Rảnh rỗi, Loan đưa lên Facebook hoạt động của các thành viên trong gia đình. Con gái thì rửa bát, con trai quét nhà, chồng cô thì ôm đống áo quần ra phơi. Nhiều người vào bình luận “mẹ Loan được nhờ rồi”, “ông chồng của năm”… Để có những bức hình chân thật đem khoe, mấy ai biết cô đã phải dày công huấn luyện.
Từ ngày các con được nghỉ học vì COVID -19, vợ chồng cô thay nhau ở nhà giữ chúng. Có mẹ ở nhà, sinh hoạt của các con đều đi vào nề nếp quy củ. Hai chị em tự giám sát chấm điểm lẫn nhau. Trong một ngày, ai làm được nhiều việc tốt hơn thì tương đương 10 điểm. Cuối tuần điểm thưởng sẽ quy ra một món quà yêu thích nhưng cũng giới hạn dưới 50 ngàn đồng.
Nhưng khi ở nhà với bố, mọi việc bị đảo lộn hoàn toàn. Loan như lên tăng xông khi nhà cửa bừa bộn, con đứa ngồi như phỗng trước ti vi, đứa đu người theo bố chơi game liên minh, kiếm thế.
Biết tình hình này kéo dài sẽ không ổn, con có thể uốn nắn nếu mẹ nghiêm khắc hơn, nhưng áp dụng chiêu thức của con sang chồng thì sẽ phản tác dụng. Ngoài công việc ở cơ quan, chồng cô chỉ còn việc đợi vợ dọn lên ăn mà không nỡ bưng hộ nồi cơm hay lấy giùm cái chén, đôi đũa. Làm nhiều thì sẽ nói nhiều, nói nhiều thì bị chồng con gọi là “thánh ràm”, đã thế Loan phải lên chiến thuật.
|
Trong khi mẹ Kiều Nguyễn của bé Thảo Hồ làm món bánh xèo quê hương |
Thật phù hợp khi thời điểm này vợ chồng cô đều được nghỉ dịch ở nhà. Sáng cô gọi các con dậy tự vệ sinh, nói nhỏ vào tai chúng “gọi bố tập thể dục”. Dù đang còn ngái ngủ, nhưng sự kêu réo của 2 đứa cũng khiến anh phải bật dậy khỏi giường. Thế là bố con ở ngoài sân, Loan trong bếp làm đồ ăn sáng. “Nhiệm vụ của mẹ là nấu mì, của chị Thanh là xếp ly chén trên bàn ăn, em Minh là lau bàn”, “thế còn bố làm gì vậy mẹ”, Loan mỉm cười không đáp nhìn chồng. Hai đứa con lại nhao nhao “thế là không công bằng, ai cũng có việc, mình bố là chưa” “được rồi, bố sẽ bưng tô xuống”, anh tự nhận.
Công việc cứ thế được thực thi,
|
Chồng chị Kiều làm nail cho vợ ( Ảnh NVCC) |
Loan vờ làm ngơ để bố con tự phân công hay cãi cự khi việc gì đó chưa đáp ứng tiêu chí “công bằng”. Khi nào thấy chồng hơi lơ là, Loan hỏi vu vơ “bây giờ 2 chị em thích bố hay mẹ dạy học” “các con thích bố hay mẹ nấu ăn” “mẹ giặt đồ rồi, phơi đồ là việc của ai”. Thế là mọi việc được chia hai, anh dần biết nhưng không thể nào chống cự. Phát huy “tinh thần dân chủ”, Loan đưa chồng vào thế không thể vô tư ôm điện thoại để mặc cho vợ con oai oái la nhau.
Thực ra chừng đó công việc, cô chỉ nhoáy một lát là xong, nhưng sẽ thành nếp xấu khi các con và chồng quen ỉ lại. Con trai cô dù có khát nước cũng tự đi mà lấy chứ không ngồi đó mà la làng “lấy con ly nước”, con gái lớn cũng được mẹ tập cho cách lấy gạo, vò cơm và cắm cơm như thế nào để được an toàn. Còn về chồng mình, Loan không muốn anh trở thành biểu tượng của sự phục dịch, biết kiếm tiền mà không biết vợ con.
Cơm con gái nấu có bữa sống bữa chín, chồng xếp áo quần có khi lẫn áo ướt với quần khô, thằng con trai nhiều lần lau bàn vẫn còn vương mùi tôm cá. Mà thôi, thế cũng được rồi, bố con họ cần thời gian thích nghi, Loan nghĩ bụng rồi cười thầm. “Ở nhà mà, mỗi người mỗi việc mới vui”!