mày. Lần đó, chị đã định làm đơn kiện chồng ra tòa nhưng được mọi người khuyên can, hơn nữa, vì thương con nên chị đã rút lại.
“Tôi đã phải bỏ chạy rất nhiều lần về nhà ngoại để lánh thân. Nhưng cuối cùng, vì thương con nên tôi vẫn nhẫn nhịn quay lại để con có một gia đình trọn vẹn. Và một điều mà đến nay tôi thấy mình thật dại dột, đó là chỉ vì muốn sĩ diện, vì muốn giữ hình ảnh một giáo viên vừa giỏi, vừa hạnh phúc trước các em học sinh, đồng nghiệp mà tôi cứ nhịn nhục. ..”, chị Vân A. nói.
Đặc biệt, chị không nhận được sự thông cảm, sẻ chia từ phía mẹ chồng. Dù đã rất cố gắng vun vén gia đình, nhưng chưa khi nào chị được mẹ chồng coi như con cháu trong nhà. “Chồng tôi luôn nghe lời mẹ, dù không cần biết mẹ đúng hay sai. Nhiều khi tôi phải chịu ấm ức vô lý. Bà còn luôn tìm mọi cách để chia rẽ tình cảm vợ chồng tôi”, chị nói.
Vì hôn nhân không thể níu kéo, vợ chồng chị làm đơn ra tòa ly dị. Chị không cần chia tài sản, chị có thể ra đi tay trắng nhưng chị cần đứa con. Chị bảo: “Tôi là một giáo viên có mức lương khá, có một căn nhà riêng được bố mẹ tôi cho. Tôi cũng có thời gian, sự hiểu biết để nuôi dạy con tốt. Vậy không hiểu sao, tòa án lại tước quyền nuôi con của tôi?”.
Chị bảo, chị đang làm đơn kháng cáo ra tòa án. Cách đây vài ngày, mẹ chồng chị đã gọi điện thỏa thuận với chị rằng, chỉ cần để yên mọi việc – nghĩa là để cho chồng chị nuôi con thì họ sẽ đưa cho chị 70 triệu đồng. Đó coi như một món tiền để chị “làm lại cuộc đời”.
“Tôi đâu phải là một người mẹ hám tiền mà đồng ý với thương lượng ấy. Cho dù là 70 tỷ tôi cũng không cần. Tôi sẽ thuê luật sư, nhờ cộng đồng lên tiếng để giành lại công lý cho mình. Tôi chỉ cần con thôi”, chị sụt sùi nói.